Tối ngày 29/10, tại khu vui chơi náo nhiệt nhất nhì thành phố Seoul - Itaewon đã xảy ra tình trạng hỗn loạn chen lấn, giẫm đạp lên nhau khi dòng người đổ về Itaewon tham gia lễ hội Halloween quá đông. Một con hẻm tại khu này đã xảy ra tai nạn chèn ép dẫn đến thiếu oxy khiến nhiều người nghẹt thở, ước tính gần hàng chục người thương vong.

Tuy hiện chưa có con số thống kê cụ thể nhưng trong số những nạn nhân thương vong do ngạt thở vì chen lấn, đáng buồn khi đa số là nữ giới ở độ tuổi 20 đến 30 và có một nạn nhân ở tuổi vị thành niên.

Lời kể sợ hãi của người Việt thoát chết trong thảm kịch Itaewon-1
Đám đông chen lấn, hỗn loạn tại Itaewon tối qua - Ảnh: koreantimes

Hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vì vụ việc vẫn đang chờ kết quả điều tra chính xác. Nhưng theo miêu tả của Phạm Minh Trung (hiện đang là IT tại Seoul), cũng là một trong những người có mặt tại đó vào tối ngày 29/10 vừa qua, thì khi đó lượng người tại khu phố rất đông, chen chúc nhau cực kỳ khó thở.

Cụ thể là sau khi thấy hình ảnh khu Itaewon đang cực kỳ náo nhiệt bởi những bạn trẻ hoá trang thì Minh Trung quyết định cùng bạn bè đến đây để vui chơi. Nhưng Trung lại không ngờ đó là quyết định sai lầm của mình khi cậu bạn đã trải qua khoảnh khắc kinh hoàng vào tối qua và tận mắt chứng kiến những cảnh thương tâm của các nạn nhân.

Sau những giờ phút bằng mọi sức lực thoát ra khỏi đám đông, cậu bạn hiện đã an toàn và vẫn còn hoang mang sau đêm kinh hoàng tại Itaewon. 

Lời kể sợ hãi của người Việt thoát chết trong thảm kịch Itaewon-2
Lời chia sẻ đầy sự sợ hãi của cậu bạn Phạm Minh Trung

Minh Trung đã chia sẻ trên trang cá nhân về tình hình “ám ảnh” tại hiện trường khi cậu đã về được đến nhà sau vài tiếng: 

“ Lần đầu tiên trong cuộc đời mình phải hét lên “Cứu tôi với”, “Gọi cảnh sát đi”.

[...] Chẳng là ngồi lướt Facebook thấy trang mình theo dõi đăng mấy bức ảnh hóa trang ở Itaewon, ngồi nhà buồn chán thế là vác balo lên đường và đi ngắm phố. Xuống tàu đi vào khu phố thấy cũng khá đông nhưng vẫn di chuyển được chầm chậm (lần đầu tiên đi nhà vệ sinh dưới ga tàu xếp hàng dài). Đến được khu phố đang hào hứng vui vẻ ngắm mọi người hoá trang được khoảng 15 phút thì mình di chuyển đến cái ngã ba. Bỗng chợt từ đâu một làn sóng từ phía trước đẩy mạnh đẩy mình bay vào cái biển hiệu đặt trước quán cà phê. 

Lúc đầu nghĩ chắc do người phía trong muốn đi ra nên đẩy để ra, nhưng một lúc sau thấy dòng đẩy càng mạnh, áp chặt mình vào góc bảng hiệu, lưng đau điếng mà vẫn ghì người đẩy để leo ra. Đành nghĩ không đi xem nổi nữa thì thôi chui vào cái lối nhỏ này để đi ra đường lớn chứ ko thể đi tiếp nữa rồi.

Đi theo dòng người trôi dạt đến đầu ngõ phố thì bất ngờ dòng người ở đâu đẩy đến càng mạnh. Lúc đầu cảm giác vẫn đứng được, nhưng 1 - 2 phút sau dòng người càng đẩy vào mạnh hơn đến nỗi khó thở. Mình đang đi sát phía trong nên sau đó có leo được lên vỉa hè. Nhưng dòng người càng lúc càng đẩy mạnh hơn, người càng ép chặt hơn được khoảng 15 phút thì ko thể cử động nổi chân tay nữa. Bắt đầu cảm thấy ngộp thở…

Dòng người thì càng lúc càng ép chặt. Bắt đầu có những tiếng gào khóc và tiếng hét. Người bị ép lao về phía trước góc 50 độ, người trước áp sát người sau. Chỉ cần đằng trước có lối để thoát ra là dòng người có thể đổ sõng soài phía trước, người sau sẵn sàng giẫm chết người trước. Mình lúc này đã bắt đầu không thở nổi nữa, tay không thể cử động, nhưng đằng sau họ vẫn không tha mà vẫn ép.

Lần đầu tiên mình hét vì tức ngực, xung quanh tiếng mọi người la hét “ Cứu tôi với “, ” Gọi cảnh sát đi”, “ Có người chết rồi”, “Tôi xin mọi người đừng đẩy nữa” “Bên dưới đừng đi lên nữa”. Nhưng tất cả đều hét trong vô vọng vì những người ở xa họ đang đẩy thì họ không thể nghe thấy tiếng hét do khu vực này quá ồn".

Lời kể sợ hãi của người Việt thoát chết trong thảm kịch Itaewon-3
Hình ảnh ghi lại cảnh tượng đông nghịt tại Itaewon tối qua đang được lan truyền trên mạng xã hội (Nguồn: Facebook)

Phần miêu tả trên dòng trạng thái của Phạm Minh Trung quả thật rất chân thực, khiến người đọc hiểu được một cách rõ hơn tình cảnh cũng như cảm giác của những người bị chen lấn trong đám đông tối qua.

Thậm chí, sau khi thoát khỏi đó trở về nhà, Minh Trung vẫn chưa hết hoàn hồn trước những gì đang diễn ra. Cậu cho biết "đây là lần đầu tiên cảm thấy cái chết cận kề". 

"Lúc này thực sự thấy từ bé đến giờ thì đây là lần đầu tiên cảm thấy cái chết cận kề. Một người luôn luôn coi thường nguy hiểm chỗ đông người, luôn chen chúc đi xem pháo hoa hay tìm chỗ đông vui nhưng hôm nay cảm giác mình đang sống trong một bộ phim kinh dị thật sự. Lúc này chỉ nghĩ mình sẵn sàng cho ai đó 20 - 30 triệu chỉ để có thể thoát khỏi cái chỗ này.

Cảm giác như bị con voi 5 tấn đè lên ngực, còn xung quanh chỉ toàn tiếng la hét. Có nhiều người quanh mình đang khóc, các bạn nữ ở giữa do bị ép và không khí đủ không khí để thở thi nhau ngất. Thật sự nhìn khung cảnh đó không ai là không thể không khóc.

Sau 10 phút thì phía dưới thì thấy đám đông bắt đầu giãn cách, có khoảng 10 người cảnh sát đang phải kéo từng người ra khỏi đám đông từ phía sau. Do phía trước mọi người đã đổ chồng lên nhau nên không thể kéo người ra được. Mọi người không thể tự đứng được vì tất cả đang đổ về phía trước, cảnh sát phải kéo từng người ra một. Các bạn bị ngất thì được kéo ra một chỗ để sơ cứu. Đến đây thì đã cảm thấy may mắn vì sống sót rồi. 

Trong đầu lúc này chỉ nghĩ thoát ra khỏi đây càng nhanh càng tốt, lúc đi ra thấy dòng người vẫn tiếp tục đi vào (chắc mọi người vẫn chưa biết). Còn mọi người ở trong vừa được thoát ra thì  vừa đi vừa khóc vừa nói: “Mọi người đừng đi vào nữa, có người chết rồi, tôi cũng suýt chết đấy!”.

Dòng người nghe xong vẫn thấy hoang mang, người quay vào người trở ra, người mặt thẫn thờ đứng im như không hiểu gì…Khu phố vẫn đông nghẹt! Ga tàu 11 giờ đêm vẫn chật cứng".

Lời kể sợ hãi của người Việt thoát chết trong thảm kịch Itaewon-4
Hiện trường đã bị cảnh sát phong toả khi quá nhiều người không qua khỏi - Ảnh: koreantimes

Sau khi đưa được các bạn đi cùng ra khỏi khu vực nguy hiểm vì chiều cao của mình, Trung cùng cả nhóm bạn mới “thở phào” nhẹ nhõm khi được thoát nạn. Cảnh sát đã có mặt ngay khi Trung vừa trải qua một trận “sinh tử” nên cậu cũng đã kịp thấy họ lao vào cứu thêm nhiều nạn nhân nữa trước khi những người phía sau lại bị đẩy lên. 

Khi được hỏi về cách thoát ra sự hỗn loạn tại đó thì Trung cho biết rằng đây là một sự may mắn vô cùng lớn: “Mình về đến nhà mà vẫn chưa hết hoang mang, cứ tưởng sẽ “toi đời” rồi chứ. Lúc bị ép đến ngạt thở mình tưởng đã bị gãy xương, nổ phổi luôn rồi chứ. Những phía còn lại của khu này thì không sao, mà lạ là ngay khu mình đứng tầm 20 - 30 mét mới xảy ra cảnh tượng này. Số mình vẫn may, vì mình cũng đứng ngay đoạn giữa khu nhiều người không may qua khỏi.”

Lời kể sợ hãi của người Việt thoát chết trong thảm kịch Itaewon-5
Sau khi lâm vào cảnh chen lấn, nhiều nạn nhân đã không tài nào chịu nổi vì ngạt thở và bị ép chặt - Ảnh: koreantimes

Sự mệt mỏi và sợ sệt còn hiện rõ hơn khi Trung cũng là người chứng kiến các nạn nhân ngã xuống vì thiếu oxy: “Lúc đó là cực hình nhất trong đời mình, cứ như bị voi 5 tấn đè trước ngực. Mình vẫn còn nhúc nhích được vi nhờ chiều cao hít được không khí, các bạn nữ khác thấp hơn vì không hít được không khí nên cứ ngất xỉu hàng loạt”.

Lời kể sợ hãi của người Việt thoát chết trong thảm kịch Itaewon-6
Rất nhiều nạn nhân là nữ giới đã không thể hít thở được - Ảnh: koreatimes

Minh Trung cũng cho biết thời điểm diễn ra vụ việc đáng tiếc tại khu vực sầm uất bậc nhất Seoul này: “Mình đến đó tầm 9 giờ 15 tối, khoảng 9 giờ 40 thì bắt đầu xảy ra hỗn loạn. Vật vã một hồi lâu như cả thế kỷ thì đến 10 giờ 30 cảnh sát nhận được tin báo đến hiện trường. Mất tầm 15 đến 20 phút thì giải thoát được mọi người thiếu không khí tại chỗ dốc định mệnh đó”.

Lời kể sợ hãi của người Việt thoát chết trong thảm kịch Itaewon-7
Cảnh sát nỗ lực cứu thêm nhiều người khi đến hiện trường - Ảnh: koreatimes

Theo Thể thao và Văn hoá