Nhà chồng tôi cách thành phố hơn 40km. Bố mẹ chồng năm nay cũng ngoài 60 tuổi và đang sống với vợ chồng anh trai trưởng. Chồng tôi là con út, trên có anh trưởng và ba chị gái. Chúng tôi mới cưới vào giữa năm 2013. Từ đó đến nay, tôi mới về quê chồng ăn Tết được 1 lần nhưng bối rối và sợ hãi quá.
Năm ngoái vì là dâu mới nên tôi rất ý thức việc mua đồ Tết và quà biếu cho bố mẹ chồng cùng anh chị và các cháu. Nhưng về quê mới thấy chẳng khác gì cái động không đáy. Vợ chồng tôi mang tiếng dân công sở sống ở thành phố nhưng thu nhập cũng chỉ đủ chi tiêu. Hai vợ chồng chưa có con cái gì nên tôi vẫn còn mua sắm được quần áo đẹp mặc để khỏi mất mặt với làng xóm. Nhưng, về quê chồng, tôi cứ như Việt kiều về nước vậy, họ hàng anh kéo đến chơi khiến tôi tiếp cũng đủ mệt.
Lại thêm khoản quà bánh biếu tặng không biết bao mà kể. Số quà mà tôi mua từ thành phố mang về chỉ mỗi buổi chiều 29 Tết đã phân phát hết. Tôi phải vội vã phóng xe đi lên thị trấn mua thêm nhiều đồ nữa vì các dì các mợ bên ngoại nhà chồng còn hẹn nhau mùng 2 Tết mới đến.
Tổng chi phí trong Tết năm ngoái của vợ chồng tôi là 26 triệu, một cái Tết khá tốn kém
so với thu nhập của hai đứa (Ảnh minh họa)
Nhưng điều khiến tôi lo sợ nhất là vụ lì xì cho các cháu của chồng. Trước khi về quê, chồng tôi bảo nhà anh đông các cháu lắm, vợ chồng anh cả 2 cháu, ba chị gái có 7 cháu, còn các cháu bên họ hàng nội ngoại (anh em với bố mẹ chồng) cũng phải tới gần 20 cháu. Vì thế, tính toán xong tôi quyết định lì xì các cháu ruột của chồng mỗi cháu 500 ngàn. Còn các cháu họ thì 100 - 200 ngàn. Tính sơ qua cũng mất gần 4 triệu tiền lì xì cho các cháu cộng với khoản mừng thọ ông này bà nọ khoảng 3 triệu nữa là 7 triệu tiền lì xì đầu năm.
Khi tôi vừa phát phong bao cho các cháu, chúng mở ngay ra trước mắt và giơ lên đưa cho mẹ chúng coi. Lúc đó, chị dâu tôi cười vui vẻ nói vài câu xã giao. Tôi cũng tưởng như vậy là ổn. Không ngờ, buổi trưa khi tôi vừa ngủ dậy vào nhà vệ sinh rửa mặt thì nghe thấy tiếng chị dâu đang nói chuyện cùng con trai thứ hai của chị. Chị ấy nói “Của con cũng chỉ có 500 ngàn thôi à? Giàu mà kiệt thật, lì xì cho cháu ruột mà cũng chỉ có 500 ngàn. Uổng cho mẹ mấy hôm nay phải lăn xả vào bếp phục vụ mệt người”.
Nghe chị dâu nói vậy, khiến tôi rất ái ngại. Tôi đã tặng các cháu quần áo mới trước Tết mấy hôm rồi, còn lì xì chỉ mang hình thức thôi. Nhưng không ngờ chị dâu lại coi trọng phong bao lì xì ngày Tết đến vậy.
Tiếp đến là việc các bà các cô các bác nội ngoại tới chơi. Tôi cũng phải mừng tuổi mỗi người 500 ngàn (quà biếu trước đó đã tặng hết một loạt vào 28 Tết). Có thể vì chưa có kinh nghiệm nên tôi cũng không biết thân sơ như thế nào, chỉ biết ai cũng bằng nhau. Vì thế, đến cuối buổi chiều hôm đó, mẹ chồng tôi chẹp miệng bảo tôi những người kia họ hàng xa lơ xa lắc, cần gì phải mừng tuổi nhiều. Còn bác G và bà N là chỗ chị em với mẹ thì tôi lại mừng tuổi ít quá.
Tổng chi phí Tết năm ngoái của vợ chồng tôi là 26 triệu - một cái Tết khá tốn kém so với thu nhập của hai chúng tôi. Vậy nhưng niềm vui mà tôi có cũng chẳng được bao nhiêu, chỉ toàn nỗi buồn.
Tôi cũng không biết, năm nay nên mừng tuổi các cháu bao nhiêu cho chị dâu vừa lòng
rồi còn cả các bà, các cô nữa (Ảnh minh họa)
Năm nay tôi cũng đang rất sợ khoản tiền lì xì này. Thưởng Tết của tôi chưa thấy đâu, chồng tôi thì báo năm nay chắc không được thưởng Tết vì doanh thu của công ty anh bị giảm. Nếu là như thế thì lấy đâu ra gần 30 triệu mà về quê chồng và nhất là lấy đâu ra gần 10 triệu để lì xì như năm trước đây?
Nhất là mấy hôm nay, mẹ chồng đã gọi điện hỏi han con dâu bao giờ được nghỉ Tết, bao giờ thì về, đã mua sắm gì chưa? Bà còn gợi ý xa gần bác nọ thích cái gì, bác kia đang thiếu cái gì, rồi các cháu lớn như thế nào, đang cần gì… Việc này khiến tôi bỗng dưng thấy sợ Tết, sợ nhà chồng.
Tôi cũng không biết, năm nay nên mừng tuổi các cháu bao nhiêu? Rồi còn cả các bà, các cô nữa. Sao không ai bên nhà chồng hiểu được tôi ở thành phố nhưng cũng phải tiết kiệm, giật gấu vá vai chứ.
Có chị em nào chung cảnh ngộ với tôi thì cho tôi lời khuyên xem nên làm như thế nào?
Theo Mask