Lãnh đạo 115 trần tình xe cấp cứu không đến cứu nạn

Giám đốc trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết xe đã xuất bến nhưng 115 gọi lại kiểm tra thì biết nạn nhân đã được chuyển bằng taxi, xe quay trở về.

Chiều 25/9, ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội phân trần: “Lúc đó chúng tôi đã cử xe đi, tuy nhiên, khi trực ban gọi điện kiểm tra một lần nữa vào một số máy gọi cấp cứu thì chủ số máy này cho biết đã gọi taxi đi đưa nạn nhân đi, không cần xe cứu thương nữa. Do đó xe quay trở lại bến”.

Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.

Bà Đỗ Hồng Liên, nhân viên trực ban nhận thông tin về vụ tai nạn đường Hoàng Đạo Thúy lúc đó cho rằng: Lúc xảy ra tai nạn, có 4 số điện thoại gọi đến cho trung tâm 115. Vào lúc 21h37, trung tâm điều xe từ trạm cấp cứu khu vực Hà Đông (vì đó là trạm gần với vụ tai nạn nhất). Xe xuất bến với kíp trực của y sĩ Tùng và đã đi đến khu vực qua Cầu Trắng (Hà Đông) vào đường Nguyễn Trãi (21h47).

Tối ngày 23/9, tại đường Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội) xảy ra một vụ tai nạn thương tâm. Người đàn ông tên Trần Doãn Khánh Việt (33 tuổi, Xa La, Hà Đông) điều khiển xe máy vượt phải chiếc ô tô Inova.

Anh Việt có va chạm với một ô tô đỗ bên đường và ngã xuống phía trước chiếc Inova và bị chiếc xe chèn qua, kéo lê khoảng 50m. Anh Việt đã qua đời sau đó lúc 22h20 tại Bệnh viện Giao thông vận tải.

Người dân chứng kiến vụ việc cho biết, khi đưa anh Việt ra khỏi gầm ô tô, người dân không dám di chuyển vì sợ não nạn nhân bị tổn thương. Rất nhiều người đã gọi điện cho 115 để báo cấp cứu. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi không thấy xe cứu thương đến, mọi người đã chủ động đưa nạn nhân lên xe taxi đến bệnh viện.

Một số người làm việc tại hiện trường như bán trà đá, bảo vệ cho biết đến khuya cũng không thấy bóng dáng chiếc xe cứu thương nào đến nơi. Điều này khiến cho người dân cảm thấy rất bức xúc và cho rằng cấp cứu 115 không muốn cứu người bị nạn.

Lúc này trực ban gọi lại vào số điện thoại của người báo tin để xác minh lại thì người này cho biết đã đưa nạn nhân lên taxi, không cần xe cấp cứu nữa, do đó xe được điều quay trở lại bến.

Ông Trần Văn Nam cũng cho biết: “Mọi cuộc gọi tới chúng tôi đều ghi chi tiết vào sổ, kể cả những cuộc gọi ảo hoặc nhầm số. Việc phải gọi kiểm tra lại hiện trường vì có rất nhiều trường hợp, xe đến nơi thì nạn nhân đã được đưa đi bằng taxi hoặc phương tiện khác.

Chúng tôi đã thống kê có 30% trường hợp xe đến nơi nhưng không có bệnh nhân. Ngoài ra, việc gọi kiểm tra hiện trường cũng với mục đích cập nhật tình hình nạn nhân để báo với kíp cấp cứu”.

Nhớ nhầm

Theo như bà Đỗ Hồng Liên, cuộc gọi xác minh lại tai nạn lúc 21h47 là vào số điện thoại 0965289xxx, và chủ thuê bao là một người đàn ông giọng lớn tuổi nghe máy.

Tuy nhiên, cuối giờ chiều, trung tâm cấp cứu 115 thông báo lại với báo PV cuộc gọi xác minh này là vào số điện thoại 0983048xxx và chủ thuê bao là một giọng nữ.

Lý giải cho việc này, ông Trần Văn Nam cho rằng trong lúc chịu nhiều sức ép nên chị Đỗ Hồng Liên đã nhớ nhầm.

Trong máy của nhân chứng, cuộc gọi đi vào số 115 lúc 21h35
 (ảnh trái) và cuộc gọi đến từ trung tâm 115 lúc 21h45.

Tiếp xúc với chị Hà Thu Trang (17T8 Trung Hòa – Nhân Chính), chủ thuê bao 0983048xxx, chị xác nhận đã có cuộc gọi từ phía 115 với số máy bàn hỏi về tình trạng nạn nhân.

Chị Trang cho biết: “Mình đang đi tập thể dục thì chứng kiến vụ tai nạn. Sau khi đưa nạn nhân ra khỏi gầm xe, có nhiều người đã gọi cấp cứu trước mình, thấy sốt ruột nên mình cũng gọi điện. Chờ xe lâu quá, mọi người quyết định đưa nạn nhân đi bằng taxi. Sau đó mới có một cuộc gọi từ phía 115 cho mình, và mình bảo đã đi bằng taxi rồi. Họ cúp máy và không thấy xe cấp cứu đến hiện trường”.

Về phía Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế, cho biết đã yêu cầu Trung tâm cấp cứu 115 làm rõ sự việc và có bản tường trình lên Sở trong sáng ngày 26/9. Trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý kỷ luật đến đó.

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội có 5 điểm và 14 xe phục vụ địa bàn thành phố

Cụ thể Trạm Y tế Trạm cấp cứu khu vực Từ Liêm 3 xe (tại Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, phố Trần Bình, quận Cầu Giấy); Trạm cấp cứu khu vực Thanh Trì 2 xe (tại Bệnh viện đa khoa Thanh Trì, Thị trấn Văn Điển,Thanh Trì); Trạm cấp cứu khu vực Gia Lâm 2 xe (tại Trung tâm y tế Long Biên); Trạm cấp cứu khu vực Hà Đông 2 xe (tại Trung tâm y tế Hà Đông, 57 Tô Hiệu, Quận Hà Đông); Trạm trung tâm 5 xe (11 Phan Chu Trinh).

Tuy nhiên, tính theo quãng dường thì trạm cấp cứu khu vực Từ Liêm gần đường Hoàng Đạo Thúy- Nơi xảy ra tai nạn - so với việc điều xe từ Hà Đông lên. Điều này trái với lời nhân viên Đỗ Hồng Liên phân trần.

Theo Đất Việt

Tin tức mới nhất