Nhiếp ảnh gia người Pháp, Eric Lafforgue đã ghi lại nghi lễ mài răng (còn được gọi là "mebyakala") tại một ngôi làng nằm ở phía Nam hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali, Indonesia.
Video: Quá trình mài răng cho thiếu niên để xua đuổi ma quỷ
Daily Mail dẫn lời ông Eric: "Theo tín ngưỡng truyền thống có từ hơn 2.500 năm trước của những cư dân bản địa, răng nanh là điểm đặc trưng của các loài động vật hoang dã và ma quỷ truyền kiếp. Nếu không mài phẳng chúng đi thì sau khi qua đời, họ sẽ bị chặn lại ngay cửa thiên đường bởi vẻ ngoài trông giống hệt dã thú".
Vì thế, khi tới tuổi trưởng thành thì các thiếu niên đều phải trải qua nghi lễ mài phẳng răng nanh nhằm loại bỏ những sự xấu xa vẫn còn ẩn giấu bên trong và trở thành một con người thực sự.
Ông Eric cho biết thêm: "Nghi thức truyền thống như một cách để xóa sạch những tật xấu cố hữu của con người. Do bản chất là nghi lễ tâm linh, tất cả mọi thiếu niên tham gia mài răng phải tiến hành cầu nguyện liên tục trong vòng hai ngày nhằm thanh tẩy tâm hồn vốn dĩ chưa trong sạch".
Người tham gia mài răng phải cầu nguyện liên tục trong vòng hai ngày nhằm thanh tẩy tâm hồn và thể hiện sự thành kính của bản thân.
Vào ngày thực hiện nghi lễ, các thiếu niên phải mặc trang phục truyền thống, được gia đình đưa tới một ngôi đền lớn trong vùng nơi họ sẽ được thanh tẩy. Tại đây, họ cũng phải quỳ lạy cha mẹ để cảm tạ công ơn sinh thành và dưỡng dục.
Để khiến miệng luôn mở trong suốt quá trình thực hiện nghi lễ mài răng, những thiếu niên này được cho cắn một mẩu mía đường nhỏ.
Để bảo vệ các thiếu niên khỏi sự tấn công từ ma quỷ, trước khi thực hiện nghi lễ chính thì thầy cúng sẽ tiến hành niệm thần chú trên một chiếc nhẫn nạm hồng ngọc – vật được coi là có tác dụng trừ tà rất mạnh, sau đó chạm nó vào hàm răng của các thiếu niên để truyền sự bảo vệ lên cơ thể họ.
Cuối cùng, nhân vật chính sẽ được người thân giữ chặt trong khi vị thầy cúng dùng chiếc dũa kim loại mài đi phần nhọn của những chiếc răng nanh.
Toàn bộ quá trình mài răng chỉ diễn ra trong khoảng 5 phút và các thiếu niên không hề được sử dụng bất kỳ một loại thuốc giảm đau nào, cũng như không được phát ra tiếng kêu hay phàn nàn khó chịu.
Vị thầy tu thường kể vài câu chuyện cười, giống như cách mà nhiều nha sĩ hiện đại sử dụng để thu hút sự chú ý của bệnh nhân khiến cơn đau giảm đi đáng kể.
Trong khi thực hiện nghi lễ, vị thầy tu cũng không tỏ ra quá nghiêm túc mà thường kể vài câu chuyện cười để giúp các thiếu niên tạm quên đi cơn đau.
"Theo như thầy cúng nói, chiếc dũa kim loại cũng đã được ban phúc khiến cho việc mài răng diễn ra khá nhẹ nhàng. Nhưng tôi chỉ thấy nó được vị thầy tu dùng bàn chải cũ để cọ rửa lại sau mỗi lần sử dụng", nhiếp ảnh gia nói.
Vào ngày thực hiện nghi lễ, các thiếu niên sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống.
Họ còn phải quỳ xuống và cúi đầu trước cha mẹ ruột để cảm tạ công ơn sinh thành.
Cha mẹ và người thân của thiếu niên sẽ đứng xung quanh, dùng tay giữ cho con cái mình nằm yên và không động đậy trong suốt quá trình thực hiện nghi lễ.
Thầy cúng sẽ chạm chiếc nhẫn vừa được làm phép vào hàm răng của các thiếu niên như là một cách để truyền sự bảo vệ lên cơ thể họ.
Chiếc dũa mài này chỉ được thầy tu dùng bàn chải cũ để cọ rửa lại sau mỗi lần sử dụng.
Thu Hương
Theo Vietnamnet