Chùa Xiêm Cán nằm ở vùng ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, cách cánh đồng điện gió Bạc Liêu gần 3km và cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 12km. Chùa được xây dựng vào năm 1887, có diện tích khoảng 5ha.
Chùa Xiêm Cán được mệnh danh là ngôi chùa cổ và là trung tâm tôn giáo lớn bật nhất của người Khmer ở Bạc Liêu nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung. Năm 2022, chùa được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL.
Quần thể kiến trúc chùa Xiêm Cán bao gồm nhiều hạng mục quay mặt về hướng đông, được xây dựng theo trường phái Phật giáo Nam tông đặc trưng nhưng mang đậm dấu ấn kiến trúc Angkor Khmer - Campuchia.
Nổi bật là chánh điện được xây dựng theo hình chữ nhật, mặt chính quay về hướng đông. Hướng vào chánh điện với 18 bậc thang để đi lên, phía trên là bức phù điêu đắp nổi hình Phật Thích Ca.
Bên trong chánh điện nổi bật với những bức hoạ về cuộc đời Đức Phật.
Chùa Xiêm Cán mang kiến trúc nghệ thuật độc đáo cùng những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Toàn bộ cấu trúc mái theo nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp.
Hệ thống mái được thiết kế hài hòa với phong cách kiến trúc đặc trưng của đền tháp Angkor với các tượng rồng Khmer, đầu rồng dạng kép, thân rồng nằm xoãi và đuôi rồng thì uốn cong ngược lên. Mỗi mảng chạm trên mái, cột giống như những tác phẩm nghệ thuật, được trang trí tỉ mỉ, tinh xảo trong từng chi tiết qua các hình tượng như: rồng Khmer, rắn thần Nagar, chim thần Krud...
Tên Xiêm Cán của chùa xuất phát từ tiếng Tiêu (tiếng của người gốc Triều Châu, Trung Quốc đang sinh sống nhiều ở Bạc Liêu) có nghĩa là "giáp nước" bởi địa hình vùng đất này trước đây bên cạnh đình bồi ven biển.
Đối diện với khu vực chính điện và mộ tháp là quần thể tháp - tượng, gồm 3 tháp chính cùng các pho tượng Phật ở các tư thế tọa thiền khác nhau. Chùa có tới hơn 100 pho tượng là hóa thân của đức Phật Thích Ca, một bia đá được đập bằng chữ Khmer cổ và một quả chuông đồng có từ năm 1887.
Chùa là nơi tu tập của nhiều sư thầy, cũng là nơi tập trung học chữ, học múa hát hoặc học nghề của người dân Khmer. Thời điểm thích hợp để tham quan là buổi sáng sớm và buổi chiều mát để có thể ngắm nhìn toàn cảnh ngôi chùa dưới nắng vàng và những sinh hoạt đời thường của các sư thầy.
Chùa Xiêm Cán cũng tạo ra một không gian thanh bình và mát mẻ xung quanh. Các công trình được bao quanh bởi khuôn viên rộng rãi và những hàng cây cổ thụ, như cây cọ và cây dầu có tuổi đời hàng trăm năm, tạo ra bóng mát và vẻ yên bình.
Theo VietNamNet