Tại vùng quê ở miền Nam Trung Quốc, có một loại quả dân dã có vẻ ngoài rất giống với những củ khoai lang tím, tuy nhiên, chúng lại mọc ở trên cây.
Ai ai khi nhìn thấy cũng đều thấy lạ lẫm, nhưng theo những người dân trong làng chúng có tên khoa học là Holboellia latifolia Wall và thường phát triển ở các vùng thung lũng và sườn đồi trên cao.
Người dân địa phương gọi là dưa bát nguyệt hay khoai lang rừng. Nó còn có tên gọi dân dã khác là "dưa quả tháng 8". Sở dĩ nó có tên như vậy là bởi loại quả này chín vào tháng 8 âm lịch.
Dưa bát nguyệt là một loại quả vị rất ngọt và thơm, nhưng nhược điểm của chúng là có quá nhiều hạt, hạt và thịt lại dính liền với nhau.
Dưa bát nguyệt ưa môi trường rộng rãi và ẩm ướt, chịu được cả nóng và lạnh, dưa bát nguyệt có thể leo rất cao, mọc rất nhiều ở những khu rừng cây cối không quá rậm rạp và sườn núi.
Dưa bát nguyệt có 3 màu vàng, xám ghi và tím. Phổ biến hơn cả là màu xám và vàng, bên trong có rất nhiều hạt màu trắng. Dưa bát nguyệt thuộc họ Mộc thông, và xuất hiện nhiều ở các tỉnh như Hồ Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Hồ Bắc… của Trung Quốc.
Thịt của dưa bát nguyệt rất giàu vitamin và axit amin. Không chỉ là loại trái cây được yêu thích ở nông thôn mà dưa bát nguyệt còn có thể dùng làm thuốc và làm đẹp. Ở nông thôn, người nông dân còn sử dụng loại quả này để cho lợn nái ăn, giúp lợn mẹ thông sữa.
Quả dưa bát nguyệt sau khi chín đã tách 1 đường, có thể trực tiếp ăn luôn. Quả này có thể dùng làm rượu hoặc chiết xuất làm nước trái cây, lấy mật.
Ngoài làm đồ ăn, loại dưa này còn được dùng làm thuốc chữa bệnh rụng tóc, táo bón, hắc lào và nhiều bệnh khác.
Loài dưa này còn hay được các quý ông tìm kiếm vì họ cho rằng dưa bát nguyệt có khả năng chữa liệt dương.
Hiện nay, dưa bát nguyệt bắt đầu được đưa vào sử dụng rộng rãi ở các thành phố. Thế nhưng, do loại quả này thường mọc tự nhiên và mỗi năm chỉ ra quả 1 lần nên giá thành vẫn còn khá cao.
Cách đây không lâu, ở Việt Nam cũng có bán loại quả lạ này với giá 250.000 đồng/quả, mỗi thùng năm quả có giá tới 1,45 triệu đồng.
Theo Kiến thức