Hàng triệu người trên thế giới đang phải sống chung với bệnh viêm loét đại tràng - một căn bệnh viêm ruột (IBD) với các triệu chứng như đau bụng, muốn đi ngoài thường xuyên, giảm cân, cơ thể mất nước...

Cũng giống như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng có thể gây suy nhược và đôi khi có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh và có nhiều giả thiết được đặt ra. Nhiều nghiên cứu được thực hiện trước đây nhận định vi khuẩn đường ruột có thể đóng một vai trò quan trọng.

Đường tiêu hóa bị viêm khi hệ thống miễn dịch cố gắng để chống lại các vi sinh vật xâm nhập. Cũng có thể viêm nhiễm xuất phát từ một phản ứng tự miễn, trong đó cơ thể gắn kết phản ứng miễn dịch mặc dù không có mầm bệnh hiện tại.

Hiện nay, một nghiên cứu của Trường Đại học Cát Lâm, Trung Quốc được công bố trên Tạp chí Hóa học, nông nghiệp và Thực phẩm cho thấy giấm có thể ngăn chặn protein viêm trong khi tăng các vi khuẩn có lợi trong ruột của những con chuột thí nghiệm.


Nghiên cứu được thực hiện sau khi các nhà khoa học nhận thấy nhiều trường hợp bị viêm loét đại tràng đã được chữa trị khỏi nhờ các bài thuốc y học cổ truyền từ giấm.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã hòa tan giấm với thành phần chính là axit acetic vào nước uống của những con chuột bị viêm loét đại tràng. Họ nhận thấy triệu chứng của bệnh ở vật thí nghiệm đã giảm đáng kể.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy giấm giảm viêm ở ruột bằng cách khống chế phản ứng của các protein Th1 và Th17, protein hệ miễn dịch NLRP3 và protein kích hoạt tín hiệu MAPK.

Ngoài ra, khi xét nghiệm phân chuột, các nhà nghiên cứu còn phát hiện những con được chuột được cho uống nước pha giấm một tháng trước khi bị bệnh có mức độ lợi khuẩn đường ruột lactobacillus và bifidobacteria cao hơn đáng kể.

Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận các dòng vi khuẩn này có tác dụng chữa trị đối với chuột bị viêm loét đại tràng.

Họ sẽ thực hiện thêm một số nghiên cứu để tìm hiểu tác dụng chữa trị bệnh viêm loét đại tràng bằng giấm ở người và tác dụng phụ của phương pháp này.

Theo Soha/ trí thức trẻ