Ngày 12/4, đại diện Ban Tổ chức Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF) có buổi gặp gỡ báo chí, tổng kết sơ bộ về chương trình.
Sau 7 ngày diễn ra, HIFF đạt được những dấu ấn nhất định, song vẫn gây tranh cãi về khâu tổ chức bị cho kém chuyên nghiệp.
Ông Phạm Minh Toàn - Giám đốc điều hành HIFF 2024 (Ảnh: Bích Phương).
Nhiều khán giả phàn nàn lịch chiếu phim, giao lưu với đoàn phim thay đổi liên tục, nhiều tác phẩm có tên trong danh sách tham dự nhưng không được trình chiếu. Ở cuộc thi sáng tác kịch bản, một số thí sinh nhận kết quả vào vòng trong sát với ngày tổ chức, không kịp chuẩn bị cho việc di chuyển đến TPHCM.
Một số ý kiến còn cho rằng khâu tiếp đón của Ban Tổ chức dành cho khách mời chưa chu đáo. Ở ngày khai mạc, có những trường hợp khách mời không được vào trong Nhà hát TPHCM (nơi diễn ra lễ khai mạc) vì thiếu chỗ ngồi, dẫn đến tình trạng lộn xộn.
Khán giả có mặt tại Công viên bờ sông Sài Gòn để thưởng thức buổi chiếu phim ngoài trời (Ảnh: Mộc Khải).
Ông Phạm Minh Toàn, Giám đốc điều hành HIFF, cho biết lắng Ban Tổ chức nghe mọi góp ý từ khán giả và truyền thông.
Ông thừa nhận có những thiếu sót trong quá trình diễn ra vì đây là lần đầu tiên một LHP lớn được tổ chức. Ê-kíp chương trình cũng đảm nhận khối lượng công việc lớn nên khó tránh khỏi những tình huống sai sót.
Ông Toàn cho biết quá trình thỏa thuận với một số nhà phát hành phim không đi đến thống nhất, dẫn đến việc một số tác phẩm không được trình chiếu tại LHP lần này. Bên cạnh đó, ê-kíp tổ chức gặp lúng túng trong việc phối hợp, dẫn đến phát sinh vấn đề về kỹ thuật trong việc chiếu phim.
Ngoài ra, LHP đón hơn 200 khách mời quốc tế, lịch trình của mỗi người đều bận rộn và có những phát sinh khác nhau. Do đó, Ban Tổ chức phải thay đổi một số lịch trình để phù hợp với các khách mời.
"LHP có khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút nên công tác tổ chức có một số thiếu sót nhất định. Chúng tôi xác định HIFF sẽ tổ chức thường niên, nên ghi nhận mọi góp ý từ khán giả để những kỳ sau hoàn thiện hơn", ông Toàn nói.
Bạn trẻ hào hứng thưởng thức các hoạt động ca hát, giao lưu tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ thuộc khuôn khổ HIFF (Ảnh: Ban Tổ chức).
Nhìn lại các con số về HIFF, phía Ban Tổ chức cho biết LHP trình chiếu gần 100 bộ phim, trong đó phần lớn là tác phẩm công chiếu lần đầu ở Việt Nam. LHP có nhiều hoạt động chiếu phim tại rạp, chiếu phim ngoài trời, các buổi giao lưu dành cho nhà làm phim, cuộc thi kịch bản, phê bình điện ảnh...
Đặc biệt, 2 tác phẩm điện ảnh Việt Nam nổi tiếng là Mùa len trâu và Cánh đồng hoang được số hóa và trình chiếu, làm phong phú thêm chương trình, giúp khán giả trẻ Việt Nam có cơ hội được tiếp cận các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt.
Ban Tổ chức cho biết có 44 phim tham gia tranh giải. Giải thưởng cao nhất của HIFF là giải Ngôi sao vàng dành cho hạng mục "Phim Đông Nam Á xuất sắc" với giá trị phần thưởng là 10.000 USD (250 triệu đồng).
Sau gần 1 tuần diễn ra, các suất chiếu phim trực tiếp của HIFF thu hút sự quan tâm của khoảng 20.000 khán giả. Tổng số khán giả tham gia các hoạt động của HIFF lên đến hơn 250.000 người.
Theo ông Phạm Minh Toàn, kinh phí tổ chức HIFF trong 8 ngày ước tính khoảng 80 tỷ đồng. Trong đó, phía TPHCM hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng, số tiền còn lại từ các nguồn lực xã hội hóa.
Ban Tổ chức nhấn mạnh chi phí tổ chức này không bao gồm các phần hỗ trợ phi tài chính.
"Phía TPHCM, các sở, ban, ngành... hỗ trợ rất nhiều cho LHP như ngăn đường, điều tiết giao thông, chuẩn bị xe cứu thương và rất nhiều khâu trong công tác chuẩn bị. Để tổ chức LHP, bắt buộc phải có sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ phía Nhà nước mới làm được", đại diện Ban Tổ chức chia sẻ.
Lễ bế mạc HIFF diễn ra vào 19h ngày 13/4.
Theo Dân Trí