Ngày 16/7, Bộ GD-ĐT chính thức công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo định hướng của thông tư 30 (về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học) và mô hình trường học mới (VNEN). Trong đó, nội dung gây tranh cãi nhất trong dự thảo lần này chính là điều 17, trong đó quy định rõ, mỗi lớp học sẽ có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể HS bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên. Mỗi lớp học chia thành các tổ, ban hoặc nhóm HS, trong đó có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký.
Ngay sau khi được công bố, dự thảo này đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận cũng như từ các bậc phụ huynh học sinh. Giữa những tranh luận quanh quy định lớp trưởng được gọi là chủ tịch hội đồng tự quản, ít giờ trước, trên trang cá nhân, bình luận viên (BLV) Anh Ngọc đã bày tỏ quan điểm của mình. Bằng những dẫn chứng và ví dụ cụ thể trong phép so sánh với giáo dục Châu Âu, anh cho rằng "Chừng nào chúng ta còn tư duy, cho rằng làm lớp trưởng là được hưởng các đặc quyền đặc lợi, là dạy cho bọn trẻ quan cách từ nhỏ và do đó, hướng chúng thể hiển đúng như thế, thì chừng đó chúng ta tiếp tục sai lầm.
Bài chia sẻ của BLV Anh Ngọc trước vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận - (Ảnh chụp màn hình).
Được sự cho phép của anh, chúng tôi xin được trích nguyên văn bài chia sẻ:
Từ sáng đã thấy Newsfeed ầm ầm phê phán chuyện gọi lớp trưởng là "chủ tịch". Thực ra theo mình, gọi là gì không quan trọng, quan trọng là lớp trưởng và các vị "chức sắc" khác trong lớp có giúp được gì cho lớp và cho giáo viên, tóm lại là cho cái chung, không thôi.
Hồi nọ mình có viết một post về kinh nghiệm giáo dục bên này rằng, làm lớp trưởng ở trường Tây thực ra là làm "phục vụ" cho các bạn mà thôi, chẳng có gì to tát cả đâu. Chừng nào chúng ta còn tư duy, cho rằng làm lớp trưởng là được hưởng các đặc quyền đặc lợi, là dạy cho bọn trẻ quan cách từ nhỏ và do đó, hướng chúng thể hiển đúng như thế, thì chừng đó chúng ta tiếp tục sai lầm.
Nội dung post đó đây nhé: "Ở bên này, lớp trưởng không được coi là chức sắc, mà chỉ là người hỗ trợ giúp việc cho cô giáo đứng lớp trong các công việc chung mà thôi. Chẳng hạn lớp trưởng đi photocopy bài tập của cô giao để phát cho cả lớp cùng làm, lớp trưởng tổ chức xếp hàng cho các bạn đi ăn cơm trưa, lớp trưởng ở lại sau khi cả lớp về hết để xem có ai quên gì không và tình hình vệ sinh thế nào, lớp trưởng đại diện cho lớp lên họp trước trường (trước đó, chúng nó ngồi hội ý để nêu ý kiến, lớp trưởng ghi chép tập hợp lại để trình bày "lên trên" ý kiến của học sinh lớp nó). Mỗi năm, hiệu trưởng tiến hành họp một cách dân chủ với các lớp trưởng (chứ không phải cô chủ nhiệm) để lắng nghe ý kiến của chúng.
Nhưng để trở thành lớp trưởng, chúng nó phải tổ chức bầu cử (cô giáo không can thiệp vào tiến trình, mà chỉ xác định ngày và tổ chức kiểm phiếu, với một ban kiểm phiếu do cô giám sát), phải đưa ra một cương lĩnh hành động, dán lên tường lớp ("bầu cho tớ nhé, tớ sẽ chăm sóc các bạn như thế này, như thế kia") và tiến hành bỏ phiếu đàng hoàng. Năm nào lớp con mình cũng tiến hành bầu cử và lớp 30 đứa, mà có đến 10-15 ứng viên. Điều gì đã khiến chúng hăng hái muốn làm lớp trưởng đến thế? Con gái mình, năm nào cũng là ứng viên, nhưng chỉ trúng đến mức cao nhất là lớp phó thôi, giải thích: "Con muốn làm những điều tốt cho tất cả các bạn".
Từ chuyện của lớp con mình ở bên này, mới thấy, thực ra lớp trưởng không phải là quan, mà chỉ là người phục vụ. "Công bộc" của dân được đào tạo từ cấp 1 cấp 2 ở bên này như thế đấy, khi ngay từ khi còn nhỏ, chúng đã được đưa vào một môi trường mà chúng được thể hiện quyền và trách nhiệm của mình. Đấy không phải là những điều to tát mà "người lớn" hay đọc trong các diễn văn, mà là những điều rất thực tế và giản đơn như vậy thôi.
Tại sao người ta có thể làm được như thế với bọn trẻ? Vì người ta tin chúng, và không coi chúng chỉ là những đứa trẻ".
Giữa lúc dự thảo của Bộ GD - ĐT đang gây nhiều tranh cãi, chia sẻ của BLV Anh Ngọc đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Một số người đồng tình với quan điểm của Anh Ngọc và cho rằng, đây là bài viết sâu sắc và ý nghĩa. Nhiều người tỏ ý đồng tình với quan điểm, gọi là gì không quan trọng, việc thay đổi chức danh từ lớp trưởng sang chủ tịch là không cần thiết.
Trong khi đó, một người dùng mạng khác lại cho rằng thay vì tranh cãi quá nhiều về vấn đề này, điều quan trọng hơn là chúng ta cần phải tôn trọng ý kiến và mong muốn của các em: "Trước hết BGD hãy làm 1 cuộc khảo sát xem các em học sinh nghĩ gì khi đưa ra các chính sách này... Thời tôi đi học thì dù thầy giáo cũng cố gắng dân chủ, nhưng trong mắt anh em thì "ông" lớp trưởng chẳng là gì. Tốt nhất là bầu ông nào "lành" một tí để ông ấy làm ngơ lúc mình trót vi phạm kỷ luật. Còn ông ấy là lớp trưởng hay chủ tịch, hay TGĐ thì cũng mặc. Cuối cùng thầy giáo phải "bẩu" là làm lớp trưởng thì sẽ có kinh nghiệm về mặt tổ chức, sau này rất có ích trong cuộc sống và sự nghiệp thì mới có thằng chiếu cố nhận làm, dù mặt buồn như đưa đám.
Tóm lại hãy lắng nghe xem học sinh Việt (hơi khác học sinh Ý 1 tý - vì nền văn hóa Việt khác) nghĩ gì trước khi ra các quyết định ...".
Đồ họa Dự thảo điều lệ trường tiểu học được xây dựng theo định hướng của thông tư 30 (về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học) và mô hình trường học mới (VNEN).
Trước đó, quy định này của Bộ GD-ĐT đã vấp phải rất nhiều những tranh cãi trái chiều từ ngay khi được công bố. Bên cạnh luồng ý kiến phản đối gay gắt, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra đồng tình với quy định này bởi việc đặt ra chức danh chủ tịch Hội đồng tự quản sẽ giúp nâng cao tính tự lập và đề cao trách nhiệm của mỗi em. Và tên gọi không quan trọng bằng cách giáo dục các em hoàn thành nhiệm vụ ra sao. Do đó, những bậc phụ huynh này cho rằng đây là điều tốt chứ không có gì xấu.
Theo Trí Thức Trẻ