Học sinh hoang mang khi lướt TikTok
Với chiến dịch #TikTokhuongnghiep, mạng xã hội TikTok muốn tạo cơ hội để các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và chuyên gia cùng thảo luận, chia sẻ về nội dung hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Theo thông tin tại website của TikTok, nền tảng mạng xã hội này mong muốn cung cấp nguồn thông tin đa dạng, đáng tin cậy nhằm hỗ trợ các bạn trẻ trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mục đích ban đầu này có chiều hướng xấu đi khi hàng nghìn video ra đời, trong đó có một bộ phận xây dựng video mang nội dung hạ thấp giá trị bằng đại học, hướng nghiệp kiểu “những ngành học vô dụng nhất”.
Yêu thích tiếng Anh và dự định theo đuổi ngành Ngôn ngữ Anh khi vào đại học, Thái Thị Thanh Hương, học sinh lớp 12 tại Tp.HCM dành nhiều thời gian để tìm hiểu về ngành học này. Trong một lần tìm kiếm từ khoá “ngành Ngôn ngữ Anh” trên TikTok, học sinh này vô tình được đề xuất video “Ba ngành đại học vô dụng”.
“Em cảm thấy rất hoang mang khi ngành mình dự định theo học lại là một trong 3 ngành xuất hiện trong video này”, Thanh Hương nói.
Thanh Hương cho biết, TikToker này dẫn chứng rằng, thời nay tiếng Anh đã phổ biến và ai cũng có thể tiếp cận tiếng Anh. Vậy nên, chủ nhân của video này khuyên các học sinh không nên phí 4 năm đại học để học tiếng Anh mà nên chọn chuyên ngành khác và học thêm IELTS.
Mạng xã hội TikTok đang có nhiều nội dung hướng nghiệp không chính xác, khiến học sinh hoang mang.
Học sinh Nguyễn Nam Ninh tại tỉnh Đồng Nai cũng cảm thấy băn khoăn khi nghe những thông tin về ngành Quản trị kinh doanh trên TikTok.
Người đưa ra lời tư vấn là một bạn trẻ cho biết, đây là ngành có nguy cơ thất nghiệp cao, nội dung đào tạo không chuyên sâu nên Nam Ninh cảm thấy hoang mang bởi đây là ngành em vô cùng yêu thích. Nếu đổi ngành, em không biết phải chuyển hướng sang ngành nghề nào.
“Ngoài video về những ngành có nguy cơ thất nghiệp cao, những TikToker này còn làm những nội dung về những ngành siêu hot trong tương lai, những ngành có cơ hội việc làm cao, những ngành có nguy cơ biến mất... Tất cả các video này đều nằm trong một danh sách phát có tên Ngành nghề - Hướng nghiệp”, Nam Ninh nói.
Câu hỏi trình độ năng lực hướng nghiệp
Trao đổi với Người Đưa Tin, các chuyên gia đều nhận định người làm ra những nội dung đó đều không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản nhất của hướng nghiệp. Trong đó, một số thông tin đưa ra không kiểm chứng, gây hiểu lầm cho học sinh khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Về thực trạng này, TS. Trần Đình Lý, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM đánh giá: “Một số TikToker có điểm mạnh là biết nắm bắt xu hướng giới trẻ, tuy nhiên, thông tin họ có được lại lấy từ Internet hoặc biết mỗi thứ một chút. Trong khi đó, thời lượng video TikTok thường ngắn, rất khó để đánh giá được chuyên môn, kiến thức của những nhà sáng tạo nội dung này”.
Theo TS.Trần Đình Lý, hướng nghiệp không phải là định hướng cho học sinh vào ngành này hay ngành kia, thay vào đó, hướng nghiệp giúp học sinh hiểu mình, hiểu ngành nghề và tự quyết định hướng đi trong tương lai.
Tuy nhiên, một số video hướng nghiệp trên TikTok lại không được đầu tư bài bản, trình bày theo ý kiến cá nhân của chủ video mà không có các khảo sát, minh chứng rõ ràng, cung cấp kiến thức sai lệch về nghề nghiệp, khiến thí sinh, phụ huynh và xã hội hiểu nhầm về các ngành đào tạo.
Người thực hiện công tác hướng nghiệp phải có kiến thức tổng quát chung về hướng nghiệp như sự phát triển của kinh tế, xã hội, nhu cầu nhân lực trong tương lai cũng như kiến thức phổ quát về các ngành, nghề mà các trường đang đào tạo hiện nay, đồng thời nắm bắt được tâm lý của đối tượng cần tư vấn.
"Một số TikToker chỉ tư vấn chung chung, không am hiểu sâu sắc về ngành nghề, thậm chí có định kiến cá nhân về một số ngành nghề nào đó mà mình không thích. Điều này vô tình làm học sinh có cái nhìn sai lầm về các ngành nghề hiện nay”, ông Lý nói.
Đồng quan điểm, Th.S Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, những video về tư vấn ngành nghề trên TikTok thường là video ngắn, dưới 1 phút. Nội dung của các video này không sâu và không truyền tải được hết các thông tin về công tác đào tạo các ngành.
“Có thể lấy ví dụ về việc một số TikToker nói rằng ngành Ngôn ngữ Anh là không cần thiết với lý do hoàn toàn có thể đi học tiếng Anh tại các trung tâm bên ngoài. Thế nhưng, chương trình đào tạo tại đại học không chỉ đào tạo kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho sinh viên mà còn đào tạo thêm về văn hoá, lịch sử, phong tục tập quán của một số đất nước sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Bên cạnh đó, các sinh viên còn được học về biên dịch, phiên dịch, ngôn ngữ và truyền thông, tiếng Anh giao tiếp trong kinh doanh...”, ông Dũng nhận định.
Cần biết chọn lọc thông tin
Trong khi đó, TS. Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Gia Định khuyên các học sinh nên tập trung thu nhận thông tin về tư vấn ngành nghề từ các kênh chính thống.
Cụ thể, học sinh có thể tìm hiểu thông tin trên website, Facebook các trường đại học hoặc đọc thông tin trên các tờ báo uy tín. Ngoài ra, các em có thể nghe tư vấn hướng nghiệp từ các chương trình do nhà trường tổ chức hoặc tại các trung tâm hướng nghiệp.
“Mọi người có quyền chia sẻ thông tin về ngành nghề trên các trang mạng xã hội. Thế nhưng, vẫn có những thông tin chưa được kiểm chứng và có độ sai lệnh. Vậy nên, học sinh và phụ huynh cần thật tỉnh táo để không bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệnh”, ông Toàn chia sẻ.
Đồng thời, TS. Mai Đức Toàn cũng khẳng định, không có ngành học nào “vô dụng” như phát ngôn của một số TikToker. Bởi, các ngành đều được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo và được các trường đại học, cao đẳng đào tạo bài bản. Để chọn đúng ngành học, chuyên gia này khuyên học sinh nên dựa vào các yếu tố như sở trường, sở thích và nhu cầu việc làm của ngành này trong những năm tới.
Các học sinh cần biết cách tham khảo thông tin hướng nghiệp từ nguồn chính xác, uy tín.
Th.S Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp.HCM cũng cho rằng, học sinh nên được hướng nghiệp càng sớm càng tốt, tốt nhất là từ độ tuổi THCS. Việc chọn ngành sớm có thể giúp gia đình và các em chuẩn bị năng lực học tập từ sớm.
"Bản thân học sinh và phụ huynh cũng cần phải có bàn bạc về nghề nghiệp sớm, tốt nhất là bậc THCS. Đến bậc THPT, đặc biệt là lớp 12 mới bắt đầu đi tìm hiểu thì lúc đó nó quá trễ rồi. Nếu đã trễ như vậy, việc tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp trong những năm THPT phải làm rất kỹ", ông Nam chỉ ra.
Công tác tuyển sinh cần có sự phối hợp giữa học sinh, phụ huynh, trường THPT và trường đại học. Học sinh nên rèn cho mình thói quen tìm hiểu thông tin tốt.
Bất cứ ngành học nào cũng có thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Việt giới thiệu về nó. Các em nên kỹ lưỡng trong việc tìm thông tin, nhất là tài liệu trực tuyến để tìm hiểu về ngành, thuận lợi, khó khăn khi theo ngành, các yếu tố cần có…
Ông Nam cho rằng, TikTok chỉ nên là kênh tìm hiểu vui về trường, ngành học hoặc để giải đáp ngắn những thắc mắc của học sinh, từ đó xúc tác các em tìm hiểu về trường và ngành thông qua các kênh thông tin khác. Đây không phải là nền tảng tốt để hướng nghiệp.
Đối với những học sinh có cùng mối quan tâm về một ngành nhất định, Th.S Trần Nam cũng khuyến khích các em lập nhóm liên hệ trực tiếp với các trường để được hỗ trợ tìm hiểu trực tiếp.
Ngoài ra, các trường THPT, THCS nên kết hợp với hội phụ huynh tạo mối quan hệ với các trường đại học, cao đẳng để tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp sớm cho các em học sinh. Những trường đại học được chọn nên có thế mạnh trong từng khối ngành để giúp các em có thông tin sâu về những ngành muốn tìm hiểu.
Theo Người đưa tin