Lần lượt tự vẫn, gia đình bị đồn 'ma ám'

Người dân trong vùng đồn nhau rằng gia đình ấy bị ma rừng ám khi những người trong nhà lần lượt tự vẫn, chém giết lần nhau.

Bản Khau Hán thuộc xã Bình Phú (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) rất nghèo, nằm sâu và cách biệt với khu dân cư nên rất hoang sơ huyền bí. Trưởng bản La Văn Nhất bảo: “Ở đây, ma rừng nhiều lắm, nó bắt bao nhiêu người rồi. Nó còn bắt nữa chứ chưa hết, như gia đình thằng Phú đấy”.

Đó là câu chuyện xảy ra vào khoảng tháng 12/2009, khi những người đi nương phát hiện hai vợ chồng La Tài Phú và Triệu Thị Viên nằm chết bên bìa rừng. Anh Phú và chị Viên đã có với nhau 3 mặt con, cuộc sống vợ chồng luôn thuận hòa, không điều tiếng xấu. Nhưng bất ngờ, vào một ngày mưa gió, Phú tưởng tượng ra cảnh vợ mình ngoại tình với ông hàng xóm nên trong bữa cơm, Phú “phang” cả nồi cơm vào mặt vợ để truy hỏi.

Không thỏa mãn trước các lý giải, Phú quyết định sát hại vợ. Phú rủ vợ vào rừng hái măng, sau đó mượn cớ về trước đi tìm mấy ngọn lá ngón thủ trong người rồi chờ vợ bên bìa rừng. Khi Viên xuất hiện, Phú đã dùng thuổng đập nhiều nhát vào đầu và mang tai vợ cho đến khi người phụ nữ bất hạnh gục xuống. Khi biết vợ đã chết, Phú móc lá ngón ra nhai ngấu nghiến rồi nằm ôm vợ cùng chết. Mấy ngày sau, dân bản mới phát hiện ra thi thể hai vợ chồng.

Từ trái qua, anh La Tài Vượng, cháu Minh và La Tài Vụi.
Từ trái qua, anh La Tài Vượng, cháu Minh và La Tài Vụi.

Vụ án mạng đau lòng ấy khiến người dân Khau Hán rất sợ hãi và bị ám ảnh vì cho rằng La Tài Phú đã bị “ma rừng” nhập hồn gây ra chuyện giết người. Trước đó, bố của Phú là ông La Phúc Thông đang bình thường khỏe mạnh bỗng muốn chết vì lúc nào cũng tưởng tượng cảnh bị người khác đuổi giết. Rồi một ngày, ông Thông kết liễu đời mình bằng chính cây lá ngón có trong vườn nhà.

Người anh cả của Phú là La Phúc Thiêm khỏe như trâu mộng nhưng bỗng dưng cứ chạy lên rừng để trốn với lý do “thấy có người đến bắt”. Kết cục, Thiêm dùng súng kíp tự kết liễu đời mình bằng một phát đạn vào đầu.

Còn người em của Phú là La Tài Vụi cũng thường phát cuồng và tưởng tượng cảnh “có người đến bắt” dẫn đến những hành động khó lý giải. Trong bữa cơm tối, Vụi đã dùng dao phay chém cụt bàn tay phải của vợ. Chưa hết, nhiều lần Vụi tìm vợ để giết chỉ với lý do tưởng vợ là người đến bắt mình.

Chị Đặng Thị Lả, vợ của Vụi cho hay: “Thỉnh thoảng chồng tôi hỏi: "Mày đến bắt tao vì tội gì?" Sau đó đi tìm dao chém tôi. Tổng cộng tôi bị mất bàn tay phải, mất ngón tay giữa bên trái, bị chém nhiều nhát vào đầu nhưng không chết”. Bản thân người vợ của ông La Phúc Thông cũng đã nhiều lần có biểu hiện giống những người trong gia đình và nhiều lần chạy lên rừng “trốn” với những ý nghĩ hoang tưởng của mình. Trong gia đình chỉ còn lại người em út của Phú là La Tài Vượng là sống bình thường.

Bản Khau Hán là một bản nghèo của tỉnh Tuyên Quang với 68 hộ là người dân tộc Dao. Họ đã sinh sống ở khu vực núi cao này từ hàng trăm năm nay. Bà con ở đây chủ yếu làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc và làm thuê cho các bản khác.

Khau Hán không xa lắm so với các bản làng khác nhưng do địa hình núi cao, đường đi khó khăn nên sức khỏe của họ phụ thuộc vào “ma rừng”. Cách biệt với trung tâm huyện nên khi bị bệnh, hầu hết dân bản đều mời thầy về cúng bái đuổi ma trừ tà. Trưởng bản La Văn Nhất cho hay: “Nhân dân trong bản còn giữ những quan niệm về “ma rừng” nên người ốm hay bị tâm thần đều do một tay “con ma rừng” gây ra cả. Muốn khỏi bệnh thì phải mời thầy đến đuổi “con ma” đi”.

Chị Lả với cánh tay cụt do chồng chém.
Chị Lả với cánh tay cụt do chồng chém.

Ông Nhất cũng cho biết thêm, phía gia đình nhà vợ của ông La Phúc Thông, người em vợ cũng tự tử một cách bất thường nên người dân càng tin là “con ma rừng” đã nhập hồn vào họ ngoại để hành hạ các con ông Thông cho đến bây giờ. Trước tình hình đó, chính quyền xã Bình Phú đã vận động đưa La Tài Vụi xuống thành phố chữa bệnh và phát thuốc uống. Kể từ đó, Vụi không còn những biểu hiện hoang tưởng như trước kia.

Còn anh La Tài Vượng, người con út và cũng là người duy nhất không mắc phải chứng bệnh tâm thần trong gia đình cho biết: “Khi những sự việc đau lòng xảy ra với gia đình và không lý giải được, người ta đồn rằng đó là do bị “ma rừng” nhập hồn. Cả bản, cả huyện ai cũng sợ và xa lánh gia đình, nhưng bây giờ thì khác rồi, họ dần hiểu ra nguyên nhân do bệnh thần kinh”.

Từ ngày La Tài Vụi trở lại bình thường nhờ uống thuốc, người dân ở Khau Hán cũng đã không còn nghĩ nhiều đến chuyện gia đình ấy bị ma bắt hồn nữa. Họ cũng đã hiểu ra đó là nỗi bất hạnh do bệnh tâm thần đem lại.

“Với tập tục địa phương, lại sống trên núi cao nên ít khi người dân được tiếp xúc bên ngoài. Mọi quan niệm đều do “ma rừng” làm nên tôi cũng lo lắm. Hơn nữa, ở bản Khau Hán nhiều lá ngón, hơi xích mích nhau là họ ăn lá ngón rồi đổ lỗi cho “ma rừng” xui khiến”, ông La Văn Nhất - Trưởng bản Khau Hán cho biết.

Ông Ma Văn Tôn (Chủ tịch UBND xã Bình Phú) cho biết thêm: “Chính quyền địa phương luôn vận động tuyên truyền để nhân dân hiểu và loại bỏ dần những hủ tục mê tín dị đoan. Có cái bệnh thì phải đến bác sĩ, chữa bằng thuốc chứ không cúng bái, đổ lỗi cho ma quỷ”.

Theo ANTĐ

Tin tức mới nhất