Ấu trùng giun lươn "xuyên da" xâm nhập vào cơ thể
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, trường hợp bệnh nhân phát hiện nhiễm giun lươn là nữ (50 tuổi, ở Lào). Nhà bệnh nhân có mảnh vườn nên thường tự trồng, chăm hoa.
Gần đây bệnh nhân thấy xuất hiện nhiều nốt sẩn ngoằn ngoèo trên da, di chuyển. Thỉnh thoảng tức ngực, ho khạc ra đờm có những sinh vật nhỏ ngọ ngoạy. Khi về Việt Nam, bệnh nhân đi khám và xét nghiệm có huyết thanh chẩn đoán giun lươn (+) đã đến BV Nhiệt đới Trung ương để tư vấn xin đơn thuốc .
Ngoài ra, tại BV cũng mới điều trị cho bệnh nhân nam 70 tuổi bị sốt kéo dài, nhiễm trùng huyết nhiều lần. Bệnh nhân đã điều trị ở rất nhiều bệnh viện, tái phát đi tái phát lại và khi vào BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được điều trị nhiễm trùng đồng thời với diệt giun lươn mới hết tình trạng nhiễm trùng huyết tái phát.
Những đường ngoằn ngoèo trên da do giun lươn.
BS Cấp cho biết, giun lươn có thể “trườn” khắp cơ thể, khi thì chúng qua phổi, lên họng, xuống ruột lại thành giun trưởng thành và đẻ trứng, nở thành ấu trùng, gây nên tình trạng bệnh nhân tự nhiễm đi nhiễm lại trong nhiều năm.
Trong khi đó, giun lươn tồn tại tự do lưu cữu trong đất, ruộng, đặc biệt những nơi có tập tục đi vệ sinh ngoài môi trường, ngoài ruộng, chỉ đào một hố nhỏ xong lấp đi, những vùng này sẽ ô nhiễm giun lươn nhiều.
Nếu ta đi chân trần vào vùng đất có ấu trùng giun lươn, chúng sẽ đi xuyên qua da tạo các nốt di bệnh ngoằn ngoèo, vào máu đi lên phổi, xuyên qua phế nang theo đờm lên họng, bị nuốt xuống ruột phát triển thành giun trưởng thành ký sinh trong ruột.
Tại ruột giun tiếp tục đẻ trứng nở thành ấu trùng thải theo phân gây ô nhiễm đất. Một số ngay trong lòng ruột lại tái xâm nhập qua da gần hậu môn vào máu lại tạo ra lứa giun mới. Cơ chế này khiến người bị nhiễm giun lươn thường mạn tính vài chục năm.
“Có những bệnh nhân vốn không tiếp xúc với môi trường đất, ruộng nhiều, nhưng khi đi qua vùng có giun lươn mà bị nhiễm thì sẽ mắc mạn tính vì sau đó xảy ra tình trạng tự nhiễm nhiều năm. Điều này lý giải cho những trường hợp bệnh nhân ở thành phố hàng vài chục năm, không đi chân đất vẫn mang giun như thường”, BS Cấp nói.
Có thể tử vong vì nhiễm trùng máu do giun lươn
Người nhiễm giun lươn khi cơ thể suy giảm sức đề kháng hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, ấu trùng giun phát triển ồ ạt ngay trong lòng ruột rồi kéo đàn lũ đi xuyên qua niêm mạc ruột vào máu, lên phổi lại bắt đầu một chu kỳ ký sinh mới.
"Trong hành trình này, khi đi xuyên qua thành ruột chúng sẽ đem theo nhiều loại vi khuẩn từ phân gây ra nhiễm trùng huyết nặng hoặc các ổ di bệnh lan tỏa. Nếu tại phổi nó sẽ gây viêm phổi nặng. Tình trạng này gọi là siêu nhiễm (hyperinfections) và có nguy cơ gây nhiễm trùng máu nặng, không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ đe dọa tính mạng người bệnh.
Tại Việt Nam tỷ lệ người có từng nhiễm giun lươn lên đến 29.1% Tây nguyên có tỷ lệ cao nhất lên tới 42.4%. Đáng nói, các dấu hiệu nhiễm giun lươn mạn tính không rõ ràng, không có triệu chứng.
Đôi khi người bệnh có hiện tượng mẩn ngứa hay các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da hoặc ậm ạch khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ. 75% số này có tăng bạch cầu ái toan ở các mức độ khác nhau.
Những bệnh nhân này nếu vì lý do gì đó bị suy giảm miễn dịch sẽ khởi phát siêu nhiễm dẫn đến tình trạng rất nặng với các biểu hiện viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu do các vi khuẩn đường ruột, nhiễm ấu trùng giun lươn lan tỏa ở nhiều vị trí như màng não, màng tim, mắt,… và tỷ lệ tử vong ở nhóm này có thể lên tới tới 40%", BS Cấp cảnh báo.
Trong khi đó, khi được phát hiện, việc điều trị giun lươn lại khá đặc hiệu với thời gian điều trị tối tối thiểu là 2-4 tuần.
Theo Dân Trí