Kiến nghị quy định rõ các môn xét tuyển, kiên quyết loại bỏ tổ hợp 'lạ'

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ GD&ĐT cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại bỏ các tổ hợp “lạ”.

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị gửi Bộ trưởng GD&ĐT về một số giải pháp đảm bảo tính đồng bộ giữa chương trình giáo dục phổ thông mới với tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học từ 2025.

Hiệp hội nhận thấy, với phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gồm 4 môn. Trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn là bắt buộc và 2 môn học sinh lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Cách lựa chọn này tạo ra 36 tổ hợp môn.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị, Nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập một số Trung tâm Khảo thí độc lập hoạt động theo cơ chế không lợi nhuận để triển khai các dịch vụ công ích trong lĩnh vực đo lường – đánh giá giáo dục và tập trung cải thiện kì thi tốt nghiệp THPT theo định hướng.

Kiến nghị quy định rõ các môn xét tuyển, kiên quyết loại bỏ tổ hợp lạ-1

Hiệp hội cũng cho rằng, trong quá trình tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT cần có hướng ra đề phù hợp với từng đối tượng học sinh (THPT, giáo dục thường xuyên...) nhằm bảo đảm công bằng, tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Cùng đó, tăng thời gian làm bài của các bài thi môn lựa chọn và có giải pháp hạn chế khả năng “đoán mò” trong dạng thức câu hỏi đúng, sai để các trường đại học thuận lợi trong phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Các thí sinh dự thi cũng cần được lựa chọn thêm các môn thi lựa chọn (kể cả khi không học môn lựa chọn trong chương trình nhà trường quy định) để đảm bảo người học phát triển hết năng lực tự học và có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường đại học khi đảm bảo chất lượng đầu vào.

Về tuyển sinh đại học, Hiệp hội cho rằng, với phương án thi mới thì các tổ hợp được lựa chọn để xét tuyển cũng hạn chế.

Ngoài ra sẽ xuất hiện hàng loạt trường đại học tổ chức kì thi tuyển sinh riêng thường dưới tên gọi “đánh giá năng lực”, “đánh giá tư duy” để phục vụ cho nhóm trường, nhóm ngành tuyển sinh có tỷ lệ cạnh tranh gay gắt.

Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng chưa đảm bảo đánh giá đúng năng lực ngoại ngữ của thí sinh THPT do các môn ngoại ngữ theo chương trình phổ thông mới có chuẩn đầu ra khác với chuẩn của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang được nhiều trường đại học công nhận xét đầu vào hiện nay.

Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng gây khó khăn và tốn kém cho thí sinh và phụ huynh do phải thi cử nhiều lần, phải chấp nhận ghi danh ở nhiều “lò luyện”…

Việc này cũng ảnh hưởng tới chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ những phân tích trên, Hiệp hội kiến nghị, Bộ GD&ĐT loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào.

Đồng thời cần yêu cầu các trường giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng được sử dụng để xét tuyển sinh, bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập thành công ở bậc đại học. Đặc biệt, cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại bỏ các tổ hợp “lạ”.

Bộ GD&ĐT cần làm rõ khái niệm “xét tuyển sớm” hoặc thay đổi khái niệm cho phù hợp với bản chất của hoạt động tuyển sinh vì hầu hết các thí sinh này đều chưa tốt nghiệp THPT trong năm học khi tham gia xét tuyển. Việc làm rõ khái niệm này sẽ tránh gây nhầm lẫn cho thí sinh, xã hội và các trường đại học.

"Bộ GD&ĐT cũng cần đánh giá sự phù hợp của các kì thi riêng, đảm bảo không vượt quá chương trình học của học sinh cấp THPT để giảm thiểu tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan.

Đồng thời chỉ đạo các trường xây dựng các tổ hợp xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của đầu vào ngành học của bậc đại học; chỉ được đặt thêm các tiêu chí phụ khi cần thiết", Hiệp hội nêu.

Hiệp hội cũng yêu cầu làm rõ cơ sở khoa học để các đại học, trường đại học thực hiện quy định theo dự thảo quy chế tuyển sinh từ năm 2025 về nội dung chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu.

Điểm xét tuyển, trúng tuyển các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/kien-nghi-quy-dinh-ro-cac-mon-xet-tuyen-kien-quyet-loai-bo-to-hop-la-ar911423.html

tuyển sinh đại học

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao