Nhắc đến ẩm thực Thái Lan, không ít người sẽ mặc định nhớ đến vị cay. Quả thật, không ít món ăn của xứ chùa Vàng lấy vị cay làm chủ đạo. Tuy nhiên, món lẩu Thái lại là sự pha trộn hương vị đầy tinh tế, có cay, có chua nhưng rất hài hòa, hợp vị.

Lẩu Thái chua cay - hương vị tinh tế của ẩm thực xứ chùa Vàng-1
Lẩu Thái đặc trưng ở hương vị chua cay. (Ảnh minh họa)

Sự tinh tế ấy xuất phát từ khâu chuẩn bị nguyên liệu và chế biến đầy tỉ mỉ của người đầu bếp.

Món lẩu Thái thơm ngon, hấp dẫn khi hội tụ đủ được những thành phần sau: nước hầm xương đậm đà; ớt tươi cay xé lưỡi; gừng, sả, lá chanh thơm nức; cà chua và nước cốt me chua nhè nhẹ; vị ngọt từ hải sản và rau củ tiết ra trong quá trình nhúng lẩu,... Tất cả đều mang hương vị đặc trưng cho đặc sản của Thái Lan.

Lẩu Thái chua cay - hương vị tinh tế của ẩm thực xứ chùa Vàng-2
Lẩu Thái có hương vị hài hòa, tinh tế. (Ảnh minh họa)

Ngày nay, lẩu Thái đã là món ăn được yêu thích trên toàn thế giới, đặc biệt là những quốc gia Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam, lẩu Thái xuất hiện mọi nơi, từ quán nhậu vỉa hè đến các nhà hàng sang trọng. Món ăn này thu hút thực khách ở nhiều lứa tuổi và phù hợp cho nhiều dịp họp mặt gia đình hay bạn bè.

Lẩu Thái chua cay - hương vị tinh tế của ẩm thực xứ chùa Vàng-3
Sự hòa quyện của các nguyên liệu giúp món ăn trở nên hấp dẫn hơn. (Ảnh minh họa)

Tùy vào khẩu vị, thực khách có thể ăn kèm với bún tươi, mì tươi hay mì gói. Topping thậm chí còn đa dạng hơn, từ hải sản, thịt bò đến các loại viên thả lẩu như cá viên, tôm viên,...

Lẩu Thái ngon hơn khi ăn cùng với các loại rau và nấm. Cũng chính sự góp mặt của những nguyên liệu này mà giúp cho nồi lẩu Thái hài hòa, đặc sắc hơn.

Lẩu Thái chua cay - hương vị tinh tế của ẩm thực xứ chùa Vàng-4
Màu sắc hấp dẫn cũng là thế mạnh của lẩu Thái. (Ảnh minh họa)

Lẩu Thái du nhập vào nhiều nước thì có thể được biến tấu cho hợp với khẩu vị của đất nước đó. Nhưng chung quy lại, món ăn này vẫn giữ được “hồn cốt” là vị chua cay đặc trưng.

Theo VTC