Như Dân trí đã thông tin, chị Tạ Thị Thu Trang (Hà Nội) nạn nhân của việc trao nhầm con của 42 năm trước tại nhà hộ sinh Hàng Bún, quận Ba Đình hiện đang tiến hành đề nghị Sở Y tế Hà Nội "hỗ trợ xét nghiệm ADN, tìm bố mẹ đẻ": Bi kịch vô thừa nhận của "người con bị trao nhầm 42 năm trước" ở Hà Nội

Sở Y tế Hà Nội ngày 01/3/2024 đã khẳng định cơ quan này không có chức năng yêu cầu công dân đi xét nghiệm ADN. Đơn vị này đề nghị chị Trang gửi đơn đến các cơ quan chức năng khác có đủ thẩm quyền để được giải đáp các thắc mắc.

Luật sư chia sẻ cách xác nhận cha mẹ trong vụ trao nhầm con 42 năm trước-1
Chị Tạ Thị Thu Trang (Ảnh: Minh Nhân).

Bình luận dưới bài viết, độc giả Hai Phong CEO cho rằng, "Về mặt khoa học công nghệ như hiện nay thì cơ quan có trách nhiệm xử lý không khó lắm, chẳng qua họ đưa đẩy trách nhiệm cho nhau hoặc làm không quyết liệt để sửa sai của mình gây ra.

Như quy luật tự nhiên con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn. Chúc em sớm tìm ra được bậc sinh thành của mình nhé!".

Độc giả Anh Kiệt: "Tám năm trước khi đọc được thông tin 2 gia đình tìm được lại huyết thống sau 38 năm do nhầm lẫn trong nhà hộ sinh tôi đã rất xúc động và thầm chúc phúc cho gia đình chị. Nay đọc tin này lại thấy buồn, hụt hẫng vì nhân tình thế thái và thương chị Thu Trang.

Suốt thời gian qua và giờ đây thông qua đơn kiến nghị chị cũng không yêu cầu bồi thường hay khiếu nại gì chỉ khẩn cầu các cơ quan chức năng hỗ trợ, cứu giúp để tìm ra nguồn cội của mình tôi cũng rất cảm phục cách cư xử của chị. Cầu chúc cho chị sớm tìm được hạnh phúc!".

Nhiều độc giả chung băn khoăn rằng với các quy định pháp luật hiện hành, yêu cầu của chị Trang sẽ được giải quyết như thế nào? Chị Trang cần sử dụng giải pháp pháp lý nào để được toại nguyện mong ước tìm lại cha mẹ đẻ?.

Giải đáp băn khoăn của độc giả Dân trí, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng mục tiêu của chị Trang trong trường hợp này là được pháp luật công nhận là con đẻ của những người cụ thể.

Theo luật sư, để được pháp luật ghi nhận điều trên chị Trang cần cung cấp bằng chứng đủ giá trị pháp lý khẳng định mối quan hệ huyết thống cha, mẹ và con. Kết quả xét nghiệm ADN là bằng chứng cao nhất, có giá trị nhất. Tuy nhiên, đây không phải là bằng chứng duy nhất.

Có buộc người cha, mẹ phải đi xét nghiệm ADN?

Trong vụ việc này, bên được coi là cha mẹ đã từ chối thực hiện việc xét nghiệm ADN với chị Trang. Hiện nay, dù có quy định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ án dân sự để buộc đương sự phải thực hiện hành vi nhất định, trong trường hợp này là buộc người cha, mẹ phải giám định ADN (điều 127 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015).

"Tuy nhiên, hiện thời các trình tự, thủ tục buộc đương sự đi giám định chưa đầy đủ, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong việc cưỡng chế một chủ thể đi xét nghiệm còn nhiều hạn chế. Giải pháp cưỡng chế đi xét nghiệm cho dù có quyết định của Tòa án nhưng được đánh giá là kém khả thi, không triển khai được", luật sư Lực cho biết.

Luật sư chia sẻ cách xác nhận cha mẹ trong vụ trao nhầm con 42 năm trước-2
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Cần bằng chứng gì để công nhận cha, mẹ cho con?

Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP tại Điều 11 quy định: Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con nêu rõ:

"Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng".

Theo quy định này, kết quả giám định có giá trị nhất nhưng không phải duy nhất để làm căn cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể dựa vào các bằng chứng, tài liệu khác để chứng minh quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

Trong vụ việc của chị Trang có rất nhiều tài liệu bằng chứng thực tế, được ghi nhận bởi cơ quan truyền thông báo chí chính thống khẳng định quan hệ cha con, mẹ con: Sự việc giao nhầm con, sự việc cha mẹ hai bên nhận nhau vào năm 2016, các diễn biến việc hai bên cùng hàn gắn tình cảm, sống chung với nhau một thời gian, du lịch cùng nhau…

Luật sư Lực chia sẻ, "Chị Trang cần thu thập thêm bằng chứng đặc biệt quan trọng đó là ý kiến của Trung tâm Y tế quận Ba Đình (đơn vị quản lý Nhà hộ sinh Hàng Bún) khẳng định có việc trao nhầm con, khẳng định ai là cha mẹ đẻ, tên tuổi và địa chỉ.

Với đơn thư kiến nghị của chị Trang, sự vào cuộc của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì đây là thời điểm tốt nhất có thể thu thập được bằng chứng này".

Nên lựa chọn cơ quan nào công nhận cha mẹ cho con

Cho dù có bằng chứng, tài liệu nhưng những bằng chứng tài liệu này phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết bằng các quyết định thì mới có giá trị xác định quan hệ cha mẹ và con.

Chị Trang nên lựa chọn Tòa án cấp huyện nơi người cha, mẹ đang cư trú để gửi đơn yêu cầu, đề nghị công nhận cha, mẹ cho con.

Tòa án là cơ quan tài phán hợp lý nhất, có đủ nguồn lực, thẩm quyền, chuyên môn phù hợp nhất để xem xét đánh giá các chứng cứ chị hiện có để giải quyết yêu cầu công nhận cha mẹ cho con.

Đặc biệt Tòa án nhân dân Tối cao tại mục 1. Phần IV Dân sự Thông báo số 89/TANDTC-PC ngày 30/06/2020 đã có giải đáp chi tiết về trường hợp cha mẹ từ chối yêu cầu giám định của Tòa án thì cần phải làm gì. Cụ thể:

"Việc thu thập mẫu vật để giám định ADN là một trong hoạt động thu thập chứng cứ của Thẩm phán quy định tại điểm c khoản 2 Điều 97 và khoản 2 Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Tố tụng dân sự, vì vậy không phải là một trong các căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 5 Điều 94 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì kết luận giám định chỉ là một trong các nguồn chứng cứ. Điều 108 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: 'Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ'.

Do đó, nếu không thể thu thập được mẫu vật để giám định ADN thì Tòa án phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung".

Chứng minh được quan hệ huyết thống để an lòng người con, khi có quan hệ huyết thống thì không đương nhiên phát sinh các quan hệ về tài sản giữa hai bên.

"Con chim có tổ, con người có tông" sự việc xác nhận cha mẹ cho con là việc làm hợp đạo lý, khi được tiến hành đúng trình tự pháp luật thì tất yếu sẽ có kết quả tốt đẹp.

Theo Dân Trí