Ký sự SEA Games: Ê chề bóng đá Thái Lan

SEA Games 32 tiếp tục ghi dấu thất bại của bóng đá Thái Lan, khi đội nữ mâu thuẫn và đội U22 thua Indonesia trong trận chung kết xấu xí.

1. Chỉ ít giờ trước trận chung kết bóng đá nam SEA Games 32, bà Nualphan Lamsam - hay Madame Pang, trưởng đội tuyển Thái Lan - thông báo tặng thêm 1 triệu baht (hơn 687 triệu đồng) nếu các cầu thủ U22 giành HCV.

Lời hứa ấy đã không thể tác động đến các cầu thủ U22 Thái Lan như mong đợi.

Ký sự SEA Games: Ê chề bóng đá Thái Lan-1
U22 Thái Lan tiếp tục lỡ hẹn HCV

Sau U22 Việt Nam, đến lượt các cầu thủ trẻ Thái Lan mang cảm giác bất lực trong việc phòng chống những cú ném biên rất mạnh của U22 Indonesia ở gần cuối sân.

U22 Indonesia mở tỷ số sau 20 phút từ một tình huống ném biên như vậy. Trong những giây bù giờ cuối cùng của hiệp một, Ramadhan Sananta nhân đôi cách biệt.

Giữa hiệp đấu thứ hai, Anan Yodsangwal nhen nhóm hy vọng cho "Voi chiến" với bàn rút ngắn tỷ số.

Sự kịch tính lên cao khi HLV Indra Sjafri, toàn bộ BHL và các cầu thủ U22 Indonesia ăn mừng chiến thắng khi nghe tiếng còi của trọng tài Kassem Matar Al-Hatmi ở phút bù giờ thứ 9 của hiệp hai.

Thực tế, đó là tiếng còi cho trận đấu tiếp tục của trọng tài người Oman cho trận đấu tiếp tục. Ít giây sau, Yotsakorn Burapha đưa bóng vào lưới U22 Indonesia.

Khoảnh khắc này khởi đầu cho tình huống lộn xộn khi nhiều thành viên U22 Thái Lan sang khu vực của đối thủ ăn mừng bàn thắng.

Irfan Jauhari giúp U22 Indonesia vươn lên ngay đầu hiệp phụ. U22 Thái Lan mất kiểm soát và màn ẩu đả kinh hoàng diễn ra sau đó, buộc cảnh sát trên sân phải can thiệp kéo theo cơn mưa thẻ đỏ.

Ký sự SEA Games: Ê chề bóng đá Thái Lan-2
U22 Thái Lan thất bại và gắn với hình ảnh bạo lực

Tổng cộng, 7 chiếc thẻ đỏ được ông Al-Hatmi rút ra cho cầu thủ và BHL hai đội. U22 Thái Lan kết thúc trận đấu với thất bại 2-5 và chỉ còn 8 cầu thủ trên sân.

2. Lần đầu tiên sau 32 năm, kể từ 1991 (bao gồm ĐTQG lẫn U22 hoặc U23), bóng đá Thái Lan thất bại trong việc giành HCV trong 3 kỳ SEA Games liên tiếp.

Sau chiến thắng ở Malaysia 2017, U22 Thái Lan bị loại từ vòng bảng giải đấu mà Philippines đăng cai hai năm sau đó. Năm ngoái, "Voi chiến" thua trong trận chung kết.

Cả hai thất bại trước đó của Thái Lan đều diễn ra trước U22 Việt Nam. Lần này là trận thua U22 Indonesia, như từng diễn ra năm 1991 (thua 3-4 loạt đá luân lưu sau khi hòa 0-0 trong 120 phút).

Thái Lan thất bại theo cách xấu xí nhất. "Chính họ gây sự trước khi sang khu vực của chúng tôi ăn mừng bàn gỡ hòa 2-2", HLV Indra Sjafri cáo buộc.

Thất bại của Thái Lan là chiến thắng mang tính lịch sử với bóng đá Indonesia sau quá nhiều thất bại. Họ đã chờ đợi quá lâu để được khoác lên cổ tấm HCV Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Ông Indra Sjafri là người hùng xứ vạn đảo, với những kỷ niệm đẹp ở Campuchia. Năm 2019, dưới sự dẫn dắt của ông, U22 Indonesia từng giành chức vô địch U22 Đông Nam Á trên sân Olympic, thủ đô Phnom Penh.

Điều thú vị, U22 Indonesia cũng đánh bại U22 Thái Lan cách nay 4 năm. Witan Sulaeman - một trong những trụ cột tại SEA Games 32 - là nhân chứng của kỷ niệm ấy.

3. Trước khi đội U22 dưới sự dẫn dắt của ông Issara Sritaro thua trong trận chung kết bạo lực, đội tuyển nữ Thái Lan cũng gây nhiều thất vọng.

Ký sự SEA Games: Ê chề bóng đá Thái Lan-3
Nữ Thái Lan mâu thuẫn nội bộ sau khi thua nữ Myanmar ở bán kết

Đội tuyển nữ Thái Lan lần thứ 4 liên tiếp hụt HCV. Sau 3 trận chung kết thua nữ Việt Nam, lần này "Chaba Kaew" giành HCĐ.

Không chỉ vậy, vấn đề lớn nhất của nữ Thái Lan xuất hiện trong trận bán kết. Họ toàn thắng vòng bảng, ghi 13 bàn và không thủng lưới, trước khi đối đầu nữ Myanmar.

Thái Lan dẫn 2-0 chỉ sau 18 phút. Thế nhưng, khoảng thời gian sau đó thuộc về nữ Myanmar, những người ngược dòng thắng chung cuộc 4-2 để vào chung kết gặp lại nữ Việt Nam (thầy trò HLV Mai Đức Chung thắng 2-0).

Sau trận thua ngược Myanmar, nội bộ đội nữ Thái Lan căng thẳng tột độ. Tất cả bắt đầu từ những phát biểu của HLV Naruphol Kaensorn, người chịu trách nhiệm và bảo vệ quyết định mang nhiều cầu thủ trẻ sang Campuchia.

Ông Naruphol ám chỉ các cầu thủ "30 tuổi hoặc sắp 30 tuổi" khó có thể đáp ứng "bóng đá hiện đại đòi hỏi năng lượng cao". 

Mâu thuẫn nảy sinh khi tiền đạo kỳ cựu Taneekarn Dangda - người hiện 30 tuổi - đưa ra những tuyên bố phản pháo với ông Naruphol.

Cựu tiền đạo Kanjana Sungngoen - nhà vô địch SEA Games 2013 - cũng không hài lòng. "Từ khi Naruphol quản lý, đội không có bất kỳ thành công nào".

Đội U22 bạo lực, đội tuyển nữ chia rẽ và Naruphol khó có thể tiếp tục công việc, bóng đá Thái Lan trải qua kỳ SEA Games ê chề.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ky-su-sea-games-32-bong-da-thai-lan-that-bai-2144277.html

Sea Games Thái Lan

Tin tức mới nhất