Hơn một năm trở lại đây, Trần Ninh Ngọc (28 tuổi - quê Yên Bái) liên tục có những suy nghĩ tiêu cực, muốn chấm dứt cuộc sống dù vài lần tìm đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn, trị liệu. Suy nghĩ tiêu cực của cô chỉ thuyên giảm vài tháng lại tái diễn.

Ngọc là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội học đại học. Tốt nghiệp loại giỏi ở một trường top, nhưng cô mất 3 năm thử việc tại nhiều nơi mới xin được vào công ty lập trình phần mềm với mức lương gần 20 triệu đồng. Mọi thứ tốt lên và cô gái trẻ lạc quan nghĩ "thời của mình đã đến".

Một năm sau khi được nhận vào làm chính, Ngọc kết hôn cùng chồng là đồng nghiệp làm cùng cơ quan và sinh con ngay sau đó.

Liên tục cãi nhau với chồng, nhiều phụ nữ trẻ nghĩ đến cái chết để giải thoát-1
Áp lực công việc và gia đình cô gái luôn nghĩ đến cái chết để giải thoát. (Ảnh minh hoạ)

Cuộc sống bắt đầu đảo lộn khi Ngọc có em bé. Con thường xuyên đau ốm, khiến nữ lập trình viên phải thay đổi công việc về gần nhà để có thể chăm sóc gia đình. Đồng lương của cô vì thế mà bị giảm đi gần nửa.

“Công việc bận rộn thì lương cao, còn chọn công việc nhẹ nhàng đồng nghĩa đồng lương chẳng còn bao nhiêu”, cô gái trẻ tâm sự. Sáng 7h30, cô vào làm, chiều 5h tan, thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Công việc không đúng chuyên ngành làm Ngọc mệt mỏi, nhiều lần bị sếp trách mắng vì không đạt KPI.

Ngọc liên tục thức khuya đọc tài liệu để theo kịp đồng nghiệp, cộng với việc con quấy đêm, nhiều hôm cô gần như thức trắng. Áp lực công việc cùng việc chăm con nhỏ khiến Ngọc rơi vào trạng thái tâm lý chán nản, cáu gắt.

Thay đổi công việc khiến kinh tế không còn được dư dả như trước, vợ chồng Ngọc thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Lương không đủ chi tiêu trong nhà, mỗi lần mua thêm gì cô gái lại phải xin tiền chồng, thậm chí là tiền bỉm sữa cho con cũng được tính toán từng đồng, cô đã áp lực nay càng thêm mệt mỏi.

Tần suất cãi nhau với chồng ngày một nhiều khiến cô gái gốc Yên Bái luôn sống trong căng thẳng, thậm chí đôi khi cô không muốn về nhà vì sợ tiếng khóc của con, tiếng trách mắng của chồng. Đến công ty thì lại sợ sếp la rầy không bán được hàng hoá. 

“Tôi chỉ muốn kết thúc cuộc sống của mình để không phải suy nghĩ đến việc chăm con thế nào, công việc thế nào cho tốt, mà lại phụ được chồng kinh tế”, Ngọc thở dài.

Giống như Ngọc, Đặng Thanh Tâm, 26 tuổi ở Cầu Giấy đang điều trị trầm cảm tại một phòng khám tâm lý trên địa bàn Hà Nội, sau thời gian dài có suy nghĩ tự làm hại bản thân.

Cô gái trẻ chia sẻ, cô vừa chấm dứt cuộc hôn nhân hơn 2 năm của mình vì thường xuyên xảy ra cãi vã với chồng về vấn đề con cái.

Trước đó, cô đi làm công ty và không sống cùng bố mẹ chồng. Một năm trước bố chồng cô bị ung thư qua đời, Tâm chuyển về nhà sống cùng mẹ chồng để tiện chăm sóc. Tuy nhiên những cuộc cãi vã cũng thường xuyên xảy ra hơn.

Mâu thuẫn mà cô gái 26 tuổi này phải chịu không đến từ mẹ chồng, mà từ người chồng đầu ấp tay gối. Chồng Tâm ngoài 30 và luôn muốn có con, trong khi cô mới xin được công việc ổn định với mức lương hơn 10 triệu/tháng, đang trong quá trình thăng tiến.

Cô dự tính lùi việc có con lại 1, 2 năm nữa để vợ chồng ổn định kinh tế, sẽ lo cho con tốt hơn.

Nhiều lần bàn bạc không đi được đến thống nhất, Tâm và chồng chiến tranh lạnh, không ai nói với nhau câu nào. Cô luôn sống trong tâm trạng chán nản, thậm chí tự làm đau mình để giải toả tâm lý khi không được chồng thấu hiểu. Cô gái 26 tuổi tìm gặp bác sĩ khi 4 tháng trước.

Liên tục cãi nhau với chồng, nhiều phụ nữ trẻ nghĩ đến cái chết để giải thoát-2
Bà Hoàng Thị Thu Nhiên trò chuyên với bệnh nhân. (Ảnh NVCC)

Bà Hoàng Thị Thu Nhiên - chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds cho biết, trường hợp của Ngọc và Tâm bị trầm cảm do thời gian dài chịu đựng áp lực công việc, chăm lo con cái, cùng với việc không được gia đình thấu hiểu.

"Nếu không được trị liệu kịp thời bệnh nhân không tự thoát ra được, sẽ mãi mãi sống trong dằn vặt, làm hại chính bản thân để giải toả tâm lý", bà Nhiên cho hay.

Theo nữ chuyên gia, những câu chuyện như của Ngọc, Tâm không phải là hiếm gặp trong cuộc sống. Thậm chí nhiều người kết thúc cuộc đời của mình vì không tìm ra giải pháp.

Trầm cảm là căn bệnh tâm thần phổ biến, nếu phát hiện sớm thì khả năng phục hồi rất tốt, ngược lại nếu phát hiện muộn có thể biến chứng ra bệnh lý tâm thần khác. Chúng ta khó có thể xác định rõ nguyên nhân dẫn tới trầm cảm, vì nó có thể từ di truyền, từ mất cân bằng hormone trong não, do dinh dưỡng, do mùa.

Khi tình trạng trầm cảm kéo dài, những hứng thú trong cuộc sống sẽ mất hẳn, rất nhiều người muốn giải phóng bằng cách kết thúc cuộc sống. Hiện nay tình trạng trầm cảm ở nữ thường cao hơn nam giới, bà Nhiên cho biết trong 10 người đến điều trị trầm cảm có đến 7 người là nữ.

Nguyên nhân có thể do phụ nữ ít có các phương án cân bằng hơn nam giới, và do đặc tính liên quan tới bệnh trầm cảm hay phát triển ở nữ hơn.

Với một người bình thường nếu tình trạng cáu gắt, buồn chán, thờ ơ diễn ra liên tục trên 2 tuần thì người đó nên đi khám bác sỹ tâm thần để được chỉ dẫn và chẩn đoán bệnh.

Vị chuyên gia tâm lý chia sẻ, để giúp bệnh nhân trầm cảm trở lại cuộc sống bình thường, từ bỏ những suy nghĩ tự làm hại bản thân, mỗi người thân trong gia đình cần lắng nghe, để họ được nói ra cảm giác của mình, giãi bày những lo âu hoặc suy nghĩ tiêu cực đang bủa vây.

Người thân có thể giúp họ tháo gỡ bằng cách tham gia các hoạt động thể chất như thể dục, các hình thức giải trí, tương tác, trò chuyện, và cùng đồng hành với họ để họ có lối sống lành mạnh, đa dạng.

Trong trường hợp trầm cảm nặng có thể nhờ đến các bác sĩ, chuyên gia tâm lý can thiệp bằng biện pháp thôi miên hổi tưởng để vượt qua chướng ngại tâm lý. Hoặc người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc điều trị vấn đề về thần kinh.

Theo VTC