Niềm vui xen lẫn nỗi lo, sinh viên đối mặt “chông gai” phòng trọ
M.H, tân sinh viên tại TP.HCM, không khỏi bỡ ngỡ và lo lắng. M.H chia sẻ: “Em rất háo hức khi được lên thành phố học tập, nhưng khi bắt đầu đi tìm phòng trọ, em mới thấy mọi chuyện không hề dễ dàng như mình tưởng.” Với mong muốn tìm phòng trọ gần trường học, M.H lên thành phố từ đầu tháng 8, dù đã tìm kiếm rất nhiều, những nơi M.H hỏi đều có giá dao động từ 2,5 - 2,6 triệu/ tháng, vượt quá mức chi trả mà bản thân có thể đáp ứng.
Tương tự, L.D (sinh viên Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM), chia sẻ câu chuyện của mình: “Do không có phương tiện di chuyển, mình muốn ở khu vực Bình Thạnh gần trường nhưng giá phòng quá cao, vượt xa khả năng tài chính của mình. Có vài phòng phù hợp nhưng đã bị thuê hết từ lâu."
Đây không chỉ là nỗi lo của các bạn sinh viên mà cũng là nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh. Chú L, phụ huynh của sinh viên M.T từ trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, bên cạnh giá cả, chất lượng của các phòng trọ mới là điều khiến gia đình lo lắng.
“Nhà chú ở Quận 9, còn con học ở Quận 12, nên tìm trọ khu vực An Phú Đông. Trong hợp đồng giá phòng tăng mỗi năm, hiện tại là 2,9 triệu đồng/ tháng chưa tính điện nước, tổng chi phí tầm 3,5 triệu đồng mà phòng còn thiếu tiện nghi. Chú quyết định tạm thời không thuê ngay mà chờ thêm một thời gian để xem có phòng trống và giá cả hợp lý hơn không", chú L. chia sẻ.
Sinh viên chủ động ở ghép để giảm áp lực tài chính
Giá phòng trọ đang tăng vọt, đặc biệt ở các khu vực trung tâm thành phố. Chị M.N (một môi giới phòng trọ), cho biết hiện tại ở khu vực An Dương Vương, Quận 5 (TP.HCM), giá thuê dao động từ 3 đến 4 triệu đồng cho một phòng trọ nhỏ từ 16 - 25m². Ở Quận 10, giá phòng trống tại Tô Hiến Thành có nơi lên đến 6 triệu đồng cho một phòng trung bình. Tại khu vực Hoàng Văn Thụ, Quận Tân Bình, một phòng 30m² được phép ở tối đa 3 người, mỗi người tốn trung bình 2,5 triệu đồng/ tháng. Dù chật chội, nhiều sinh viên vẫn phải chấp nhận các phòng trọ nhỏ do thiếu lựa chọn. Số khác chọn giải pháp ở ghép để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Nhiều sinh viên lựa chọn việc ở ghép để giảm chi phí.
Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng chọn phương án thuê trọ ngoài. Bạn H.D, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn chọn ở ký túc xá trong năm đầu để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, mô hình ký túc xá tư nhân cũng là lựa chọn của nhiều sinh viên.
Lệ phí phòng ký túc xá ĐHQG TP.HCM năm học 2023 - 2024 đến 2025 - 2026
Nguy cơ "mắc cạn" khi tìm trọ
Tìm được phòng trọ đã khó, nhưng nhiều sinh viên còn gặp phải các chiêu trò lừa đảo tinh vi. Cô N.T.T (chủ nhà trọ lâu năm tại Quận 2, TP.HCM), chia sẻ câu chuyện về một bạn sinh viên bị lừa cọc khi thuê phòng: "Người ta dẫn con bé đến xem phòng, vội vàng đưa chìa khóa rồi bỏ đi. Khi nhận phòng, chìa khóa lại không mở được cửa, hỏi ra mới biết đã đưa tiền cọc 2 triệu cho người kia."
Đây không phải là chiêu trò mới, nhưng vẫn có không ít bạn sinh viên không may bị lừa. Chính vì vậy, cô N.T.T khuyên sinh viên nên yêu cầu video thực tế của phòng thay vì tin vào ảnh chụp, sau đó đến xem trực tiếp để biết hiện trạng phòng. Đồng thời, tân sinh viên cũng cần cảnh giác với những yêu cầu đặt cọc ngay để giữ chỗ vì đó có thể là dấu hiệu của lừa đảo.
Sinh viên cần đến tận nơi xem kỹ phòng trọ rồi mới nên "chốt đơn".
Theo Tiền Phong