'Luật cho vay' của Chủ tịch Tân Hiệp Phát

Khi bà Đặng Thị Kim Oanh đề nghị được cho vay tiền, ông Trần Quí Thanh đưa ra điều kiện phải sang nhượng toàn bộ 2 dự án Minh Thành và Nhơn Thành mới giải ngân.

Trong vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TPHCM và tỉnh Đồng Nai, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh (Giám đốc công ty) cùng Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích (2 con gái của ông Thanh) về tội danh tương tự.

"Luật ngầm" của ông chủ Tân Hiệp Phát

Theo kết luận điều tra, năm 2017, bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Oanh Đồng Ninh) cần tiền để đầu tư dự án Minh Thành (ở Đồng Nai). Do không được ngân hàng chấp thuận cho vay, bà Oanh kết nối được với trợ lý của ông Trần Quí Thanh.

Chuyển hồ sơ dự án cho trợ lý ông Thanh, bà Oanh được thông báo "hạn mức" cho vay là 350 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi biết bà Oanh còn một dự án khác ở Nhơn Thành, trợ lý ông Thanh đề xuất "chuyển nhượng các dự án Minh Thành, Nhơn Thành cho ông Thanh" để được vay 500 tỷ đồng, điều kiện đi kèm là "cắt phế" lại 5% số tiền vay.

Kết luận điều tra cho biết 5% này là "phí môi giới". Để được vay tiền, bà Oanh phải chuyển nhượng cổ phần hoặc làm thủ tục mua bán các dự án do người phụ nữ này sở hữu.

Luật cho vay của Chủ tịch Tân Hiệp Phát-1
Ông Trần Quý Thanh (Ảnh: THP).

Đầu tháng 11/2019, bà Oanh được ông Thanh đồng ý gặp tại trụ sở Tân Hiệp Phát. Tại cuộc gặp, ông Thanh ra điều kiện phải sang nhượng toàn bộ 2 dự án mới cho vay. Dù bà Oanh nài nỉ, thương lượng, Chủ tịch Tân Hiệp Phát vẫn cương quyết với "luật của mình".

"Tôi không phải ngân hàng nên không ký hợp đồng cho vay. Hàng tháng cứ đóng lãi đều, đủ, đúng hạn thì tôi cho chuộc tài sản", kết luận điều tra dẫn lại lời của ông Thanh nói.

Sau khi xem xét các giấy tờ, ông chủ Tân Hiệp phát đồng ý cho bà Oanh vay 500 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng, trả trước 3 tháng, kèm với điều kiện chuyển nhượng 50% cổ phần dự án Minh Thành cho Trần Uyên Phương với giá 235 tỷ đồng, 50% còn lại chuyển cho Trần Ngọc Bích và Công ty TCS (công ty của gia đình ông Thanh quản lý) giá 265 tỷ đồng.

Với dự án Nhơn Thành, bà Oanh phải chuyển 100% cổ phần đang sở hữu cho Trần Ngọc Bích giá 150 tỷ đồng.

"Trong thời gian 9 tháng, nếu trả đầy đủ tiền gốc, lãi đúng thời hạn đặt cọc theo cam kết mua lại thì tôi trả 2 dự án cho bà. Nếu vi phạm thời hạn trả nợ lãi, bà sẽ mất 2 dự án", ông Thanh cam kết khi đó và từ chối đề nghị soạn hợp đồng thế chấp của bà Oanh.

Theo kết luận điều tra, bà Oanh tự định giá 2 dự án của mình là 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quá cần tiền, bà Oanh buộc lòng phải chấp nhận thỏa thuận với ông Trần Quí Thanh.

Cơ quan điều tra xác định, thời điểm làm hợp đồng chuyển nhượng, dự án Minh Thành có giá trị gần 600 tỷ đồng, dự án Nhơn Thành cũng có giá trị tương đương. Thế nhưng, trong hợp đồng, 2 dự án trên lần lượt được định giá 350 tỷ đồng và 150 tỷ đồng.

Chậm trả lãi một ngày, phạt 35 tỷ đồng

Ngay sau khi giải ngân, ông chủ Tân Hiệp Phát yêu cầu nữ chủ tịch phải thanh toán ngay tiền lãi 3 tháng đầu là 31,5 tỷ đồng và không có biên lai, giấy tờ.

Đến ngày 12/5/2020, đến hạn trả lãi lần 3 nhưng do sơ suất, bà Oanh chậm một ngày. Ông Thanh sau đó từ chối nhận tiền.

Cũng chính vì "sơ suất" trên, ông Thanh cho rằng bà Oanh đã vi phạm thời hạn nộp tiền lãi, vi phạm cam kết nên "không mua lại được dự án". Khi đó, ông Thanh "phạt" bà Oanh 35 tỷ đồng, nếu không nộp thì mất quyền mua lại dự án.

Tháng 8/2020, Công ty Kim Oanh Đồng Nai ký công văn gửi bà Phương, Bích và Công ty TCS với nội dung đã chuẩn bị đủ 500 tỷ đồng và đề nghị ký hợp đồng chuyển nhượng lại dự án.

Luật cho vay của Chủ tịch Tân Hiệp Phát-2
Ông Thanh cùng con gái Trần Uyên Phương (trái) và Trần Ngọc Bích (Ảnh: THP).

Đồng thời, bà Oanh nhắn tin cho ông Thanh xin được gặp để bàn lại việc chuộc dự án nhưng không được phản hồi.

Sau đó, bà Oanh đã làm đơn tố cáo ông Trần Quí Thanh và 2 con gái lừa đảo, chiếm đoạt dự án Minh Thành Đồng Nai.

Theo kết luận điều tra, Chủ tịch Tân Hiệp Phát cùng 2 con gái đã cho vay với lãi suất dưới mức cấu thành tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Từ tháng 1/2019 đến tháng 11/2020, ông Thanh và đồng phạm đã 4 lần lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại, tổng giá trị hơn 767 tỷ đồng.

Kết luận điều tra nhận định Trần Ngọc Bích có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, còn ông Trần Quí Thanh được ghi nhận có nhiều đóng góp cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động…

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/phap-luat/luat-cho-vay-cua-chu-tich-tan-hiep-phat-20231124214045092.htm

Tân Hiệp Phát chiếm đoạt tài sản

Tin tức mới nhất