Chùa Cầu bắc ngang con lạch nhỏ trong phố cổ Hội An, được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng từ 400 năm trước. Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia này đã trở thành biểu tượng và điểm đến nổi tiếng nhất phố cổ. Trong ảnh là hiện trạng Chùa Cầu trước khi tu bổ.
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của Chùa Cầu, tháng 12/2022, Hội An đã đóng cửa di tích này để "đại trùng tu", với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Sau 2 năm tu bổ, Chùa Cầu đã hoàn thành các hạng mục chính.
Dự án đang khẩn trương hoàn thiện các công trình phụ trợ.
Do chưa chính thức khánh thành, hiện du khách chưa thể tham quan bên trong Chùa Cầu.
Bên trong Chùa Cầu cơ bản đã hoàn thiện việc trùng tu. Các hạng mục như nền, móng, trụ, mố... đều được gia cố.
Diện mạo Chùa Cầu đã lộ diện sau gần 2 năm được che chắn để "đại phẫu". Theo UBND TP Hội An, công trình sẽ khánh thành vào ngày 2/8, nhân sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20.
Cận cảnh phần mái Chùa Cầu sau trùng tu.
Mái công trình lợp ngói âm dương, với những chi tiết trang trí tinh xảo trên bờ nóc, bờ chảy. Đặc biệt, có những đồ gốm men lam được khảm trên mái.
Cổng vào Chùa Cầu bên phía đường Trần Phú.
Văn bia và miếu thờ bên trong được quét sơn lại.
Giữa cầu là lối vào Chùa, bên trên lối vào gian thờ có tấm biển đề 3 chữ “Lai Viễn Kiều”. Dưới tấm biển có hai mắt cửa, một chi tiết kiến trúc đậm nét của Hội An.
Gọi là chùa nhưng ở đây không thờ Phật, mà thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ - vị thần chuyên trị phong ba, lũ lụt, bảo hộ xứ sở, đem lại niềm vui và hạnh phúc.
Các hoa văn, họa tiết trên vì kèo, hoành mái của Chùa Cầu vẫn được giữ nguyên vẹn.
Nhiều du khách đến Hội An tranh thủ đứng bên ngoài để chụp ảnh với công trình có kiến trúc tiêu biểu được cả thế giới biết đến này.
Khi Chùa Cầu hoàn thành trùng tu, đón khách trở lại, du khách đến Hội An sẽ thuận tiện tham quan, có thêm nhiều trải nghiệm và góp phần phát triển du lịch của địa phương.
Theo VietNamNet