Chinanews đưa tin từ cuối tháng 3, Trường Ca Hành - dự án tập hợp đội hình diễn viên trẻ có danh tiếng như Địch Lệ Nhiệt Ba, Ngô Lỗi, Triệu Lộ Tư, Lưu Vũ Ninh chính thức ra mắt khán giả. Song thành tích bộ phim không mấy khả quan.
Đi kèm với những con số khiêm tốn là lời chỉ trích về các tình tiết "bóp méo" lịch sử mà nguyên tác bộ phim mắc phải.
Dự án cổ trang mới của Địch Lệ Nhiệt Ba có thành tích không mấy khả quan. Ảnh: Sina.
Ifeng cho hay nhiều năm trở lại đây, phim cổ trang Trung Quốc thường xuyên gây tranh cãi khi tồn tại điểm lớn mâu thuẫn với sự thật lịch sử. Hệ lụy này đến từ sự can thiệp vượt quá giới hạn "cải biên" cho phép của nhiều nhà làm phim
Hiền thần hóa gian thần vì phim ảnh
Ngày 30/4, cây viết Trần Thánh Nhã của Toutiao đăng tải bài viết chỉ ra những sai lệch về lịch sử mà Trường Ca Hành mắc phải.
Trong phim, nữ chính Lý Trường Ca có cha là thái tử nhà Đường Lý Kiến Thành, mẹ là công chúa người Duy Ngô Nhĩ. Thế nhưng trong lịch sử, người phụ nữ duy nhất gắn bó với thái tử Lý Kiến Thành là Trịnh Quan Âm - con gái của thống đốc Tân Châu thời nhà Tùy Trịnh Kế Bá.
Mối quan hệ giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Duy Ngô Nhĩ cũng được xây dựng theo hướng người Duy Ngô Nhĩ từng là chư hầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Song sử sách ghi lại giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Thổ Nhĩ Kỳ từng nổ ra chiến tranh.
Các nhân vật lịch sử có thật trong Trường Ca hành bị "bóp méo". Ảnh: QQ.
Nhiều nhân vật lịch sử có thật bị "bóp méo". Ví dụ, Đường Thái Tông được chính sử tôn vinh là một trong những bậc hoàng đế vĩ đại nhất Trung Quốc. Nhưng Đường Thái Tông, cũng như triều đình nhà Đường trong Trường Ca Hành lại trở thành những kẻ vô mưu.
Chưởng ấn Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối là hai công thần có nhiều đóng góp cho cuộc chiến tranh hợp nhất đất nước và khai sinh nhà Đường. Tuy nhiên, Trường Ca Hành lại biến họ thành những kẻ nhỏ nhen, vô pháp vô thiên.
Phòng Huyền Linh tài đức vẹn toàn trong sử sách sẵn sàng phóng hỏa một tửu lâu giúp Lý Trường Ca chạy trốn, trong khi Đỗ Như Hối ngang nhiên xông vào tẩm cung của hoàng thượng vây bắt Lý Trường Ca.
Lên sóng cùng thời điểm, Đại Tống Cung Từ do Lưu Đào và Châu Du Dân diễn chính cũng khiến khán giả bất bình vì nhiều tình tiết sai kiến thức lịch sử.
Trận động đất kinh hoàng vùi lấp vua Tống Thái Tông vốn không có thật. Theo sử sách ghi lại, hoàng hậu Lưu Nga không có con, song trong Đại Tống cung từ Lưu Nga sinh được một cậu con trai tên Cát Nhi. Cách xưng hô của các nhân vật tùy tiện, không chính xác, phù hợp với ở triều Tống.
Thực tế, trước Trường Ca Hành và Đại Tống Cung Từ, nhiều dự án cổ trang của Trung Quốc từng trở thành tâm điểm bàn tán vì xây dựng nội dung xuyên tạc lịch sử. Thậm chí, một số cái tên còn bị chỉ trích xúc phạm các anh hùng, công thần sử sách.
Phong trung kỳ duyên từng bị khán giả Trung Quốc tẩy chay vì sai lệch lịch sử. Ảnh: Sina.
Lên sóng năm 2014, Phong Trung Kỳ Duyên chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết mang tên Đại Mạc Dao của tác giả Đồng Hoa. Nguyên tác lấy bối cảnh thời Tây Hán, với nhân vật chính là Hoắc Khứ Bệnh.
Theo lịch sử, Hoắc Khứ Bệnh là vị anh hùng có nhiều đóng góp trong cuộc chiến chống Hung Nô của thời nhà Hán. Năm 17 tuổi, Hoắc Khứ Bệnh dẫn 800 binh lính tiến sâu vào lãnh thổ Hung Nô, tiêu diệt hàng nghìn quân địch. Năm 19 tuổi, Hoắc Khứ Bệnh được phong làm Phiêu kỵ tướng quân, chỉ huy binh lính đánh bại Hung Nô lần hai.
Thế nhưng Phong Trung Kỳ duyên dựa theo Đại Mạc Dao lại mô tả Hoắc Khứ Bệnh là một kẻ vì lập công mà giết người không ngơi tay, dưới góc nhìn của bách tính Hung Nô. Hai lần đại thắng toàn quân vang danh sử sách Trung Quốc trở thành cuộc chiến người Hán xâm lược lãnh thổ Hung Nô.
Cốt truyện này khiến người dùng mạng xã hội Trung Quốc yêu lịch sử khó chấp nhận. Thời điểm Phong Trung Kỳ Duyên lên sóng, phim vấp phải làn sóng tẩy chay dữ dội.
Đến 2018, Hoắc Khứ Bệnh lần nữa trở nên "méo mó" trong dự án cùng tên do Trương Nhược Quân diễn chính. Lúc này, Hoắc Khứ Bệnh được xây dựng thành một người lính vô danh nơi biên cương, không thân không thích.
Sử sách ghi lại công thần họ Hoắc có xuất thân danh giá. Ông là cháu trai của Vệ Tử Phu - hoàng hậu thứ hai của Hán Vũ Đế Lưu Triệt và Vệ Thanh - đại tư mã đại tướng quân thời nhà Hán.
Bàng Thái sư là công thần trở thành gian thần trong bộ phim Bao Thanh Thiên. Ảnh: On.
Ngay cả những tác phẩm kinh điển như Bao Thanh Thiên cũng xuyên tạc, gây ra hiểu lầm lớn đối với khán giả.
Trong đó, Bàng Thái sư là nhân vật oan uổng nhất. Sử sách ghi lại, Bàng Thái sư tên thật là Bàng Tịch, công thần lớn thời Bắc Tống. Ông có công trong cuộc chiến chống Tây Hạ, đề bạt Địch Thanh, là vị quan thanh liêm. Tuy nhiên, vì phim Bao Thanh Thiên, ông lại trở thành gian thần bậc nhất Trung Quốc.
Xuyên suốt chiều dài bộ phim nổi tiếng, nhân vật được xây dựng là người có mâu thuẫn 4 đời với Dương gia tướng. Đối với Bao Chửng, ông và vị quan thanh liêm đối đầu từ tuổi trẻ đến khi về già. Ông còn coi Bát Hiền Vương và Thừa tướng Lý Tứ là cái gai trong mắt. Sự tương phản này khiến nhiều khán giả không hài lòng.
"Thực tế cho thấy trong những năm qua, 'sự thật' là điều xa xỉ trong phim cổ trang nội địa. Nhiều thế hệ hiền thần trở thành gian thần trong chớp mắt vì phim ảnh. Nếu tiếp tục sáng tạo bất chấp sự thật, có ngày nào đó đại gian thần Tần Cối cũng có thể trở thành công thần", một độc giả trên Toutiao gay gắt.
Cần tôn trọng lịch sử
"Mượn bối cảnh, mượn nhân vật lịch sử, điều tối thiểu là phải tìm hiểu lịch sử. Vấn đề của phim cổ trang hiện nay là thực trạng làm ẩu, quay vội, thiếu cẩn thận dẫn đến phản cảm", nhà phê bình Lý Tinh Văn nhận định với China Daily.
Theo Lý Tinh Văn, sự phát triển của dòng phim mì ăn liền khiến giới làm phim chạy theo xu hướng "xào nấu" câu chuyện một cách quá đà mà bỏ quên sự thật lịch sử.
"Sáng tạo là điều cần thiết, nhưng cần biết đâu là điểm dừng. Đừng biến sáng tạo trở thành gian dối bằng cách đưa câu chuyện, nhân vật trong sử sách đi theo hướng sai lệch", ông nói thêm.
Nhiều nhà làm phim cổ trang cải biên bất chấp sự thật lịch sử dẫn đến phản cảm. Ảnh: Sina.
Đồng ý với quan điểm của nhà phê bình họ Lý, cây viết Hàn Hàn cho rằng nhà làm phim có thể dựa trên lịch sử hay dã sử để xây dựng tình tiết hợp lý cho câu chuyện. Thế nhưng với tư cách là một người làm nghệ thuật, cần biết tôn trọng các sự kiện, nhân vật ghi danh sách sử.
Theo China Daily, phim cổ trang nói chung từ lâu đã trở thành "đặc sản" của truyền hình Hoa ngữ. Các tác phẩm này dễ gây sự chú ý với công chúng và xét về mức độ thành công cũng như sức ảnh hưởng, phim cổ trang có dấu ấn mạnh mẽ hơn so với phim hiện đại.
"Sự phóng tác của các biên kịch tiếp tay truyền bá những giá trị lệch lạc, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ. Phim càng nổi tiếng, người xem càng hiểu sai lệch về lịch sử. Vẫn biết lên phim, đòi hỏi kịch bản trùng khớp sự thật là bất khả kháng. Thế nhưng cũng không thể bỏ quên hoàn toàn sự thật như cách nhiều người trong giới đang làm", trang báo viết.
Trở lại hồi đầu năm 2019, giới điện ảnh xứ tỷ dân được phen lao đao vì lệnh cấm dòng phim cung đấu của Cục Điện ảnh Trung Quốc. Sina cho hay xuyên tạc lịch sử là một trong những lý do quan trọng khiến Cục mạnh tay.
Hai tác phẩm nổi tiếng thuộc dòng phim cung đấu là Diên Hi Công Lược và Hậu Cung Như Ý Truyện khi đó lần lượt ngừng phát sóng, đồng thời bị gỡ bỏ trên các nền tảng xem trực tuyến.
Dòng phim cung đấu Trung Quốc bị cấm vì xuyên tạc lịch sử.
"Sự biến mất của nhiều tác phẩm cung đấu cho chúng ta bài học quý báu. Mọi tác phẩm nghệ thuật đều cần tôn trọng lịch sử và mang lại giá trị tích cực trong cuộc sống. Đừng đánh giá thấp hậu quả của việc bóp méo sự thật. Nếu không cẩn thận, chính những nhà làm phim sẽ tự tay khép lại cánh cửa vốn rộng mở của dòng phim cổ trang", bà Manya Koetse - người đứng đầu của What's on Weibo nói.
Theo Zing