Con đường từ TP.Lai Châu vào bản Na Há 1 (xã Noong Hẻo, H.Sìn Hồ, Lai Châu) dài gần 50 km đã bị mưa lũ chặt làm 3 khúc với 2 điểm sạt lở toàn bộ nền đường ở địa phận xã Nậm Tăm và Pa Khóa, khiến chúng tôi phải 2 lần lội bộ, ngồi tăng bo trên “xe hổ vồ” mới vào đến xã Noong Hẻo.

Nhưng chặng đường cuối cùng từ trung tâm xã lên hiện trường mới thực sự là hành trình băng đồi, vượt suối với gần 2 giờ đi bộ để tận mắt chứng kiến sức tàn phá ghê gớm của lũ dữ.
 


Cảnh hoang tàn trận lũ lịch sử ở Lai Châu. Ảnh: PV

Chống gậy, đi bộ cùng chúng tôi vào hiện trường, ông Lò Văn Chượng, Bí thư Đảng ủy xã Noong Hẻo, kể rằng từ nhỏ đến giờ ông sống ở xã miền núi này, chưa bao giờ chứng kiến mưa to như thế. Mưa gần như liên tục suốt 3 ngày đêm, cho đến chiều 24.6 thì tai họa ập xuống bản Nậm Há 1 khiến 5 người bị chôn vùi.

Dọc theo suối Huổi Em từng là nương ruộng màu mỡ, khu chăn nuôi gia súc, cùng rất nhiều ao cá của người dân bản Nậm Há 1, sau trận lũ đã là hoang mạc. Chỗ thì bùn đất, cát nhão, chỗ lổng chổng đá hộc. 4 ngày sau trận lũ, ngay vùng rốn lũ này, hàng trăm người vẫn miệt mài đào bới tìm người mất tích.
 


Bộ đội, dân quân tăng cường vào hiện trường tìm kiếm người mất tích.

Gia đình anh Lò Văn Xanh là một trong những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận lũ quét tại bản Nậm Há 1. Anh Xanh và và chị Lò Thị Đấng có với nhau 3 người con (2 gái, 1 trai). Cuộc sống vất vả nhưng anh chị luôn bảo ban nhau cố gắng làm thêm ruộng, chăn nuôi thêm con heo, con gà kiếm tiền lo ăn học cho các con.

Cách đây 2 tháng, gia đình anh Xanh vừa đầu tư 20 triệu đồng suốt bao năm dành dụm mua mảnh đất nông nghiệp để trồng lúa và nuôi cá nhưng mọi thứ chỉ vừa bắt đầu thì chuyện đau lòng xảy ra.

Đôi mắt vô hồn nhìn về đống đổ nát, anh Lò Văn Xanh kể lại: “Hôm đó, vợ cùng con trai tôi gặp nạn trong lúc 2 mẹ con lên rẫy, còn tôi đi làm đất gieo mạ ở cánh đồng khác.
 


Anh Lò Văn Xanh dùng đôi bàn tay trần bới đất đá tìm vợ con.

Trước đó, tôi còn gọi điện nói chuyện với vợ nhưng khoảng 30 phút sau tôi liên lạc lại thì không được. Trong cuộc điện thoại, vợ gọi tôi rồi bảo rằng mưa lớn, đất đá từ trên núi sạt xuống, lấp hết ruộng với ao cá nên hai mẹ con ra đào thông bãi đất chèn vào ruộng. Lúc này, tôi nói với vợ vào lán trại tránh nạn đi rồi làm sau. Tuy nhiên, sau đó tôi liên lạc mãi với vợ nhưng không được rồi hay tin vợ con bị lũ cuốn...”.

Khi được thông báo vợ con bị lũ cuốn, anh Xanh không tin nên chạy về khu vực lán trại để kiểm tra nhưng nước suối dâng cao, chảy xiết không thể qua được.

Sau đó, người đàn ông này có nhờ những người thân trong gia đình tới xem vợ với con nhưng thấy đất đá sạt xuống vùi lấp hết cả.
 


Xoong, chảo và đồ dùng sinh hoạt bẹp rúm ró là những gì còn sót lại được tìm thấy ở hiện trường vùng lũ.

“Nỗi đau quá lớn, mọi chuyện đến như một cơn ác mộng với gia đình tôi. Đến giờ, tôi chỉ biết dùng đôi bàn tay của mình cào bới đất đá để tìm vợ con trong đống đổ nát”, người đàn ông nghẹn ngào.

Trong 5 nạn nhân mất tích vì sạt lở đất chiều 24/6, nhờ những nỗ lực tìm kiếm của lực lượng chức năng và gia đình, khoảng 8h50 sáng 27/6, thi thể cháu Lò Văn Kiếm (14 tuổi) đã được tìm thấy. Kiếm bị nước lũ cuốn trôi khi đi rẫy chăn trâu cùng bố chiều 24/6.

Trong căn nhà gỗ đơn sơ, anh Lò Văn Thâng (bố của Kiếm) hướng đôi mắt đỏ hoe nhìn di ảnh con trai cho biết, chính anh phát hiện thi thể con trai dưới bùn đất cạnh khe suối nên tri hô lực lượng chức năng tiếp cận, đưa Kiếm lên.
 


Đứa bé này chưa cảm nhận hết nỗi đau mất người thân...

Anh Thâng tâm sự, gia đình làm lán trên sườn núi để chăn nuôi lợn, gà cùng mấy con trâu đã 6 năm nay. “15h chiều 24/6, đang chăn trâu ngoài lán, Kiếm gọi điện bảo đất núi sạt vào ruộng lúa. Tôi ra xem thấy con ướt mưa, bảo con đi tắm, thay quần áo nhưng đừng ngủ, nếu sạt nhiều phải gọi bố ngay. Nhưng vừa quay đi, tôi nghe tiếng ầm ầm rồi cả lán bị vùi lấp, nước lũ cuốn phăng đi. Tôi gọi lớn tên con nhưng tất cả đều lặng im”, anh Thâng chưa hết bàng hoàng nhớ lại.

Sự việc xảy ra quá bất ngờ, anh Thâng không kịp kéo con ra, đến giờ mỗi lần nhắm mắt lại, anh đều nhớ đến hình ảnh ấy.
 


Lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tìm kiếm thi thể các nạn nhân mất tích.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, đến 7h sáng nay, mưa lũ, sạt lở đất tại miền núi phía Bắc đã làm 19 người chết (Hà Giang 5 người chết do sập nhà; Lai Châu 14 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi); 11 người mất tích ở Lai Châu do lũ cuốn; 12 người bị thương.

Mưa lũ cũng làm 124 nhà bị đổ, cuốn trôi; 579 nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp; 1.500 ngôi nhà bị ngập nước. Về nông nghiệp, 717 ha lúa bị ngập úng; 486 ha hoa màu bị thiệt hại; 251 con gia súc, gần 6.000 con gia cầm bị chết; 46 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 440 tỷ đồng.

Theo Gia Đình & Xã Hội