Chưa hẳn làm phim đầu tư lớn đã đem lại hiệu quả như ý. Đây là lập luận hoàn toàn chính xác với Asura (A Tu La). Phim được đầu tư tới 112 triệu USD kinh phí sản xuất nhưng bị chỉ trích chẳng khác gì phim hoạt hình Nhật Bản kết hợp cùng loạt series cũ của Mỹ. Nhân vật A Tu La vương với ba đầu sáu tay được giới thiệu đầu tư tới một năm về kỹ xảo. Đoàn phim còn tiết lộ đắt giá nhất là chi tiết ánh sáng ở đỉnh mũ. Tuy nhiên, khi lên phim, khán giả cho rằng đây hình ảnh A Tu La vương chẳng khác phim hoạt hình. Phần ánh sáng đơn giản, đầu và thân người không gắn kết. Vì thế, hiệu ứng về hình tượng ba đầu của A Tu La trở nên kệch cỡm và nặng nề.
Hình tượng nhân vật bí ngô trong phim bị nhiều cư dân mạng chỉ trích thiếu sáng tạo, đơn giản. Nhiều nhà phê bình phim còn đặt câu hỏi: "Liệu ê-kíp có thổi phồng kinh phí sản xuất lên 112 triệu USD?".
Cảnh bay lượn của đàn côn trùng có cánh vượt đại dương.Tuy nhiên, kỹ xảo bị cho là không thành công khi mặt nước biển chẳng khác gì tranh ghép thiếu chân thực.
Thất bại của A Tu La đến từ việc chồng chéo các tình tiết và kỹ xảo vào cùng một tác phẩm. Khán giả sẽ thấy khó chịu khi theo dõi một bộ phim được đánh giá là bom tấn nhưng lại giống game online và hoạt hình. Phim thất bại sau ba ngày ra rạp khi kịch bản thiếu logic, hình ảnh kỹ xảo không mang lại hiệu quả như mong muốn.
A Tu La không phải phim duy nhất được kỳ vọng và gây thất bại vì sự đầu tư không hợp lý trong năm 2018 của Trung Quốc. Phim truyền hình Phù Dao hoàng hậu được phát sóng từ ngày 18/6 và nhanh chóng nhận được sự quan tâm theo dõi từ khán giả. Phim mới của Dương Mịch cùng Nguyễn Kinh Thiên được kỳ vọng lập kỷ lục với hơn 30 tỷ lượt người xem trực tuyến. Tuy nhiên, khán giả thừa nhận họ phải bỏ qua nhiều điểm tức mắt để thưởng thức phim. Nhân vật hoàng hậu Phù Dao do Dương Mịch đóng bị phát hiện đội vương miện nhựa và ngọc trai đính trên vương miện cũng làm bằng nhựa. Mũ miện này bị cư dân mạng Weibo định giá không quá 10 NDT (tương đương 36.000 đồng).
Nhân vật hoàng hậu còn bị đầu tư ít nên không ngạc nhiên khi vô số đạo cụ khác đều được tối giản về kinh phí. Tình tiết nhân vật quốc công dùng kiếm ngắn trong phim cũng bị phát hiện được làm từ nhựa nên nhìn không sắc bén.
Những đạo cụ như vàng trong phim bị cho là không chân thực. Ê-kíp sản xuất nhận nhiều gạch đá từ cộng đồng mạng. Tại Trung Quốc, những phim cổ trang đầu tư lớn thường không dùng nhựa. Thay vào đó, họ nạm bạc, mạ vàng, may thủ công những phục trang hay phụ kiện hoàng cung. Chân Hoàn truyện, Hậu cung Như Ý truyện hay Võ Mỵ Nương truyền kỳ là những ví dụ cụ thể.
Trang phục của tướng quân trong phim Phù Dao hoàng hậu bị nghi làm từ xốp cứng.
Một cảnh trong phim núi tuyết dựng từ nylon bị phát hiện. Nxtv đặt câu hỏi: “Có phải hay không đoàn phim tiết kiệm chi phí quá mức nên dẫn đến những cảnh hài hước như thế”.
Vườn sao băng là phim truyền hình gây thất vọng với khán giả trong dịp hè 2018. Bộ phim về đề tài con nhà giàu nhưng lại mang đến bối cảnh như phim về giới bình dân. Theo biên kịch Phương Huệ, do yêu cầu khó từ phía tổng cục phát thanh truyền hình Trung Quốc nên những cảnh phim phô trương, khoe của hay bạo lực bị lược bớt. Đây là điều ê-kíp không hề mong muốn và hy vọng khán giả thông cảm. Còn với người xem, khán giả lắc đầu trước cảnh nữ chính mặc trang phục quê mùa lại được ca ngợi là đẹp và sành điệu.
Theo Zing