'Kong: Skull Island': Tự hào quê hương Việt Nam, mặc kệ bước lùi siêu phẩm

Bom tấn đình đám được quay ở Việt Nam có phần giải trí tốt, nhưng chưa làm thỏa lòng người hâm mộ.



Kong: Skull Island được gọi là “bộ phim quốc dân” bởi được quay gần như hoàn toàn tại Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh ở Việt Nam. Với kinh phí khổng lồ, 185 triệu USD (hơn 4.000 tỷ đồng), bộ phim cùng với Godzilla (2014) sẽ thiết lập đế chế quái vật trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, Kong: Skull Island chưa thể xứng tầm với người tiền nhiệm.

Bối cảnh phim diễn ra vào năm 1973, thời điểm quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Một nhóm các nhà khoa học của Monarch gồm William Randa (John Goodman), San Lin (Cảnh Điềm),… cùng đội hộ tống do thiếu tá Preston Packard (Samuel L. Jackson), James Conrad (Tom Hiddleston) và phóng viên Mason Weaver (Brie Larson) dẫn đầu tiến vào Đảo Đầu Lâu (Skull Island) để khảo sát địa hình.

Chuyến đi tưởng chừng dễ dàng lại trở thành thảm họa khi họ đụng độ Kong, vua khỉ của hòn đảo. Chỉ còn một số ít sống sót sau cuộc chiến, cả nhóm buộc phải tìm đường đến điểm tập kết để rút lui. Trên đường đi, họ nhận được sự giúp đỡ của Hank Marlow (John C. Reiley) – một cựu binh lạc trên đảo từ thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, Kong không phải là quái vật duy nhất và tàn ác nhất ở nơi này.

Bối cảnh và kỹ xảo đẹp tuyệt vời


Bối cảnh Việt Nam đẹp hút mắt

Một trong những điểm khiến khán giả Việt Nam mong ngóng Kong: Skull Island chính là bối cảnh quê hương xuất hiện trong phim. Và tác phẩm đã không khiến người xem phải thất vọng. Hình ảnh Việt Nam nổi lên một cách hoành tráng và vô cùng hùng vĩ. Biển xanh trong vắt cùng rừng rậm rợp bóng cây lộ rõ vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, khiến người xem khó lòng rời mắt.

Bộ phim có cách phối màu sắc vô cùng đẹp mắt. Những góc quay rộng kết hợp với hình ảnh mờ sương sớm tạo nên một khung cảnh hùng vĩ đến choáng ngợp. Trong những góc quay cận, các nhà làm phim khéo léo kết hợp với ánh nắng khiến từng chi tiết nhỏ nhất đều toát lên vẻ nên thơ. Từng ngọn núi, từng tán cây đều khiến người xem bất ngờ bởi vẻ đẹp của quê nhà.



Kỹ xảo và dàn quái vật của phim vô cùng chân thật

Kỹ xảo của phim cũng là một điểm nhấn sáng giá. Các quái vật trong phim đều có tạo hình vô cùng chân thật là ghê rợn tới từng chi tiết. Cuộc chiến giữa Kong cùng con người và các quái vật khác diễn ra rất đẹp mắt. Trường đoạn cuối cùng khi vua khỉ đối đầu với con Thằn Lằn Xương Sọ khổng lồ dễ làm người xem nín thở vì hồi hợp. Phần cháy nổ của Kong: Skull Island được thực hiện rất tốt. Tiếng súng nổ liên hồi, tiéng quái vật gầm rú, tiếng gào thét,… cùng phần nhạc nền vô cùng tốt tạo nên một cuộc chiến ác liệt và không kém phần kinh hoàng.

Cốt truyện là điểm yếu
 


Cốt truyện phim khá rời rạc và chắp vá

Có phần hình ảnh tốt nhưng cốt truyện của Kong: Skull Island lại khá rời rạc và đầy lỗ hỏng. Từ sau cuộc đụng độ với Kong, phim bị chia thành 2 tuyến truyện khác nhau bởi 2 nhóm do Conrad và Packard dẫn đầu một cách không cần thiết. Vì thế mà mạch truyện bị chia nhỏ khiến người xem khó lòng nắm bắt nội dung. Cảm xúc của khán giả cũng vì thế mà thường xuyên đứt quãng giữa chừng.

Có thời lượng ngắn nhưng nhồi nhét nhiều tuyến nhân vật khác nhau khiến chuyện phim bị loãng. Nhiều nhân vật (Cảnh Điềm là một ví dụ điển hình) xuất hiện trong phim nhưng không có mục đích và vai trò rõ ràng. Tính cách các nhân vật chính cũng không được khắc họa rõ nét và khá nhạt nhòa. Thêm vào đó, nhịp phim chậm chạp và không có định hướng nhiều lúc dễ làm khán giả nhàm chán.



So với King Kong 2005 và Godzilla 2015 thì "Kong: Skull Island" đuối hơn hẳn

 

Quái vật xuất hiện tuy nhiều nhưng không tạo được cảm giác “khủng bố tinh thần” như Godzilla cách đây 2 năm. Phần chuyển cảnh khá nhanh và đột ngột kết hợp với phần nội dung rời rạc khiến Kong: Skull Island như trờ thành một tác phẩm chắp vá của nhiều đoạn clip ngắn. So với King Kong (2005), bộ phim là bước lùi cả về nội dung lẫn ý nghĩa.

Dàn diễn viên trờ thành “phao cứu sinh”

Cốt truyện nhạt nhòa nhưng nhờ dàn diễn viên thực lực mà Kong: Skull Island vẫn giữ được phần nào sự thu hút. Cả 2 vai diễn của Tom Hiddleston và Brie Larson đều không có tính cách cụ thể nhưng nhờ diễn xuất của họ mà khán giả vẫn dễ dàng cảm nhận được tâm lý và tình cảm của nhân vật.



Nhân vật thiếu điểm nhấn nhưng diễn xuất của dàn diễn viên lại cuốn hút.

 

Điểm nhấn sáng giá nhất trong phim thuộc về 2 diễn viên gạo cội Samuel L. Jackson và John C. Reiley. Vào vai một thiếu tá cứng đầu, Packard lộ rõ sự lạnh lùng của một viên chỉ huy thời chiến. Ông không từ thủ đoạn và hậu quả để thỏa mãn cái tôi cuồng sát của bản thân. Độc đoán, tàn nhẫn là những gì người xem dễ dàng cảm nhận được từ từng ánh mắt và cử chỉ của Samuel L. Jackson. 

Phía bên kia chiến tuyến, John C. Reiley lại thể hiện được hình ảnh một người lính hiền lành và chất phác. Sau khi cùng một viên sĩ quan Nhật rơi xuống Đảo Đầu Lâu từ thời thế chiến, ông và kẻ thù trở thành 2 người anh em đồng sinh cộng tử. Sau này, dù người bạn không còn nữa, Marlow vẫn mang theo thanh kiếm và những lá thư của anh gửi cho gia đình như một lời nhắc về tình bạn của họ.

Nỗi nhớ gia đình của viên sĩ quan lớn tuổi cũng được thể hiện một cách rõ nét. Sau 28 năm, ông sẵn sàng chấp nhận họ đã quên mình nhưng vẫn nuôi một khao khát gặp lại gia đình.

Dù không hoàn hảo nhưng Kong: Skull Island vẫn là tác phẩm giải trí tốt, và là cơ hội để khán giả có thể ngắm nhìn quê nhà trong một bom tấn của Hollywood.

Phim hiện đang công chiếu tại các rạp toàn quốc.
 

>>> Hãy xem 'Kong: Skull Island' để thấy Việt Nam đẹp đến thế nào
>>> Sân khấu công chiếu 'Kong: Skull Island' tại TP.HCM bốc cháy dữ dội vì màn múa lửa
>>> Quảng Bình đẹp đến 'nghẹt thở' trong phim bom tấn 'Kong: Skull Island'

 

Tâm Nguyễn
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/kong-skull-island-tu-hao-que-huong-viet-nam-mac-ke-buoc-lui-sieu-pham-n-114158.html

review phim Kong: Skull Island Kong: Skull Island 'Kong: Skull Island' King Kong

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao