Thông thường khi phóng tác hoặc chuyển thể từ văn học, giới điện ảnh ưu tiên tiểu thuyết, truyện dài hoặc truyện ngắn. Hiếm khi các nhà làm phim chọn thơ ca do khó tìm ra tính truyện hay ngôn ngữ điện ảnh.

Xây dựng được tính truyện, nhưng vẫn đảm bảo được tính thơ là yêu cầu khó khi chuyển thể từ thơ ca sang điện ảnh. Nếu không có bàn tay lành nghề, thấu rõ chữ nghĩa thơ ca, tác phẩm dễ thành thảm họa.

Kiều vừa ra mắt của Mai Thu Huyền rơi vào tình trạng thảm họa vì gần như không hiểu đâu là giá trị của Truyện Kiều, đâu là điều khiến danh tác của Nguyễn Du khác với Kim Vân Kiều vốn là tiểu thuyết của Trung Quốc.

Phóng tác với cấu trúc kịch bản tệ hại

Kiều của Mai Thu Huyền được giới thiệu là phóng tác từ Truyện Kiều, nhưng thực chất chỉ sử dụng một phần cốt truyện gốc. Theo đó, Kiều (Mỹ Duyên) bị Mã Giám Sinh (Long Đẹp Trai) bán vào lầu xanh của Tú Bà (Phương Thanh) với giá 400 lượng vàng. Vì vừa có nhan sắc, vừa chơi đàn hay, Kiều trở thành “át chủ bài” trong kỹ viện của Tú Bà.

Hiền Bá (Hiếu Hiền) - một công tử giàu có, quyền thế - say mê Kiều, sẵn sàng trả nghìn lượng để lấy Kiều làm vợ. Song, Kiều lại đem lòng yêu Thúc Sinh (Lê Anh Huy) - một người buôn lụa nhưng giỏi thơ họa. Tuy nhiên, Thúc Sinh đã có vợ là Hoạn Thư (Cao Thái Hà).

Phim chủ yếu xoay quanh hai mối quan hệ tay ba: Hiền Bá - Kiều - Thúc Sinh, Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư. Những tâm tình, nỗi lòng, dằn vặt, diễn biến nội tâm phức tạp khác của Thúy Kiều như cô đơn, nhớ nhà, nhớ Kim Trọng, thương thân, trách phận hoàn toàn bị lãng quên.

Kiều - Phim 18+ thảm họa của điện ảnh Việt-1
Nhân vật trong phim có cách xây dựng tệ hại.

Kiều của Mai Thu Huyền lấy một phần chất liệu từ Truyện Kiều, nhưng rồi xây dựng một kịch bản rối rắm và ngô nghê. Biến cố và nút thắt lộn xộn, nửa vời, không đâu vào đâu trong mạch truyện lê thê, đan cài chi tiết chắp vá và non nớt. Một vài chi tiết cài cắm, như "trinh tiết" của Kiều, khiến phim gây ngao ngán ngay từ những cảnh đầu tiên.

Tệ hại nhất là cách xây dựng nhân vật Đạm Tiên với diễn xuất của chính Mai Thu Huyền. Do được Kiều thắp nén hương thương nhớ, cô đã xuất hồn và đi theo Kiều trong mọi bước đường. Đạm Tiên dùng phép thuật đưa dao cho Thúy Kiều để phòng thân, cứu cô khỏi “cánh mày râu” háo sắc, nhưng đồng thời ép Kiều phải khơi dậy lòng hận thù, thậm chí ép cô phải giết người vì đàn ông là phụ bạc.

Nhân vật Đạm Tiên là sáng tạo nhằm mang đến nét mới lạ, nhưng đã vô tình triệt tiêu những đấu tranh tâm lý, diễn biến nội tâm, cùng nỗ lực của Kiều trước những truân chuyên kiếp người. Đạm Tiên khiến nhân vật Thúy Kiều trên màn ảnh vốn đã nhạt nhòa trong kịch bản càng trở nên đáng quên hơn.

Cũng Đạm Tiên và bút pháp xây dựng nhân vật ngờ nghệch của biên kịch và đạo diễn đã khiến phim Kiều có nhiều tình tiết phi logic. Phim có nhiều cảnh nóng và bối cảnh lầu xanh buộc tác phẩm bị dán nhãn 18+. Quả là nghịch lý éo le khi phim chỉ dành cho người lớn, nhưng lại có quá nhiều chi tiết đơn giản, ngô nghê như cho trẻ con.

Kiều - Phim 18+ thảm họa của điện ảnh Việt-2
Diễn xuất gây thất vọng của nam nữ chính.

Ngoài âm nhạc, phim không có điểm sáng

3 thành tố quan trọng trong việc tạo nên một tác phẩm điện ảnh là kịch bản, diễn xuất và cách dựng phim. Kiều của Mai Thu Huyền không đáp ứng được cả 3 tiêu chí.

Do chỉ khai thác một phần cốt truyện và phóng tác tệ hại, phim không toát ra được sự đặc sắc, riêng biệt của kiệt tác Truyện Kiều. Mai Thu Huyền trong vai trò đạo diễn chỉ cài cắm một vài câu thơ của Nguyễn Du, nhưng đều không được đặt trong tình huống đắt giá. Cách đọc thơ như trả bài của một vài nhân vật khiến người xem không khỏi ngao ngán.

Những bộ phim với kịch bản kém chất lượng, đôi khi vẫn được cứu vãn phần nào bởi diễn xuất. Song, dàn diễn viên Kiều cũng gây tiếc nuối. Nữ chính Trình Mỹ Duyên xinh đẹp, là gương mặt mới của thị trường, nhưng không lột tả được Kiều và số phận của Kiều. Cô gặp khó khi cần biểu đạt nội tâm, một phần nguyên nhân đến từ kịch bản nông.

Các diễn viên khác như Lê Anh Huy trong vai Thúc Sinh hay Cao Thái Hà trong vai Hoạn Thư cũng có màn thể hiện gây thất vọng. Cả hai cùng có đài từ kém, luôn gắng gượng để thể hiện sự đa dạng trong biểu cảm, nhưng bất thành.

Riêng nhân vật Thúc Sinh vốn được xây dựng như "người hùng cứu mỹ nhân" để khác biệt với nguyên tác, nhưng càng về sau lại càng nhu nhược, mâu thuẫn với hình tượng ban đầu. Câu nói "bên tình bên nghĩa" như lý do bao biện của Thúc Sinh là sản phẩm của lối viết thoại sáo rỗng và bế tắc.

Phương Thanh trong vai Tú Bà chỉ mang đến sự hài hước hơn là gớm ghiếc như Nguyễn Du từng mô tả về bà chủ lầu xanh: "Thoắt trông nhờn nhợt màu da / Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao". Long Đẹp Trai với hình ảnh Mã Giám Sinh cũng không ra được vẻ hèn mọn của nhân vật này.

Kiều - Phim 18+ thảm họa của điện ảnh Việt-3
Lê Khanh cũng không thể trở thành điểm sáng.

NSND Lê Khanh với vai Hoạn Bà (mẹ của Hoạn Thư) có ít đất diễn và luôn tỏ ra nguy hiểm quá mức cần thiết. Diễn xuất của Lê Khanh trong phim bị kịch hóa như nhiều diễn viên xuất thân từ sân khấu. Đáng tiếc là với Gái Già Lắm Chiêu 3 và V, Lê Khanh từng thoát được khỏi lối diễn này để khẳng định khả năng diễn xuất điện ảnh, để rồi lại thụt lùi với Kiều.

Điểm gây chán chường ở Kiều còn là cách kết phim nửa vời do không giải quyết được mâu thuẫn đặt ra. Phim chỉ có điểm sáng duy nhất là ca khúc Kiều Mệnh Khúc của Huy Tuấn do Bùi Lan Hương thể hiện.

Câu "Vừa hoàng hôn mà nay sao đã lại hôn hoàng" trong bài hát lấy tứ từ câu lục bát "Song sa vò võ phương trời / Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng" của Nguyễn Du. Bùi Lan Hương hát đầy tự sự, nhưng làm sao chỉ một bản nhạc phim có thể cứu nổi cả bộ phim thảm họa?

Theo Zing