Lợi nhuận 'khủng' từ các phim hoạt hình Việt hóa

- Xu hướng lồng tiếng Việt cho phim hoạt hình phát hành tại Việt Nam đã trở nên phổ biến kể từ sau Rio, bộ phim hoạt hình 3D do hãng 20th Century Fox phát hành vào năm 2011.

 Và kể từ đó về sau, bất cứ tác phẩm hoạt hình nào của Hollywood được phát hành ở Việt Nam đều được Việt hóa bằng cách lồng tiếng Việt và được quảng bá rầm rộ. Tuy nhiên, xu hướng lồng tiếng Việt cho phim hoạt hình đang dần tạm lắng xuống và đã không còn sôi động như trước.

Thời hoàng kim của phim hoạt hình lồng tiếng Việt


Phim hoạt hình đầu tiên của Hollywood được lồng tiếng Việt đó chính là kỳ quan đặc biệt suất sắc và thành công của Pixar, Finding Nemo. Được công chiếu vào năm 2003, tuy nhiên phải đến năm 2004 Finding Nemo mới được ra mắt tại Việt Nam với phiên bản lồng tiếng Việt. Với một câu chuyện nhẹ nhàng đầy chất nhân văn vốn có của Pixar và với sự góp giọng của NSƯT Thành Lộc và NSƯT Thanh Thủy cho nhân vật cá hề Marlin và Dory, Finding Nemo phiên bản lồng tiếng Việt đã thu hút sự chú ý của một lượng lớn khán giả cho dù nó đã được công chiếu trước đó một năm.



Sau thành công của Finding Nemo các nhà phát hành phim ở Việt Nam tiếp tục lồng tiếng cho bộ phim hoạt hình Open Season. Mặc dù, tập hợp hơn 80 diễn viên lồng tiếng nổi tiếng và đặc biệt lại có sự góp giọng của NSƯT Thành Lộc, Open Season phiên bản lồng tiếng Việt vẫn không để lại ấn tượng gì cho khán giả. Đến lúc này, khán giả Việt Nam đã thật sự không quan tâm đến việc có lồng tiếng hay không lồng tiếng trong các bộ phim hoạt hình của Hollywood.



Cho đến năm 2011, các nhà phát hành phim ở Việt Nam lại quay trở lại chiến lược lồng tiếng Việt cho phim hoạt hình sau một khoảng thời gian dài gần như bị quên lãng. Với những bước đi táo bạo và định hướng đúng đắn, các nhà phát hành phim đã tạo ra một bước đột phá trong khâu lồng tiếng Việt cho phim hoạt hình ở Việt Nam khi có đến 4 bộ phim hoạt hình được lồng tiếng Việt theo tiêu chuẩn của Hollywood cùng được phát hành trong một năm là: Rio, The Smurfs, Puss In Boots và Alvin And The Chipmunks: Chip-Wrecked.



Bắt đầu từ Rio, bộ phim hoạt hình 3D do hãng 20th Century Fox phát hành được thực hiện dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Carlos Saldanha - người từng làm nên thành công của Ice Age: The Meltdown và Ice Age: Dawn Of The Dinosaurs. Rio 3D đã đánh dấu bước tiến mới đối với nền điện ảnh Việt Nam, khi đây là bộ phim 3D đầu tiên mà người xem được nghe giọng lồng tiếng của chính những nghệ sỹ Việt Nam theo tiêu chuẩn và các yêu cầu khắt khe nhất của Hollywood.

Mỗi nhân vật trong Rio đều do một diễn viên đảm nhận việc lồng tiếng riêng. Các diễn viên phải diễn xuất để phác họa được tính cách, cảm xúc cho nhân vật của mình theo đúng chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn. Để hoàn thành công đoạn lồng tiếng theo đúng tiêu chuẩn Hollywood, hãng phát hành Rio tại Việt Nam là MegaStar đã phải đầu tư 1 tỉ đồng để biến Rio trở thành bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên được lồng tiếng Việt đạt chuẩn Hollywood. Mọi công đoạn lồng tiếng Việt cho Rio đều được hãng 20th Century Fox kiểm soát chặt chẽ. Từ việc chọn diễn viên, thu âm lồng tiếng, hòa âm… đều được đạo diễn Carlos Saldanha và đoàn làm phim Rio thông qua.



Sự thành công của Rio phiên bản lồng tiếng Việt đã tạo ra một bước tiến mới trong nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, khi đã bắt kịp được xu hướng chung của điện ảnh thế giới, đó chính là việc mang đến cho khán giả cảm giác gần gũi, thân thiện hơn khi xem phim cho dù bộ phim đó được sản xuất từ nước ngoài. Kể từ sau thành công của Rio phiên bản lồng tiếng Việt, xu hướng lồng tiếng Việt cho phim hoạt hình của Hollywood phát hành tại Việt Nam đã trở nên phổ biến. Trong khoảng một năm sau đó, hầu hết các phim hoạt phát hành ở Việt Nam đều được Việt hóa bằng cách lồng tiếng Việt và được quảng bá rầm rộ.

Phim hoạt hình lồng tiếng Việt có đang dần bị thoái trào?


Lồng tiếng Việt cho các phim hoạt hình của Hollywood đã đem tới cho khán giả những trải nghiệm mới đậm chất Hollywood một cách trọn vẹn với chất lượng cao, cả về hình ảnh lẫn âm thanh khi không phải tập trung theo dõi phụ đề để bám sát nội dung bộ phim. Bên cạnh đó, lồng tiếng cho các phim hoạt hình khiến cho các bộ phim trở nên thân thiện hơn với khán giả Việt Nam khi đã góp phần mở rộng nhóm đối tượng khán giả gặp khó khăn trong việc đọc phụ đề khi xem phim đó chính là trẻ em và người lớn tuổi.



Mặc dù đã đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên sau một thời gian dài "làm mưa làm gió" xu hướng Việt hóa phim hoạt hình đã không còn sôi động như trước và khán giả đang dần quay lưng lại với phim hoạt hình phiên bản lồng tiếng Việt. Việc phát hành phiên bản lồng tiếng Việt bên cạnh phiên bản gốc phụ đề đã trở thành một xu hướng tất yếu và không còn mới lạ đối với khán giả. Lựa chọn phiên bản phim 2D, 2D Digital, 3D với phụ đề tiếng Việt hay 3D lồng tiếng Việt khi xem phim đã trở nên bình thường, khán giả ngày càng không còn khó khăn trong việc lựa chọn vì hầu hết đều đã trải nghiệm ít nhất một lần qua phiên bản lồng tiếng Việt.





Phần lớn các nhà phát hành phim vì quá chú trọng vào khâu PR cho các ngôi sao đảm nhận lồng tiếng cho các nhân vật trong phim nên đã bỏ bê đến chất lượng lồng tiếng trong các phiên bản lồng tiếng Việt. Mặc dù được lồng tiếng theo đúng tiêu chuẩn của Hollywood, khi lời thoại của phim bằng ngôn ngữ gốc sẽ được tách ra để thay thế bằng tiếng Việt, trong khi đó các âm thanh khác của bộ phim vẫn được giữ nguyên như phiên bản gốc, và là tiếng nói của các thần tượng. Tuy nhiên, hầu hết các lời thoại của phiên bản lồng tiếng Việt vẫn chưa thực sự đạt được chất lượng cũng như cảm xúc như phiên bản gốc. Điều này đã làm cho phim lồng tiếng ngày càng không thu hút khán giả.

Món hời khó từ bỏ

Tuy lượng khán giả lựa chọn phiên bản lồng tiếng Việt khi xem phim không còn sôi động so với trước, nhưng các nhà phát hành phim ở Việt Nam vẫn không từ bỏ món hời lồng tiếng Việt bởi vì doanh thu phiên bản lồng tiếng Việt của phim hoạt hình Hollywood, luôn chiếm trung bình từ 50-60% tổng doanh thu của bộ phim đó ở Việt Nam. Riêng phiên bản lồng triếng Việt của Puss In Boots với truyền giọng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho nhân vật chính chú mèo Puss đã góp tới 70% doanh thu của bộ phim này ở Việt Nam, tỉ lệ cao nhất cho tới lúc này.



Rõ ràng các bộ phim hoạt hình lồng tiếng Việt đã, đang và sẽ có những tác động tích cực đến lợi nhuận của các nhà phát hành phim tại Việt Nam. Điều này đã giải thích tại sao phiên bản lồng tiếng Việt vẫn đang được đầu tư từng ngày.

Pi Laz

Tin tức mới nhất