Những ngày này, nhiều thợ săn ở Nghệ An mang dụng cụ và xe máy theo từng tốp đi trên các cánh đồng trong vào ngoài tỉnh để săn châu chấu.
Theo những người săn, vào từ tháng 5 đến tháng 10 là thời điểm châu chấu xuất hiện nhiều. Những người thợ săn có mặt trên nhiều cánh đồng để săn con được gọi là “tôm bay”. Thợ săn châu chấu về chia thành hai loại để bán: Châu chấu thịt (dùng làm mồi nhậu) và châu chấu cốm (làm thức ăn cho chim).
Phương tiện để săn “tôm bay” là xe máy, buộc phía sau 2 cái vợt lớn được may bằng vải dù hoặc màn tuyn. Cái vợt có thể đóng mở theo ý chủ nhân. Tuy nhiên, chỉ có những người chạy xe máy điệu nghệ, gan dạ mới dám đi săn kiểu này, bởi để đi xe trên cánh đồng nhấp nhô không hề đơn giản.
Theo anh Lê Văn Tấn, trú tại TX.Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, để săn được châu chấu, anh và đồng nghiệp phải dậy từ tờ mờ sáng, chất đồ nghề lên xe và di chuyển đến các cánh đồng. “Mỗi ngày chúng tôi sẽ đi mỗi cánh đồng. Đây là cánh đồng gần khu công nghiệp Bắc Vinh, TP.Vinh. Ở đây mặt đồng cỏ không bằng phẳng, có nhiều ổ gà, ổ voi,… lồi lõm ẩn dưới lớp cỏ nên rất khó di chuyển bằng xe máy. Có nhiều khi cũng bị tai nạn dập đầu gối và xây xước nhiều”, anh Tấn cho biết.
Vợt cũng được chế tạo chắc chắn, khung thép được đấu vào trục sau xe máy, lắp theo vợt lớn được may bởi lưới hoặc mà tuyn. Vợt phải dùng lưới mắt dày, chắn chắn để có thể chịu được va đập và áp lực lớn từ gió. Tuy nhiên, nó cũng phải thoáng để dễ dàng di chuyển và không ảnh hưởng đến sức khoẻ của châu chấu khi vào lưới. Miệng lưới được gia cố bằng khung thép há rộng.
Khi thấy vợt bắt đầu đầy châu chấu, anh Hồ Đức Tiến, trú tại TX.Hoàng Mai gom lại bỏ túi khác. Trong vợt không chỉ có châu chấu mà còn có cỏ khô, anh Tiến phải giũ sạch tách châu chấu ra.
Theo anh Tiến, trung bình mỗi ngày một người bắt được khoảng 10 – 15kg châu chấu. Săn bắt châu chấu về nhà những người thợ nhập cho các thương lái ngoài Hà Nội. Họ thu mua để cung ứng cho các nhà hàng làm mồi nhậu, châu chấu nhỏ thì họ nhập cho các đại lý chuyên cung cấp thức ăn cho chim ăn.
Nhiều người còn lạ lẫm với nghề này nhưng đối với thợ săn đó là thu nhập chính của gia đình. Theo anh Tiến, giá nhập châu chấu cho các thương lái với giá 110.000 đồng/kg. Mỗi ngày người đàn ông này có thể bán được khoảng 1,5 triệu đồng. Trừ mọi chi phí xăng xe, ăn uống... mỗi ngày còn kiếm được trên 1 triệu đồng. Ngày nào ít thì cũng được khoảng 600.000đồng – 800.000đồng.
Có những ngày may mắn, những người thợ săn có thể đánh được hàng chục kg, lượng châu chấu xuất hiện trên các cánh đồng khá nhiều.
Châu chấu được bắt tự nhiên nên trở thành món đặc sản đắt tiền của người dân hiện này. Việc săn bắt châu chấu góp phần bảo vệ mùa màng và tăng thu nhập cho người dân. Nhìn những người thợ săn như nghệ sỹ biểu diễn xiếc trên các cánh đồng.
Theo Người Đưa Tin