Mỏ Bitcoin của Patrick Li từng tràn ngập tiếng ồn suốt ngày đêm từ những dãy máy tính hoạt động hết công suất, giải các bài toán phức tạp cần thiết để duy trì loại tiền điện tử phổ biến nhất thế giới.
Những dàn máy tính cấu hình cao và nguồn năng lượng ổn định là điều kiện tối thiểu để đào Bitcoin.
Li, 39 tuổi, thiết lập một mỏ đào ở khu Nội Mông, nơi rộng cửa chào đón các doanh nghiệp đến sử dụng lượng điện năng dồi dào tại địa phương.
Nhưng năm ngoái, chính quyền Trung Quốc cảnh cáo Nội Mông vì đã bỏ qua các mục tiêu giảm tiêu thụ điện. Do đó, vào tháng 3 vừa qua, khu vực này đã quyết định hạn chế một số ngành sử dụng nhiều năng lượng nhất định, bao gồm cả các mỏ khai thác tiền điện tử như của Li.
“Mọi thứ xảy ra đột ngột” Li nói. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm một địa điểm mới”.
Sự đảo ngược chính sách khiến cộng đồng khai thác Bitcoin của Trung Quốc tự hỏi liệu công việc của họ đã đến hồi thoái trào, khi các tỉnh thành khác có thể sẽ đi theo lời kêu gọi giảm tiêu thụ điện để bảo vệ môi trường.
Hiện tại, số phận Bitcoin ở quốc gia tỷ dân đang trong tình trạng lấp lửng. Sắp tới, các nhà hoạch định chính sách sẽ quyết định áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe đối với tiền ảo.
Kẻ du mục
Giống như nhiều loại tiền tệ dựa trên blockchain khác, Bitcoin được phân cấp, có nghĩa là không có ngân hàng hoặc quốc gia nào kiểm soát. Thay vào đó, các thợ đào sử dụng sức mạnh tính toán để xác minh các giao dịch, từ đó nhận được Bitcoin.
Vào năm 2013, Li nhận thấy đây là cơ hội kinh doanh. Anh cho rằng cuộc sống của một công chức không phải dành cho mình. Bỏ ra một tháng lương để mua một chiếc máy tính và bắt đầu khai thác Bitcoin, Li muốn theo đuổi “tự do tài chính”.
Một mỏ đào Bitcoin cạnh trạm thủy điện ở Tứ Xuyên.
Ngày ấy, Li không phải người duy nhất. Với vị thế là một trung tâm sản xuất điện tử, Trung Quốc là nơi tìm kiếm thiết bị phù hợp rất dễ dàng, các chính quyền địa phương cũng rất háo hức với những gì họ coi là ngành công nghiệp “công nghệ cao” – người người, nhà nhà đều đổ xô đi đào Bitcoin.
Trong những năm qua, Li đã chứng kiến những màn tăng giá khai sinh ra hàng loạt triệu phú, cũng như những đợt lao dốc đè bẹp mọi giấc mơ. Điều hối tiếc duy nhất của anh là không giữ Bitcoin đến thời điểm hiện tại.
Bitcoin được mã hóa để tạo ra sự cạnh tranh. Bất kỳ người khai thác nào thực hiện tính toán nhanh nhất cho một nhóm giao dịch cụ thể sẽ nhận được phần thưởng. Điều này đã khai sinh một cuộc chạy đua về thiết bị và năng lượng. Máy tính cấu hình mạnh và những hóa đơn tiền điện khổng lồ.
Vào đầu năm 2013, năm Li bắt đầu, 1 bitcoin trị giá 13,40 USD. Với tỷ giá trên 50.000 USD trong phần lớn năm 2021, hoạt động khai thác vẫn mang lại lợi nhuận cao.
Nhưng môi trường phải trả giá. Một bài báo được xuất bản vào tháng 4 trên tạp chí khoa học Nature Communications kết luận rằng ngành công nghiệp khai thác Bitcoin của Trung Quốc đang trên đà thải ra 130 triệu tấn khí carbon vào năm 2024, vượt quá tổng lượng phát thải khí nhà kính của Cộng hòa Séc.
Nơi nào có nguồn điện lớn, giá rẻ chính là nơi mang đến lợi nhuận.
“Giống như những người du mục tìm kiếm nơi có nước và cây cỏ, những người khai thác chúng tôi tìm kiếm những nơi có nguồn cung cấp điện rẻ và ổn định”, Liu Fei, Giám đốc điều hành của Bixin Mining, một trong những công ty khai thác tiền điện tử lớn nhất Trung Quốc, cho biết.
Các công ty khai thác tiền điện tử của Trung Quốc luân phiên giữa các khu vực giàu thủy điện trong mùa mưa và quay trở lại các khu vực phía bắc như Tân Cương và Nội Mông, nơi giàu nhiệt điện trong mùa khô.
Xu Peng, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Tongji, cho biết: “Thực tế là bất kỳ ai có năng lượng rẻ sẽ có nhiều khả năng khai thác Bitcoin hơn. Điều này cho thấy Bitcoin về cơ bản là một loại tiền năng lượng”.
Guan Dabo, giáo sư tại Đại học Thanh Hoa và là đồng tác giả của bài báo tính toán lượng khí thải carbon của Bitcoin, nói với Sixth Tone rằng, những mặt hạn chế của tiền điện tử lớn hơn lợi ích của chúng đối với sự thịnh vượng của đất nước.
“Ngành công nghiệp mới nổi này không có nhiều đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia trong tương lai”, ông Guan nói.
Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã hoài nghi về tiền điện tử. Ngay từ năm 2013, ngân hàng trung ương đã cấm các tổ chức tài chính sử dụng và giao dịch bằng Bitcoin và các loại tiền tệ tương tự.
Vào năm 2017, Trung Quốc đã đóng cửa các nền tảng giao dịch tiền điện tử trong nước và các loại tiền điện tử bất hợp pháp khác.
Thời của Bitcoin đã hết
Bitcoin là cuộc chạy đua về thiết bị và năng lượng.
Một nỗi lo khác đối với các thợ mỏ là giá điện ngày càng tăng, trong khi cạnh tranh ngày càng gay gắt. Giám đốc điều hành của Bixin Mining, cho biết: “Năm ngoái, điện rất rẻ. Nhưng đầu năm nay do thời tiết nóng, giá điện đã tăng lên rất nhiều”.
Vào tháng 5/2020, mùa mưa đến muộn làm giảm sản lượng điện, nhiệt độ cũng tăng cao, khiến việc sử dụng máy điều hòa trong khu vực dân cư tăng lên. Các thợ mỏ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa tạm thời.
Liu nói rằng chi phí điện gia tăng và những bất ổn về chính sách đang thúc đẩy các hoạt động khai thác ở nước ngoài, khi các nhà đầu tư đang để mắt đến Bắc Mỹ, Trung Á và Đông Âu.
Thế nhưng, tình cảnh ở những mỏ khai thác tiền điện tử khác cũng không kém phần chua chát. Lo ngại về việc sử dụng năng lượng từ các thợ đào và lượng khí thải carbon, chính quyền ở các khu vực khác nhau như Iran, bang New York và Abkhazia, trong những tháng gần đây đã đề xuất lệnh cấm đối với các mỏ mới.
Theo Người Đưa Tin