Cải cầu vồng đứng thứ 3 danh sách rau giàu dinh dưỡng
Cải cầu vồng thuộc họ với rau bó xôi, củ dền. Đây là một trong những loại rau có nhiều dưỡng chất. CDC Mỹ đã công bố, cải cầu vồng xếp thứ 3 trong 41 loại rau và củ giàu dinh dưỡng nhất với hơn 86/100 điểm.
Rau cải cầu vồng hiện được trồng nhiều ở nước ta. Loại rau này không chỉ đẹp mà còn giàu dưỡng chất, cung cấp hơn hơn 700% nhu cầu hằng ngày của bạn về vitamin K và hơn 200% về vitamin A chỉ trong 1 cup (175gr); nguồn canxi cao giúp duy trì cấu trúc xương chắc khỏe...
Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng cải cầu vồng có chứa ít nhất 13 chất chống oxy hóa khác nhau. Đặc biệt là flavonoid phytonutrients có những lợi ích đặc biệt để kiểm soát lượng đường trong máu.
Cùng với các loại rau lá xanh khác, cải cầu vồng được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên sử dụng trong bữa ăn hàng ngày, ít nhất thì cũng nên định kỳ 1 – 2 lần/tuần bổ sung vào thực đơn. Cải cầu vồng có hàm lượng nitrat cao được khuyến cáo là giảm huyết áp, giảm lượng oxy cần thiết trong tập luyện và nâng cao thành tích thể thao…
Món ngon với cải cầu vồng
Cải cầu vồng ngày nay càng được nhiều người ưa chuộng. Món rau này có thể làm nguyên liệu chế biến rất nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng. Một số món ngon với cải cầu vồng mọi người có thể chế biến thay vì nấu canh hoặc luộc, xào với tỏi … dưới đây:
* Salad cải cầu vồng
Nguyên liệu: 200gr cải cầu vồng, nên chọn lá non; 1 quả táo; cà chua bi; 50gr hạt diêm mạch, nước cốt chanh, mật ong, dầu ôliu…
Cách làm: Cải cầu vồng rửa sạch từng lá, sau đó để ráo nước rồi cắt thành từng khúc ngắn khoảng 5cm. Cà chua rửa, ngâm nước muối loãng rồi cắt làm đôi. Táo cắt thành từng lát mỏng và hạt diêm mạch đem luộc chín.
Bước 2: Sau khi mọi người đã sơ chế được các nguyên liệu, đem trộn hỗn hợp cải cầu vồng, hạt diêm mạch, cà chua bi với mật ong, dầu ô liu, nước cốt chanh… Mọi người trộn đều lên rồi cho ra đĩa, xếp tấo lên trên là thưởng thức được.
Salad cải cầu vồng dễ làm mà lại hợp với những người thích ăn rau hoặc ăn kiêng.
* Cải cầu vồng xào thịt bò
Nguyên liệu: 150gr hoặc nhiều hơn theo nhu cầu cải cầu vồng; 100gr thịt bò than, hành tím, tỏi, gia vị hạt nêm, nước mắm, mì chính, hạt tiêu…
Cách làm:
Cải cầu vồng rửa sạch từng lá rồi vớt ra để ráo, cắt khúc nhỏ vừa ăn. Thịt bò rửa với nước muối rồi thái mỏng. Sơ chế thịt bò với nước muối, tiếp đến cắt thái mỏng rồi ướp gia vị, bảo quản ở ngăn mát khoảng 10 phút.
Tỏi bóc rồi băm nhỏ. Sau đó cho dầu vào chảo, phi thơm lên rồi cho thịt bò vào xào sơ trước. Khi thấy thịt hơi săn lại, bạn cho riêng ra. Tiếp đến cho cải cầu vồng vào xào, nêm gia vị vừa miệng, khi thấy rau vừa chín rới thì cho thịt bò vào đảo khoảng 3 phút nữa là được. Rau bỏ ra đĩa, mọi người có thể rắc thêm chút hạt tiêu nếu thích ăn cay.
* Cải cầu vồng cuộn thịt
Nguyên liệu: Rau cải cầu vồng; thịt xay hoặc giò sống, hành lá, gia vị…
Cách làm:
Bước 1: Cải cầu vồng cắt lá để riêng, vọng cắt khúc 2 – 3cm; giò hoặc thị xay ướp với 1 thìa bột nêm, hành lá thái nhuyện rồi trộn đều cho ngấm. Phần lá của hành nhúng nước sôi cho lá mềm để sau dùng buộc bên ngoài. Phần lá cải cầu vồng mọi người chần qua nước sôi để cho tái lá cho dễ cuốn.
Bước 2: Trải lá cải cầu vồng ra, cho thịt vào rồi cuộn như vẫn làm cuốn nem. Sau đó, dùng lá hành cuộn lại. Tiếp đó, khi đã cuốn hết, mọi người mang đi hấp khoảng 20 phút cho thịt chín rồi vớt ra đĩa.
Phần cải cầu vồng và nguyên liệu mà còn dư, mọi người có thể biến tấu làm canh cải cầu vồng. Đơn giản bằng cách đun nồi nước khác, sau đó thả những cọng cải cầu vồng cắt ngắn lúc đầu và phần thịt hay giò rồi nêm nếm gia vị vừa ăn là được một nồi canh ngon.
Cách chọn và bảo quản cải cầu vồng
Chị Nguyễn Thị Hòa – chuyên bán cải cầu vồng chia sẻ, cải cầu vồng ăn ngon ngọt dịu mà không chan chát như cải bó xôi, phần cọng ăn giòn ngọt mà không có vị đắng nhẹ như atisô.
Để chọn được cải cầu vồng ngon, mọi người nên chọn rau có lá còn tươi xanh, không bị úa vàng hay héo úa. Thân cây không bị tì vết, trông sắc nét. Để bảo quản cải cầu vồng tươi ngon, mọi người không nên rửa trước khi lưu trữ vì dễ bị hỏng. Sau đó, cho cải cầu vồng vào túi nhựa, quấn chặt, ép hết không khí ra.
Để rau cải cầu vồng giữ nguyên được dưỡng chất, khi nấu nên rửa cải cầu vồng dưới vòi nước lạnh, nhặt bỏ hết phần rau hỏng, không nên ngâm rau. Nên đun sôi để giải phóng acid hoặc trần qua nước sôi sẽ tạo ra vị ngọt. Đổ bỏ nước sôi sau khi nấu, không uống hoặc giữ lại vì hàm lượng acid của nó. Trong quá trình nấu, không đậy nồi vì giúp giải phóng nhiều acid hơn.
Theo Sức Khỏe Đời Sống