Chiêu thức lừa đảo

Đầu tiên, những người này bỏ ra một số tiền mua lại một số page có lượng like + follow lớn, hoặc chính bọn chúng tự tạo ra nhiều trang bán hàng trên Facebook sau đó tạo lượt thích, theo dõi ảo. Tiếp theo, chúng đăng tải hình ảnh quần áo, phụ kiện, đồng hồ, túi xách,... nhiều mặt hàng cả trong nước và nước ngoài.

Lừa đảo online kiểu mới: Đơn giản mà lại dễ moi tiền khách xịn-1

Để thu hút khách hàng, những kẻ này hoạt động một cách khá tinh vi. Mục đích chính của chúng là ngụy trang page lừa đảo giống như một cơ sở bán đồ uy tín.

Bằng việc khéo léo đưa hình ảnh hàng hóa giống như được chụp trực tiếp tại cửa hàng, rất dễ dàng các bà các cô bị thu hút bởi sự đẹp đẽ, quyến rũ của những chiếc váy - đôi giày... mà không biết đó là chiêu câu kéo có tính toán.

Trong kế hoạch hoàn hảo của chúng tất nhiên không thể thiếu việc chạy quảng cáo thu hút người xem, chưa kể đăng kèm chính sách sale mạnh.

Sau khi người dùng nhắn tin hỏi mua, bọn chúng lấy lý do vì hàng sale tới 70 - 80% nên khách hàng phải chuyển khoản mới cho đi hàng. Yêu cầu này được xem là bình thường trên thị trường mua bán online, bởi hiện nhiều shop nhận hàng order cũng yêu cầu khách chuyển khoản. 

Người mua ít nghi ngờ, thường sẽ đặt cọc ít nhất 30% tổng bill. Ngay khi vừa chuyển tiền, Facebook khách hàng này lập tức bị lọt vào “danh sách đen” của shop và... auto bị chặn.

Cách thức nhận diện page lừa đảo

Hình thức này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng khó nhận biết, bởi trên page, nhóm lừa đảo thường bày bán nhiều mặt hàng khác nhau, page mở 24/24 hòng tạo niềm tin cho người mua.

Để nhận biết đây là page bán hàng xịn hay fake, đầu tiên, bạn hãy để ý đến thời gian đăng bài viết của trang. Bỗng nhiên một khoảng thời gian dài gần đây, bài viết và sản phẩm được đăng bán thường xuyên, liên tục nhưng nếu chịu khó kéo về trước nữa, bạn sẽ thấy page không có hoạt động gì, hoặc bài viết gần nhất cũng cách đây 2 - 3 năm.

Lừa đảo online kiểu mới: Đơn giản mà lại dễ moi tiền khách xịn-2

Thứ 2, hầu hết các trang lừa đảo sẽ không cho hiển thị phần bình luận của bài đăng, đi kèm đó là rất nhiều icon thể hiện trạng thái phẫn nộ. Cái hình mặt đỏ tức giận ấy chính là những người đã bị lừa nhưng không thể bình luận vào bài. Nếu chịu khó tương tác với những người thả icon phẫn nộ, rất có thể họ sẽ cho bạn biết thông tin thật sự về shop.

Thứ 3, khi hỏi thông tin sản phẩm, bạn nên xin video thật vì ảnh chúng có thể dễ dàng "trộm cắp" từ các shop thật, nhưng video thì khả năng "ăn cắp" sẽ hạn chế hơn.

Cuối cùng, hãy xin số điện thoại hoặc địa chỉ để nếu rảnh, bạn hãy đến xem hàng tận nơi. Nếu chúng không trả lời hoặc chặn inbox, chắc chắn page đó đang giăng bẫy lừa đảo người tiêu dùng đấy.

Hiếu Thảo (Tổng hợp)

Theo Vietnamnet