Cảnh khỏa thân trong phim luôn là đề tài hút khách và gây tranh cãi từ thuở đầu của điện ảnh. Đằng sau những cảnh khỏa thân trên màn ảnh là lịch sử kéo dài với nhiều điều bất ngờ. Vấn đề được nghiên cứu và trình bày chi tiết trong bộ phim tài liệu Skin: A History of Nudity in the Movies.
Tác phẩm đi vào phân tích chi tiết lịch sử các cảnh khỏa thân trong phim, tập trung vào nhiều dự án do các hãng lớn sản xuất. Cảnh khỏa thân trên phim xuất hiện từ lúc nào hay đã bị cấm ra sao trước khi được chấp nhận trở lại, tất cả đều được đề cập trong phim.
Skin: A History of Nudity in the Movies tổng hợp lại lịch sử cảnh khỏa thân trên màn ảnh. Ảnh: Outnow.Bộ phim tài liệu có hơn 100 cảnh khỏa thân
Với mục đích mang đến cho khán giả cái nhìn chân thực nhất, nhà sản xuất Skin: A History of Nudity in the Movies đã kỳ công thu thập rất nhiều cảnh nóng trên phim. Thực tế, bộ phim hoàn toàn có thể xác lập kỷ lục là tác phẩm có nhiều cảnh khỏa thân nhất.
Trả lời trang CinemaBlend, đạo diễn Danny Wolf của Skin: A History of Nudity in the Movies cho biết: “Phim có khoảng 100 cảnh khỏa thân, hay nhiều hơn nhỉ? Có ít nhất 100 cảnh. Trên thực tế, chúng tôi đã bỏ đi khoảng 40.000 cảnh trong quá trình thực hiện”.
Nhà sản xuất Jim McBride, người nổi tiếng trong vai trò nhà sáng lập website thu thập cảnh khỏa thân trên phim, trả lời: “Chúng tôi phân loại các cảnh khỏa thân theo giới tính nam và nữ. Đây là lịch sử cảnh khỏa thân trên phim, của cả nam giới và nữ giới”.
Lịch sử phân loại phim và cảnh nóng
Bộ phim tài liệu có sự xuất hiện của nhiều diễn viên đã thành danh nhờ cảnh khỏa thân trên phim. Skin: A History of Nudity in the Movies đồng thời đặt ra câu hỏi cho khán giả về tiêu chuẩn kép xung quanh cảnh nóng.
Tại sao phụ nữ cởi hết đồ trên phim còn đàn ông thì không? Cả Shannon Elizabeth (American Pie) và Mariel Hemingway (Star 80) đều tiết lộ việc chấp nhận khỏa thân đã giúp sự nghiệp của họ thăng tiến.
Shannon Elizabeth trong American Pie. Ảnh: Outnow.
Hays Code (hay Motion Picture Production Code), được soạn thảo bởi Will H. Hays, đã ban hành hướng dẫn những điều được và không được chấp nhận trên màn ảnh dành cho các nhà sản xuất và hãng phim.
Từ năm 1934 tới 1968, Hays Code được áp dụng và theo dõi một cách nghiêm túc, chủ yếu bởi Joseph Breen. Breen là người được Hays bổ nhiệm vào chức vụ người kiểm duyệt nội dung tất cả bộ phim ra mắt tại Hollywood.
Hays Code được áp dụng lần đầu tiên năm 1934 với bộ phim Tarzan and His Mate. Nhà sản xuất đã sử dụng một diễn viên đóng thế cho nữ diễn viên Maureen O’Sullivan trong một vài cảnh khỏa thân ngắn. Tuy nhiên, toàn bộ cảnh nóng đều bị cắt bỏ ở bản dựng cuối cùng.
Bộ văn bản tiếp tục được áp dụng cho tới trước năm 1968. Cuối thập niên 1960, quy định bị gỡ bỏ và thay thế bằng hệ thống phân loại phim của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA). Cách phân loại phim của MPAA (chia thành các nhãn G, PG, PG-13, R, X và NC-17) vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.
Những tác phẩm gây tranh cãi
Skin: A History of Nudity in the Movies cũng đề cập tới phong trào #MeToo và ảnh hưởng của nó tới cách các nữ diễn viên ngày nay quan niệm về cảnh khỏa thân trên màn ảnh.
Bộ phim tài liệu dẫn lại ý kiến của nhiều diễn viên từng quyết định trút bỏ xiêm y hơn một lần. Danh sách gồm Eric Roberts, Shannon Elizabeth, Mariel Hemmingway, Sean Young, Malcolm McDowell, bên cạnh một vài tên tuổi lớn như Helen Mirren, Peter O’Toole và Sir John Gielgud - những người từng góp mặt trong bộ phim Caligula (1979).
Một cảnh trong bộ phim Caligula. Ảnh: Penthouse Films International.
Caligula là tác phẩm chính dòng nổi danh vì nhiều cảnh nhạy cảm. Bob Guccione, nhà sáng lập tạp chí Penthouse, là một trong các đạo diễn của tác phẩm. Ông khao khát được quay một bộ phim “người lớn” có sự góp mặt của những diễn viên nổi tiếng.
Guccione đã đưa các ngôi sao phim khiêu dâm tới phim trường để ghi hình cảnh giường chiếu mà không thông báo với dàn sao. Sau đó, ông cắt dựng những cảnh nóng này vào phần còn lại của bộ phim và tạo nên một tác phẩm đi vào lịch sử điện ảnh.
Caligula là một trong những bộ phim được Skin: A History of Nudity in the Movies đưa ra để mổ xẻ, bàn luận và giúp khán giả hiểu rõ hơn về khía cạnh luôn gây nhiều tranh cãi của bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Theo Zing