"Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel" khai thác vụ mất tích của Elisa Lam tại khách sạn Cecil.
Năm 2013, vụ mất tích của Elisa Lam gây chấn động khi cảnh sát tung ra video cuối cùng mà cô gái được trông thấy.
Đoạn phim nhanh chóng trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội tới tận ngày nay bởi có quá nhiều điểm kỳ lạ. Dù sau đó thi thể của Lam được phát hiện trong bể nước khách sạn, không ít nghi ngờ vẫn dấy lên xung quanh nguyên nhân cái chết của nữ sinh viên 21 tuổi gốc Hoa.
Loạt phim tài liệu mang tên Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel (tạm dịch: Hiện trường vụ án: Vụ biến mất ở khách sạn Cecil) trả lời thỏa đáng nhiều câu hỏi vẫn còn gây nhức nhối với các “thám tử mạng”, nhưng lại thiếu đi chất lượng thường thấy ở một phim tài liệu án mạng của Netflix.
Vụ án khét tiếng “chưa có lời giải”
Tháng 1/2013, Elisa Lam, khi đó là sinh viên tại Đại học British Columbia, quyết định một mình đi du lịch tại Mỹ. Cô đặt chân đến Los Angeles vào ngày 26/1 và dành ra vài ngày thăm thú thành phố.
Lam chọn ở tại khách sạn Cecil - một nơi có nhiều điều tiếng suốt hàng chục năm qua. Ngày 1/2/2013, đáng ra Lam phải trả phòng, nhưng người ta không tìm thấy cô gái đâu cả, dù đồ đạc vẫn còn nguyên. Sau khi cha mẹ của Elisa Lam thông báo đến cảnh sát, một chiến dịch tìm người được tổ chức, nhưng không đạt được kết quả.
Clip ghi lại hình ảnh cuối cùng của Elisa Lam vẫn gây tranh cãi cho tới tận ngày hôm nay.
Kỳ lạ hơn, camera trong thang máy khách sạn ghi lại cảnh Lam có những hành vi kỳ quặc và cô như đang trốn chạy một ai đó. Chất lượng, tốc độ của cuộn băng, cũng như nhiều chi tiết bất hợp lý, khiến cho người xem càng cảm thấy ám ảnh.
Đoạn video nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán trên khắp mạng Internet, thu hút những người hiếu kỳ lẫn những kẻ tự nhận là “thám tử mạng”, YouTuber…, với đủ thứ lập luận suy diễn lẫn thuyết âm mưu.
Đó cũng là dữ liệu cuối cùng cho thấy Lam còn sống. Bởi đến ngày 19/2/2013, người ta tìm thấy thi thể cô trong một bể nước của khách sạn ở trên tầng thượng. Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu và phân tích, cảnh sát tuyên bố cái chết của Elisa Lam là do tai nạn. Nhưng điều đó không thỏa mãn công chúng hiếu kỳ. Nhiều người tuyên bố sẽ đi tìm “công lý thực sự”, “lời giải thực sự” cho vụ mất tích bí ẩn.
Series tài liệu trả lời cho nhức nhối của cộng đồng mạng
Với thời lượng bốn tập, Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel kiên nhẫn vẽ ra bức tranh toàn cảnh về nơi mà Elisa Lam đã trú ngụ, toàn bộ quá trình điều tra, cũng như chân dung sống động của cô gái giàu tình cảm.
Đặc biệt, khách sạn Cecil được dành nhiều thời lượng chỉ để nói về lịch sử phát triển, cũng như mối quan hệ giữa nó với các vụ án mạng hay những kẻ tâm thần loạn trí, sát nhân… từng lưu lại nơi này trong quá khứ.
Bể nước nơi phát hiện thi thể của Elisa Lam.
Ngay bên cạnh khách sạn là “Skid Row” - khu ổ chuột của đám lưu manh và người vô gia cư vốn đặc biệt nổi tiếng về độ bạo lực nguy hiểm. Một trong những thuyết âm mưu về khách sạn ma ám đã được series giải đáp đầy đủ, qua đó giúp Cecil có một cơ hội thanh minh thông qua cuộc đối thoại với cựu quản lý khách sạn và nhân viên bảo trì nơi đây.
Nhiều cuộc phỏng vấn với thanh tra, cảnh sát, nhân viên pháp y trực tiếp tham gia vụ án giúp loạt phim có được sự tin cậy. Quan trọng hơn, điều đó cho thấy cảnh sát thực sự đã nỗ lực hết sức để tìm ra câu trả lời, chứ không phải như nhiều lời đồn thổi trên mạng cho rằng có “âm mưu” giữa chính quyền với khách sạn nhằm che giấu hung thủ.
Một số tình tiết đáng ngờ trong vụ mất tích của Elisa Lam như thang máy bị giữ quá lâu, tốc độ bị làm chậm của video, nắp bể nước tự đóng lại... đều được giải thích hợp lý. Cuối cùng, sau khi bỏ qua những điều không thể, thì sự thật nằm ở chuyện Lam là một nạn nhân của chứng rối loạn lưỡng cực.
Cô gái đã cố tình bỏ thuốc nhiều ngày, dẫn đến tình trạng hưng phấn hoang tưởng. Trong khi trốn chạy, Elisa Lam bèn nhảy vào bể nước trên tầng thượng, rồi không may bị chết đuối.
Dài dòng và không đúng trọng tâm
Sự vắng mặt của cha mẹ và bạn bè Elisa Lam trong phim là có thể hiểu được bởi nỗi đau mất mát người thân khó bao giờ có thể nguôi ngoai. Dẫu vậy, chân dung cô gái qua lời kể và những bài đăng trên Tumblr dường như bị lấn át bởi đội quân YouTuber và "thám tử mạng" mà nhà sản xuất mời tới phỏng vấn.
Đây chính là sai lầm của loạt phim, khi đưa đến những người không có kiến thức chuyên môn và chẳng đóng góp gì nhiều cho tiến trình phá án của cảnh sát. Sự xuất hiện của những nhân vật kiểu này không những kéo chất lượng phim đi xuống, mà còn cho thấy sự thiếu cẩn trọng khi khai thác một đề tài nhạy cảm.
Vụ của Lam khác với nhiều trường hợp án mạng mà Netflix từng thực hiện phim tài liệu, không chỉ bởi nó xảy ra cách đây chưa tới 10 năm, mà còn vì đã có quá nhiều người biết đến.
Morbid là rocker từng bị cộng đồng mạng cho là người sát hại Elisa Lam. Cuộc đời anh hoàn toàn sụp đổ, dù sớm được cảnh sát chứng minh là vô tội.
Nếu cắt đi những đoạn phỏng vấn lê thê của đại diện mạng xã hội, Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel sẽ vẫn giữ được gần như nguyên vẹn giá trị. Phim cũng dễ theo dõi hơn nếu chỉ co về một hoặc hai tập phim.
Những dân mạng được Netflix nhắc đến dường như chỉ cho thấy sự lươn lẹo khi mượn danh “công lý” nhằm kiếm view, cũng như thái độ vô trách nhiệm khi quy kết một người vô tội tội danh giết người, như anh chàng rocker người Mexico.
Sau khi theo dõi toàn bộ loạt phim, khán giả cũng dễ thấy chiêu trò “câu kéo” khán giả của chính ê-kíp thông qua phần mở đầu. Sự thật thì khách sạn Cecil không mấy tốt đẹp trong quá khứ, nhưng điều đó không liên quan nhiều tới vụ mất tích của Elisa Lam và hoàn toàn có thể được lược bớt đi ít nhiều.
Thông điệp giá trị nhất mà loạt phim đem lại là lời cảnh báo rằng đám đông tò mò có thể trở nên mù quáng trong hành trình điên cuồng tìm kiếm đáp án cho một vụ án mà cảnh sát đã đưa ra lời giải thích hợp lý. Đồng thời, những người mắc chứng bệnh tâm lý cần được quan tâm nhiều hơn. Tất cả sẽ trở nên rõ nét và mang nhiều sức nặng hơn, nếu như series không dài tới bốn tập.
Theo Zing