Ikejime là phương pháp giết mổ cá được người Nhật thực hiện đầu tiên. Ikijime được gọi là kĩ nghệ chế biến cá nhân đạo vì cá không bị đập bằng búa đến chết, mà đầu bếp sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng (dây thép hoặc dùi) để hủy phần não sau của cá.

Cá bị chết não nên sẽ ra đi nhanh trước khi kịp cảm thấy đau đớn. Cũng nhờ đó, cá không căng cứng cơ, bị dập hoặc mất máu dẫn đến chất lượng thịt cá giảm.

Kỹ nghệ chế biến cá nhân đạo của người Nhật Bản-1
Cá sẽ được "kết liễu" nhanh chóng, ít đau hơn.

Bởi hai lợi ích đó, kĩ nghệ chế biến cá nhân đạo này không chỉ được các đầu bếp Nhật áp dụng mà cũng lan truyền rộng rãi đến những quốc gia khác. Những miếng cá đặc biệt tươi ngon, mềm mại trong món sashimi hay sushi một phần đến từ kĩ nghệ này.

Nói về kĩ nghệ chế biến cá nhân đạo trên, một đầu bếp nổi tiếng người Pháp nhận xét: “Một con cá có hoặc không có áp dụng kỹ thuật Ikejime khi ăn hay khi đem nấu cũng không có mấy khác biệt. Tuy nhiên đến ngày thứ 3, thứ 4 và thứ 5..., miếng cá được sơ chế kiểu Ikejime sẽ phát huy ưu điểm rõ rệt...”.

Về cơ bản, kĩ nghệ chế biến cá nhân đạo sẽ trải qua các bước đơn giản sau đây:

1. Bảo vệ bàn tay và vệ sinh thực phẩm bằng bao tay (chắc chắn rồi).

2. Dùng công cụ chuyên dụng (dây thép hoặc dùi) đâm nhanh vào hộp sọ, tại phần hõm ngay phía trên và giữa hai con mắt. Cách đơn giản để định vị não cá chính là kéo hàm dưới cá mở ra, cạnh của hộp sọ sẽ lộ ra phía hàm trên. Đâm đúng não, cá sẽ cho biểu hiện giống như bị điện giật.

Kỹ nghệ chế biến cá nhân đạo của người Nhật Bản-2
Một cây dùi mảnh được dùng trong kĩ thuật này.

Sau đó, cắt mang cá để loại bỏ máu và cứa bỏ đầu cá để kết thúc quá trình hô hấp. Đưa lưỡi dao vào mang thứ 3, thứ 4 và cắt về phía miệng cá để làm đứt mạch máu.

Kỹ nghệ chế biến cá nhân đạo của người Nhật Bản-3

3. Luồn dây thép cứng vào xương sống, dọc sống lưng để hủy tủy, loại bỏ hoàn toàn hệ thần kinh trung ương. Cá sẽ có biểu hiện như bị điện giật một lần nữa. Quá trình Ikejime kết thúc khi cá nằm yên.

Kỹ nghệ chế biến cá nhân đạo của người Nhật Bản-4Kỹ nghệ chế biến cá nhân đạo của người Nhật Bản-5

4. Làm sạch máu bằng cách rửa cá bằng nước biển thêm đá để triệt tiêu mùi tanh và giúp cá sạch. Lưu trữ cá nguyên con trong kho lạnh nếu chưa dùng ngay.

Ngoài ra, trước khi trữ lạnh thì có thể bỏ cá vào rổ với đầu hướng cá hướng xuống, nhúng rổ xuống nước biển khoảng 15 phút. Điều này giúp cơ thể cá lạnh đi sau khi nóng lên vì vùng vẫy, giúp thịt cá ngon và chắc.

Kỹ nghệ chế biến cá nhân đạo của người Nhật Bản-6

Kĩ nghệ chế biến cá nhân đạo của người Nhật Bản này tuy nhìn có vẻ đơn giản, không khó làm nhưng để đạt được sự trơn tru, điệu nghệ trong từng bước thực hành thì cần rất nhiều thời gian luyện tập.

Những đầu bếp Nhật Bản trước khi làm sushi cũng đã dành gần thập kỉ chỉ để... học mổ cá. Đây là một cách chế biến cá thú vị để bạn tham khảo, nếu tự tin vào tay nghề của mình thì bạn hoàn toàn có thể tự trải nghiệm.

Theo Travelmag