Đã có nhiều trường hợp phản ánh việc làm đẹp da bằng phương pháp laser để lại nhiều biến chứng khó lường. Chẳng hạn đã có trường hợp xóa xăm bằng phương pháp đốt laser. Ngay ở lần đốt đầu tiên, bệnh nhân đã nóng ran và gần như cháy hết phần da, phải nhập viện để được mổ cắt lọc vết thương mô hoại tử và tiến hành ghép da.
Hoặc một trường hợp bệnh nhân bị mụn cóc nhỏ ở đầu ngón tay, điều trị bằng phương pháp đốt laser bị hoại tử, nhiễm trùng lộ khớp ngón, đứt gân duỗi ngón. Bệnh nhân này mất hơn hai tháng lui tới các bệnh viện điều trị nhưng không thể cải thiện.
Thậm chí có trường hợp “tiền mất tật mang” nặng nề hơn, như trường hợp một bệnh nhân ở Quận 5 được người thân giới thiệu đi thẩm mỹ bằng laser acne, chi hết 30 triệu đồng nhưng mặt vẫn không hết tàn nhang, nám và mụn cơm. Trải qua liệu trình 21 ngày và 10 phút cho mỗi lần điều trị tại một thẩm mỹ viện, đến nay bà vẫn chưa khắc phục được hậu quả trên khuôn mặt. Đau nhất là sau mỗi lần điều trị, mặt càng nặng và tức da. Cứ dừng uống thuốc là những chỗ chiếu tia laser lại nổi mẩn và các vết đỏ, da sần sùi như da cóc.
Hiện nay, dịch vụ dùng tia laser đốt mụn, xóa tàn nhang hiện nay đang là một xu hướng khá phổ biến tại các cơ sở làm đẹp. Nhiều chị em phụ nữ cũng rất ưa chuộng bởi các nơi đều quảng cáo là dịch vụ này hiệu quả nhanh chóng, nhẹ nhàng và cực kỳ an toàn.
Tuy nhiên, sử dụng tia laser như thế nào trong điều trị là cả một quy trình khắt khe. Để an toàn, các bác sĩ cần được đào tạo chuyên nghiệp, biết cách sử dụng thiết bị laser và thông thạo nhiều thao tác khác nhau.
Điểm “hấp dẫn” nhất khi sử dụng tia laser có tác dụng tức thì là nhìn thấy mờ hẳn tàn nhang, thâm, sẹo, do đó nhiều chị em khá tin tưởng phương pháp này. Thế nhưng thực tế phương pháp này tiềm ẩn hậu quả khôn lường vì những biến chứng do laser gây ra. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau rát, mẩn ngứa, không thoải mái, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm có thể còn bị kích ứng hoặc bong tróc da… Nếu biến chứng nặng, để lại hậu quả sẽ rất khó khắc phục.
Với từng loại mụn, sẹo khác nhau, phương pháp và thao tác điều trị cũng sẽ khác nhau. Tùy vào loại điều trị, bác sĩ thẩm mỹ sẽ tiết chế tia laser ở tần số phù hợp. Nhiều trung tâm thẩm mỹ hiện nay, người điều trị laser không có chuyên môn hoặc chỉ học kỹ thuật sử dụng tia laser một khóa ngắn hạn. Thậm chí người này truyền kinh nghiệm cho người kia nên dễ dẫn đến biến chứng.
Hy vọng bài viết cảnh báo này có thể giúp bạn có kiến thức sâu hơn một tí về phương pháp làm đẹp da bằng tia laser. Nếu bạn vẫn muốn dùng phương pháp này, bạn nên đến một bệnh viện lớn chuyên ngành thay vì phó mặc vào những thẫm mỹ viện mà bạn chỉ biết được sơ sơ qua… internet.
Thúy An (tổng hợp)