Vietnamnet dẫn lời ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang phối hợp làm rõ nguyên nhân bệnh nhi G.T.N., 3 tháng tuổi, dân tộc Mông, ở xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương.

Trước đó, vào khoảng 8h ngày 3/6, gia đình đưa bé N. đi tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBe Five tại điểm tiêm của xã. Sau tiêm, theo dõi trẻ không có phản ứng gì nên gia đình đưa về nhà. Đến khoảng 17h cùng ngày, bé đột ngột chuyển sốt cao, tím tái, được đưa đến trạm y tế xã cấp cứu, sau đó chuyển tiếp lên BV Sản – Nhi Lào Cai.

Làm rõ nguyên nhân bé 3 tháng tuổi tử vong sau tiêm vắc xin ComBe Five-1
Ảnh minh họa.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao li bì, thở ngáp, toàn thân tím tái, không bắt được mạch ngoại vi. Các bác sĩ ngay lập tức tiền hành cấp cứu, điều trị tích cực cho bé N. nhưng sau 3 ngày nằm viện, bệnh nhi đã tử vong do suy hô hấp nặng và nhiễm trùng máu.

Theo báo Công lý, sau khi nắm bắt thông tin trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm chủng, Trung tâm đã cử đoàn công tác tới cơ sở tiêm tại địa phương để làm rõ vụ việc. Qua kiểm tra cho thấy, các khâu tiếp nhận vắc xin, tổ chức tiêm chủng tại điểm tiêm đều chấp hành quy chuẩn an toàn của Bộ Y tế.

Đáng chú ý, cùng trong sáng 3/6, có 16 em nhỏ khác cũng được chung lô vắc xin với em N.

Hiện tại, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đang làm rõ vụ việc. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương cần tiếp tục chăm lo, động viên gia đình có trẻ tử vong; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa của tiêm chủng mở rộng đối với sức khỏe của trẻ.

Làm rõ nguyên nhân bé 3 tháng tuổi tử vong sau tiêm vắc xin ComBe Five-2
Vắc xin Combe Five.

Vắc xin Combe Five là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hip do Ấn Độ sản xuất. Vắc xin này được Bộ Y tế cho phép sử dụng thay thế vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên phạm vi toàn quốc từ tháng 12/2018 đến nay.

Sau tiêm ComBE Five bé sẽ được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Khi về nhà chúng ta cần phải theo dõi các biểu hiện trẻ đau tại nơi tiêm, quấy khóc, sốt và các biểu hiện khác như tinh thần, ăn bú, nôn trớ, khó thở.

Khi có các biểu hiện như sốt trên 38 độ 5, không đáp ứng với thuốc hạ sốt thì cần đưa bé đến cơ sở y tế và đặc biệt các dấu hiệu như quấy, bỏ bú, khó thở, tím tái thì cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Thông thường các phản ứng sau tiêm chủng sẽ xuất hiện trong vòng 24 đến 48 giờ, chủ yếu là sốt và đau tại nơi tiêm, cần phải cho bé uống thuốc hạ sốt, giảm đau, uống nhiều nước và theo dõi bé kể cả trong đêm ngủ.

Theo Người Đưa Tin