Một đêm nọ, nhà dựng phim Sonia Bogdanovsky đang chạy xe đạp trên một con đường ở miền Nam nước Pháp thì nhận thấy một bàn tay đàn ông bóp chặt mông mình. "Một gã ngồi trong ôtô chìa tay tóm lấy mông tôi và khiến tôi suýt ngã", nhà dựng phim kể lại.
Bogdanovsky không phải đang đi chơi, cô đang trên đường trở về từ một khu cắm trại dài ngày ở Liên hoan phim (LHP) Cannes. "Điều đó khiến tôi thực sự bẽ bàng. Tôi thấy mình bị đối xử như một miếng thịt. Họ tóm lấy tôi chỉ để đùa vui?", Bogdanovsky phẫn nộ.
Nhà dựng phim đã nộp số biển số xe của kẻ quấy rối cho cảnh sát, và hắn ta qua đêm trong tù.
LHP Cannes choáng váng vì cơn bão toàn cầu #MeToo
Đó là chuyện xảy ra vào năm 2008. Theo Vanity Fair, một thập kỷ trôi qua, Bogdanovsky cũng như mọi người phụ nữ trong ngành công nghiệp điện ảnh, thấy mình đứng ở trung tâm phong trào toàn cầu #MeToo. Phong trào này đã lan đến Pháp, nhưng Bogdanovsky thấy vô định vì cô không còn cảm giác nạn nhân nữa. Nói đúng hơn, có hàng nghìn nạn nhân như cô.
Vào tháng 1 năm nay, Bogdanovsky cùng với minh tinh người Pháp Catherine Deneuve và 98 nhân vật nữ khác trong giới điện ảnh Pháp ký tên vào một văn bản gây tranh cãi. Đó là bức thư ngỏ đăng trên tờ Le Monde với mục đích lên án phong trào #MeToo và cách nó được thực hành ở Pháp.
Người mẫu Bella Hadid trên thảm đỏ LHP Cannes năm 2016. Ảnh: Getty Images.
Trong thư, 100 phụ nữ nói trên đã tuyên bố ủng hộ... "quyền tự do quấy rối của đàn ông", xuyên thẳng vào giữa nét văn hóa... quấy rối tình dục của Pháp và phong trào #MeToo đang được giới sao Mỹ ủng hộ nhiệt liệt.
Bức thư viết: "Chúng tôi có thể tự quyết định. Chúng tôi không buộc phải là nạn nhân". Bogdanovsky lý giải quyết định ký vào bức thư khi chính cô cũng là nạn nhân của quấy rối tình dục: "Bày tỏ quan điểm này là việc rất quan trọng với tôi. Tôi không nghĩ nó sẽ trở nên phiền toái đến vậy".
Bức thư khiến Bogdanovsky, Deneuve và 98 phụ nữ khác bị dư luận ném đá dữ dội, kể cả các nhà nữ quyền Pháp. Deneuve, mỹ nhân một thời của phim Đông Dương, phải công khai xin lỗi vì đã làm tổn thương những nạn nhân của quấy rối tình dục.
Và vài tháng sau vụ bức thư, dư luận Pháp càng sục sôi với phong trào #MeToo, đạt đến đỉnh điểm khi LHP Cannes lần thứ 71 vừa khai mạc hôm 8/5. Bởi LHP Cannes, chứ không phải nơi nào khác, chính là "cái ổ" của quấy rối tình dục trong giới "tinh hoa" điện ảnh.
Asia Argento, người tố Harvey Weinstein cưỡng hiếp ở LHP Cannes 1997. Ảnh: StyleBistro.
Chính LHP Cannes là nơi ông trùm Hollywood Harvey Weinstein từng giở trò cưỡng ép với 2 trong số những nạn nhân của mình. Đó là Asia Argento, nữ diễn viên người Italy, tại khách sạn Hotel du Cap-Eden-Roc vào năm 1997 và Kadian Noble, nữ diễn viên Anh, tại khách sạn Le Majestic Hotel vào năm 2014 (Weinstein đã phủ nhận).
Trong cuộc phỏng vấn với New Yorker tháng 10/2017, Argento tố đích danh Weinstein đã ép buộc cô quan hệ tình dục bằng miệng. "Ông ta quá to lớn, ông ta khiến tôi khiếp sợ. Chuyện đó không chịu dựng lại, nó là một cơn ác mộng", nữ diễn viên kiêm nhà làm phim Italy nói với New Yorker.
Argento thừa nhận cô đã để Weinstein tiếp tục cho đến khi mọi thứ kết thúc vì cô không đủ sức chống cự.
Gạ gẫm, quấy rối xảy đến với "hầu hết phụ nữ ở Cannes"
Lâu nay, Cannes cũng dính tai tiếng là "sào huyệt" của gái mại dâm hạng sang, họ đến đây tìm những khách mua dâm giàu có. Diễn ra vào đúng kỳ nghỉ của nước Pháp, hàng loạt du thuyền xa xỉ của các đại gia cập bến bờ biển Cannes. Tại, họ tổ chức những bữa tiệc thượng lưu xa hoa với sự góp mặt của các người đẹp bốc lửa.
Những năm trước, điều đó vẫn thoải mái diễn ra trên một nước Pháp tự do về tình dục nhất thế giới. Nhưng năm nay, mọi thứ đã thay đổi sau vụ bê bối Weinstein.
"Cả thế giới đã thay đổi", Thierry Frémaux, giám đốc sáng tạo của LHP Cannes, nói trong cuộc họp báo hôm 7/5, "Chúng tôi choáng váng sâu sắc vì vụ Weinstein. Chúng tôi thực sự lên án hành vi của ông ta. Nhưng chúng tôi cũng hoài nghi chính mình và hành vi của mình".
Showbiz Pháp và riêng LHP Cannes bị lên án là chậm chạp trong việc hưởng ứng phong trào #MeToo. Ảnh: Getty Images.
Khi Harvey Weinstein là minh chứng sống cho sự trả giá, nhiều những "Harvey Weinstein chưa bị lộ" trong ngành công nghiệp điện ảnh vẫn đang "chung tay" tạo nên một môi trường độc hại cho nữ giới.
Nữ nhà báo Sandra Muller kể lại rằng: "Có một chuyện xảy ra hầu như với mọi phụ nữ khi đến Cannes. Đó là có những người đàn ông tiếp cận họ, đưa ra lời gạ gẫm: Em là mẫu phụ nữ tôi mê. Em có bộ ngực lớn và tôi muốn đưa em lên đỉnh cả đêm". Một nhà báo cũng gặp phải lời gạ khiếm nhã như vậy, nói gì đến các nữ diễn viên xinh đẹp nhất thế giới.
Muller cho biết người đàn ông gạ gẫm cô chẳng sợ sệt vì "cô ta chẳng dám viết về nó đâu, chẳng dám đưa lên báo đâu". Nhưng Muller đã viết lên Twitter, kèm theo hashtag kêu gọi các phụ nữ khác chia sẻ chuyện bị quấy rối. Và hàng nghìn phụ nữ Pháp khác đã cùng lên tiếng.
Kẻ gạ gẫm Muller chính là Eric Brion, nhân viên cấp cao ở một hãng truyền hình Pháp. Sau khi bị tố đích danh, Brion đã liên tục thóa mạ Muller và dọa kiện.
Cannes chậm chạp hưởng ứng #MeToo: Người Pháp bảo thủ chứ không cởi mở
Nhắc lại lịch sử quấy rối tình dục ở LHP Cannes, vẻ lấp lánh của một "thiên đường phim nghệ thuật" dường như mất hết hào quang. Để khắc phục tình hình, LHP Cannes năm nay đã công bố đường dây nóng để báo cáo về hành vi quấy rối tình dục. Thêm vào đó, ngay trong khuôn khổ LHP, sẽ có sự kiện tuyên truyền chống quấy rối với sự tham gia của đại diện chính quyền.
Đó là sự kiện do tổ chức bình đẳng giới của Pháp mang tên 5050x2020 thực hiện, với sự có mặt của ông Frémaux, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Françoise Nyssen, đại diện từ tổ chức Time's Up của Vương quốc Anh, Mỹ, tổ chức Dissenso Comune của Italy, tổ chức CIMA của Tây Ban Nha và tổ chức Women’s Wave của Hy Lạp.
Khi sự kiện diễn ra vào thứ Bảy 12/5, 100 diễn viên, đạo diễn nữ sẽ đi trên thảm đỏ LHP Cannes để thể hiện sự ủng hộ của họ với phong trào.
Năm nay, LHP Cannes thiết lập đường dây nóng báo cáo quấy rối tình dục, động thái muộn màng nhưng cần thiết. Ảnh: Vanity Fair.
Nữ đạo diễn Pháp Eva Husson, một trong ba đạo diễn nữ hiếm hoi có phim tranh giải Cannes năm nay (phim Girls of the Sun), tỏ ra ghen tị khi các phong trào #MeToo và Time's Up lớn mạnh ở Hollywood và nước Mỹ.
"Xã hội Pháp tự coi mình là cực kỳ cởi mở. Nhưng thực ra, nó là một xã hội cực kỳ bảo thủ", Husson mạnh miệng. "Người Pháp phải rất khó khăn mới chịu nhìn lại mình và thừa nhận đó là vấn nạn. Tôi hy vọng LHP Cannes năm nay sẽ bắt đầu các cuộc hội thoại cần thiết. Giờ G đã điểm rồi".
Theo Husson, chính vì văn hóa tình dục quá cởi mở, người Pháp thấy đáng sợ khi phải phán xét quấy rối tình dục. Họ sợ "những gương mặt người bị lột trần". "Trong khi người Mỹ đón nhận vấn đề và giải quyết nó một cách lành mạnh thì thật không may, người Pháp lại lãnh đạm với nó", nữ đạo diễn nói với Vanity Fair.
Theo Zing