Thường năng lực của một đạo diễn hay kiêm biên kịch được chứng nhận sau phim thứ hai. Riêng Trấn Thành giữa hai phim điện ảnh vẫn chăm chỉ phủ sóng liên miên trong đủ các chương trình truyền hình, kể cả chẳng liên quan gì tới chuyên môn.

Các đạo diễn "đơn thuần" giữa các phim có khi lặn hàng vài năm để thai nghén, tìm chất liệu… Dù sao Trấn Thành vẫn là tài năng nổi trội không chỉ trong lĩnh vực hài kịch một số năm trở lại đây.

Ngang như cua

Nhà Bà Nữ tiếp tục chứng tỏ sự đa tài và sức làm việc của Trấn Thành để ra kịp một sản phẩm trung bình khá vào dịp Tết. So với Bố Già, phim là một bước lùi.

Dù xét riêng về diễn xuất, Trấn Thành trong phim này ổn hơn, nếu không nói còn làm lu mờ vài nhân vật khác. Ít ra ở phim này, Thành không còn độ chênh về lứa tuổi với vai diễn.

Lỗ hổng và bạo lực lời thoại trong bộ phim của Trấn Thành-1
Cách bà Nữ đánh thức con gái ngủ nướng.

Bố Già chưa phải là một tác phẩm hoàn hảo nhưng so với Nhà Bà Nữ, vẫn hơn hẳn về kịch bản, diễn xuất và nhất là sự sáng rõ trong thông điệp.

Bố Già chỉ ra được khoảng cách thế hệ thường thấy trong gia đình Việt. Nhà Bà Nữ quá thiên về bạo lực lời nói trong gia đình gây cảm giác nặng nề, mệt mỏi mà chẳng đọng lại gì.

Phim tự tạo ra thách thức khi nhân vật trung tâm tính cách không rõ nét, gần như là phản diện với lối biểu cảm một màu, căng cứng.

Bà Nữ và gia đình có thể xếp vào thành phần ít học - căn cứ vào hành vi hành hung, nhục mạ “nhà trai” mà không cần biết hành động này ảnh hưởng tới tâm lý và tương lai con cháu mình ra sao.

Nhà bà Nữ bán bánh canh cua bể nguyên con giá tới 300 nghìn/bát nhưng không có cửa hàng mà ngang nhiên chiếm dụng lòng lề đường.

Chắc là bánh canh cũng ngon, đông khách nhưng đúng nghĩa là bánh canh chửi. Tuy nhiên ẩm thực không phải chủ đề chính. Chẳng qua đạo diễn mượn hình ảnh con cua để nói lên sự ngang ngược của nhân vật.

Nhân viên chính của quán là con rể của bà Nữ tức Phú Nhuận (Trấn Thành) - chồng của cô cả Ngọc Như. Như có thu nhập ổn định nhờ nghề bán kem trộn online.

Cô út Ngọc Nhi (Uyển Ân) đang là sinh viên nhưng vẫn phải phụ bán bưng như thường. Bà ngoại Ngọc Ngà (NSND Ngọc Giàu) chỉ ngồi không, hút thuốc, đánh bài.

Trông ngoại đủ biết là dạng cá tính nhưng câu chuyện đời không được tính đến. Chỉ biết hồi trẻ bà từng “đi bụi” như cháu gái bây giờ.

Mối liên hệ “nghiệp quả” bắt đầu từ đời Ngọc Nữ. Tính cách nanh nọc của bà đầu độc các mối quan hệ trong nhà. Nếu muốn chung sống với bà chỉ có cách tuân lời vô điều kiện.

Lỗ hổng và bạo lực lời thoại trong bộ phim của Trấn Thành-2
Với Nhà Bà Nữ, Trấn Thành vẫn tiếp tục đưa kịch lên màn ảnh rộng.

Vai “chạn vương” một cổ hai tròng của Trấn Thành có vai trò quan trọng. Sự có mặt của Nhuận trong nhà khẳng định sự thành công của chế độ “mẫu hệ” do bà Nữ “sáng lập” và Như kế thừa.

Ngọc Nhi có vẻ như là thành phần khác biệt, có học thức và tâm hồn hơn cả. Đồng nghĩa với việc cô phải cam chịu nhiều nhất. Nhi cũng là người dẫn chuyện. Chính vì thế Nhi cũng có đặc quyền bào chữa cho mình.

Tuy nhiên lỗ hổng của kịch bản nằm ở chỗ đoạn “gay cấn” làm nên bước ngoặt cho phim lại bị lờ đi.

Giống như nó quá khó với Nhi để kể ra, đồng nghĩa với cô cũng tự tước cơ hội phân bua cho bản thân về chuyện có thai ngoài hôn nhân. Về sau, Nhi chỉ bảo đó là cô cố tình làm thế để có thể thoát khỏi cái ách của gia đình.

Thực sự lý do này không thuyết phục hoặc nó chỉ cho thấy Nhi quá kém cỏi phải mượn cái thai trong bụng để vùng lên. May gặp trúng John - cậu ấm con nhà gia thế ở Mỹ về - cũng mạnh dạn trái lời cha mẹ để đến với bạn gái khi cần.

Chuyện tưởng êm xuôi nhưng Nhi vẫn còn phải đấu tranh để vượt qua cái bóng của bà mẹ vẫn ẩn nấp trong mình. Bạo lực gia đình có tính “di truyền” là vậy.

Gia đình giang hồ?

Nhân vật Nhi không hẳn phù hợp với vai trò dẫn chuyện, bởi cô vẫn đắm chìm trong câu chuyện, không rút ra được bài học gì từ đó.

Tính tình của cô ngày càng trở nên tệ, cùng lúc vô lý hơn. Nhi trở nên "nửa điên nửa tỉnh" trong những màn đối đầu không cần thiết với John. Dường như biên kịch cố tình chia cắt họ.

Tuy nhiên Nhi không phải trầm cảm, cô vẫn đủ tỉnh táo để đổ thừa cho cái thai làm mình “lên cơn”. Tức là chẳng quan tâm gì đến con mà sau khi lợi dụng nó làm động lực để thoát khỏi mẹ, cô tiếp tục đổ lỗi cho nó về những bất ổn trong đời mình.

Và cú ngoặt tiếp theo vẫn cứ liên quan mật thiết đến cái thai. Tóm lại phi có bầu bất thành phim.

Vậy nhưng thái độ của tất thảy các nhân vật đối với một sinh linh đang trong bụng mẹ lại hết sức hờ hững. Đây là điểm thiếu tinh tế trầm trọng của phim.

Lỗ hổng và bạo lực lời thoại trong bộ phim của Trấn Thành-3

Mới đầu năm đã phải mất cả tiếng đồng hồ để xem một bà sồn sồn nanh nọc mắc bệnh đụng đâu chửi đấy kể cũng mệt. Bà cứ văng tục tràn cung mây như một kiểu bệnh lý.

Còn các thành viên khác trong nhà thay vì làm cho Ngọc Nữ hiểu ra sự vô lối của mình, lại chỉ tìm cách qua mặt bà bằng những chiêu trò tủn mủn.

Họ có vẻ chẳng thương xót gì mà chỉ tìm cách lợi dụng bà và gánh hàng của bà mà thôi...

Xuyên suốt bộ phim không thực sự có một nhân vật nào đủ sức nặng để trở thành trục bám cho kịch bản. Có lẽ chính vì thế mà phim chỉ là những câu chuyện, những màn diễn rời rạc, không cho thấy chiều sâu hay chuyển biến tâm lý đằng sau.

Không chỉ Nhi mà các nhân vật suốt trong một thời gian dài không có biến chuyển gì về tâm lý, hành động, gây nhàm chán cho khán giả.

Bạo lực luôn đến từ phía bà Nữ. Tất cả đều không có một động thái đáng kể để đáp trả cho đến tận cuối phim.

Mà thực ra bà Nữ chỉ giỏi “ăn vạ”, cũng không có thế lực gì để cho tất cả cứ phải nem nép một cách kỳ cục như vậy. Tất nhiên với tính cách mà phim xây dựng cho, nhân vật này không đi làm "giang hồ" hơi phí.

Bà Nữ cứ ra vẻ dạy bảo con, muốn tốt cho gia đình... nhưng rút cuộc chỉ nghĩ đến bản thân. Bà không mảy may lo lắng con cháu mình giờ đang ở đâu, ra sao mà chỉ quan tâm “con đã làm gì sai” trong câu hỏi dành cho bà Ngà.

Đến lượt bà ngoại cũng ráo hoảnh như thể muốn đem con cháu mình ra làm vật thí nghiệm. Ngoại nói kiểu, tao cứ kệ cho mày tự rút ra bài học đấy...

Nhân vật Nhi được coi là điểm sáng trong nhà cũng chẳng phải tay vừa. Có vẻ như phim muốn xây dựng một nhân vật thuộc thế hệ Gen Z với sự vô tư phóng khoáng đặc thù.

Nhưng có vẻ đạo diễn hơi quá tay khiến cho nhân vật của Uyển Ân (em ruột của đạo diễn Trấn Thành) trở thành hơi đơ, nhất là trong những biểu hiện khi mới gặp gỡ John.

Tất nhiên không cần phải thẹn thùng nhưng nó vẫn thiếu những cảm xúc rung động để cho thấy tình cảm cô dành cho bạn trai mới quen là thật.

Hoặc phim muốn xây dựng Nhi có chút khác thường trong hành xử do ảnh hưởng lâu ngày từ mẹ?! Quan niệm về tình dục, hôn nhân như kiểu của Nhi cũng quá đột phá đi.

Tuy nhiên đoạn này hoàn toàn bị bỏ qua khiến khán giả không được mở mang tầm mắt(!) Tất nhiên có thể đạo diễn không muốn phim bị gắn mác 18 + ảnh hưởng đến độ phủ sóng.

Lỗ hổng và bạo lực lời thoại trong bộ phim của Trấn Thành-4
Nhà bà Nữ đề cập một dạng "nữ quyền" độc hại.

Nhưng nếu xem Bố Già, khán giả cảm nhận được những giá trị không thể thay thế của gia đình thì với Nhà Bà Nữ, chỉ thấy căng thẳng vì phải chứng kiến những màn diễn cương liên miên, thiếu logic.

Có vẻ như phim có tham vọng khắc họa một kiểu người sống thực dụng, vô văn hóa thật nhưng nếu chỉ bằng những mảng miếng kiểu sitcom thì chưa đủ.

Theo Tiền Phong