Bi kịch trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội: Nước mắt và nỗi lòng người mẹ

Trong khi bà D. từ chối xét nghiệm ADN vì "không muốn cuộc sống bị xáo trộn", bà Hạnh hối hận đã nói sự thật với người con gái mà suốt 50 năm bà đã yêu thương và chăm sóc hơn cả con đẻ.

Từ chối xét nghiệm ADN vì không muốn xáo trộn cuộc sống

Những ngày qua, câu chuyện về "người con bị trao nhầm 42 năm" ở Hà Nội một lần nữa gây xôn xao dư luận khi "đứa trẻ" năm đó là chị Tạ Thị Thu Trang (50 tuổi, quận Ba Đình) làm đơn kiến nghị gửi Thanh tra Sở Y tế Hà Nội mong được hỗ trợ xét nghiệm ADN tìm bố mẹ đẻ.

Theo chị Trang, manh mối trong cuộc tìm kiếm người thân dựa vào bản trích lục 10 gia đình có con sinh từ ngày 9 đến ngày 11/10/1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình.

Trong số này gia đình ông N.L.H (SN 1941) và bà N.K.D (SN 1947) có con gái là N.L.A trú tại Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội hiện sống tại Đà Nẵng có nhiều thông tin trùng khớp.

Năm 2016 khi câu chuyện nhầm con được truyền thông đăng tải, chị N.L.A là người chủ động đến gia đình chị Trang nhận là con ruột bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (người mẹ nuôi chị Trang) đồng thời đưa chị Trang vào Đà Nẵng nhận cha mẹ ruột là ông H. và bà D. 

Thời gian qua, hai gia đình thường xuyên đi lại, thăm hỏi. Bản thân chị Trang cũng được nhận xét là có nhiều nét giống với ông H. và bà D. Tuy nhiên, dù đã nhiều lần yêu cầu được làm xét nghiệm ADN nhưng gia đình người này đều từ chối. 

Phóng viên Dân Trí đã nhiều lần liên hệ với ông H. và bà D. nhưng đều không nhận được phản hồi. 

Trong chiều 2/3, dưới sự chứng kiến của tất cả thành viên trong gia đình, chị Trang đã gọi điện cho bà Ngô Kim D. (77 tuổi) - người mẹ đã nhận chị vào năm 2016 - để khẩn cầu xét nghiệm ADN chứng minh tính huyết thống.

Đáp lời, bà D. từ chối xét nghiệm ADN với lý do "không muốn cuộc sống bị xáo trộn". 

"Ai về nhà nấy, con cứ trở về cuộc sống bình thường như mấy chục năm qua", bà D. nói. Sau cùng, bà D. thừa nhận "không chắc chắn Trang có phải con mình hay không", nhưng nhất quyết không muốn thử ADN.

Bà cũng từ chối giải thích vì sao vào năm 2016, dù chưa làm xét nghiệm ADN, vợ chồng bà đã nhận chị Trang là con. 

Bi kịch trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội: Nước mắt và nỗi lòng người mẹ-1
Bà Hạnh chịu nhiều nỗi đau và trăn trở vì để thất lạc con ruột vào năm 1974 (Ảnh: Minh Nhân).

Về phần mình, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, 72 tuổi, mẹ nuôi chị Trang, nói cảm thấy hối hận về quyết định công bố sự thật năm xưa của mình. 

Bà không ngờ sự thanh thản trong lòng đã kéo đến bi kịch gần 8 năm qua khi chị Trang nhiều lần đặt vấn đề xét nghiệm ADN đều bị gia đình bà D. từ chối.

"Thà cứ để như thế, không đi tìm nữa thì có phải bây giờ mọi người đều sống hạnh phúc hay không. Kết cục của việc đi tìm kiếm người thân lại khiến tất cả đều đau khổ, tổn thương", bà Hạnh nghẹn ngào.

"Mong rằng không gia đình nào rơi vào bi kịch như chúng tôi"

Nhớ lại ngày định mệnh 10/10/1974, bà Hạnh kể sinh con gái tại nhà hộ sinh Ba Đình (nay đã thay đổi địa chỉ), được đánh số thứ tự 33.

Hơn một tiếng sau sinh, con gái được nằm trong vòng tay mẹ. Trong lần đầu tiên cho con bú, bà phát hiện số thứ tự đeo ở chân đứa trẻ là 32. Khi hỏi bác sĩ, bà được giải thích: "Đi tắm nên bị mờ. Đây chắc chắn là con của chị".

Bằng linh cảm của người mẹ, bà Hạnh tin rằng đã xảy ra sự nhầm lẫn. Gia đình bà tìm kiếm khắp bệnh viện nhưng không thấy em bé nào được đánh số 33. Người con khác số được bà Hạnh đưa về nhà nuôi và hết lòng yêu thương, chăm sóc, đặt tên là Thu Trang.

Chứng kiến con gái lớn lên mỗi ngày một khác, trong khi hàng xóm, gia đình bên nội cũng nhận thấy điều này nên dị nghị bà Hạnh không chung thủy với chồng.

Năm 1998, nỗi day dứt thất lạc con đẻ thôi thúc bà Hạnh âm thầm thực hiện xét nghiệm ADN với chị Trang. Kết quả, mẫu thử không trùng khớp với cả bố và mẹ. Dù đau khổ nhưng bí mật về sự nhầm lẫn này vẫn được bà giấu kín cho riêng mình.

Bi kịch trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội: Nước mắt và nỗi lòng người mẹ-2
Chị Tạ Thị Thu Trang (hàng trên, thứ hai, từ trái sang) cùng các anh chị em trong gia đình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trong suốt mấy chục năm, bà Hạnh đã nhiều lần quay lại nhà hộ sinh để dò hỏi thông tin nhưng hồ sơ không còn lưu trữ. Mọi manh mối tìm lại người con thất lạc gần như vô vọng.

Tháng 9/2015, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà đã quyết định nói sự thật với hi vọng con gái có thể tìm được gốc gác ruột thịt và cũng để bản thân được thanh thản. Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy bà và chị Trang không cùng huyết thống, khiến cả hai vô cùng đau khổ.

Sở dĩ người mẹ chọn cách giấu kín là bởi nỗi khổ tâm sợ mất con gái mà suốt 42 năm bà đã yêu thương và chăm sóc còn hơn cả con đẻ.

Năm 2016, chị Nguyễn Thị L.A., cũng sinh ngày 10/10/1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình, con của ông Nguyễn Lê H. (sinh năm 1941) và bà D. đã đến nhận bà Hạnh là mẹ đẻ. Khuôn mặt người này được nhận xét có nhiều nét giống ông Tạ Văn Thân (đã qua đời, chồng bà Hạnh).

"Có người đến nhận mình là mẹ, tôi vô cùng vui sướng và hạnh phúc. Tôi cũng lăn tăn trong lòng, vì hai mẹ con chưa làm xét nghiệm ADN", bà Hạnh kể.

Niềm vui của người mẹ kéo dài vỏn vẹn hai tháng, khi được con gái đưa đi du lịch Thái Lan, sống cùng nhau 10 ngày. Sau đó, chị L.A. bất ngờ cắt đứt liên lạc.

"Hồi đầu tôi buồn và khóc rất nhiều. Tôi suy nghĩ không biết mình đã làm sai điều gì để con gái đến nhận mẹ rồi lại không liên lạc nữa suốt 8 năm qua", bà nói.

Tâm trạng đau khổ, bà Hạnh chỉ khóc, nhốt bản thân trong phòng ngủ, liên tục suy nghĩ về "lý do bị con gái bỏ rơi". Hai tháng bên nhau, bà cho rằng con gái chưa đủ hiểu mình, hy vọng con chỉ giận hờn vì mẹ không đi tìm con sớm hơn, thông cảm cho con chưa thể chấp nhận sự thật.

Hai năm đầu, bà viết nhiều lá thư, tâm sự "nếu mẹ sai chỗ nào, con có thể bỏ qua vì mẹ đã già, nhiều khi một câu nói cũng khiến con bị tổn thương". Những lá thư đều không có hồi âm. Bà tìm theo địa chỉ đến tận nhà L.A., nhưng sau lại lủi thủi ra về.

Bi kịch trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội: Nước mắt và nỗi lòng người mẹ-3
Đơn đề nghị xét nghiệm ADN của bà Hạnh vào tháng 9/2015 (Ảnh: Minh Nhân).

Đến nay, bà Hạnh nói đã buông xuôi, không nghĩ đến chuyện tìm kiếm con ruột. Bà mong muốn khép lại sự việc để không ai bị đau khổ. 

"Tôi mong rằng không gia đình nào rơi vào bi kịch như chúng tôi", bà nói. 

Còn chị Trang, 50 năm sống với thân phận "con gái mẹ Hạnh", chị đã thực sự hạnh phúc và mãn nguyện. Chị ước rằng tất cả chỉ như một giấc mơ, chôn vùi mọi ký ức đau khổ, để hai mẹ con tiếp tục sống và tiếp tục được là mẹ con của nhau.

Hai gia đình đều là "nạn nhân" của sự cố hi hữu

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết sự việc trao nhầm con xảy ra vào năm 1974 tại Hà Nội là vô cùng hi hữu. Hai gia đình đều là "nạn nhân" bởi sự bất cẩn của nhân viên y tế, đặc biệt thời điểm đó quy trình chăm sóc trẻ và cơ chế quản lý chưa hiệu quả. 

"Sự việc đã gây ra tổn thương không thể bù đắp với hai bên gia đình. Dưới góc độ pháp lý, đây là quan hệ nhân thân liên quan hộ tịch và mối quan hệ dân sự", ông Tiền nói.

Theo luật sư, nguyện vọng tìm lại bố mẹ đẻ của chị Trang là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, việc ông H. và bà D. không đồng ý xét nghiệm ADN để xác minh quan hệ huyết thống là điều có thể dễ hiểu, bởi có thể họ không muốn cuộc sống bị xáo trộn hoặc có những lý do riêng.

Theo quy định, chị Trang không thể yêu cầu hay cưỡng ép ông H. và bà D. đi xét nghiệm ADN. Cơ quan chức năng nơi người phụ nữ gửi đơn kiến nghị là Thanh tra Sở Y tế cũng không đủ thẩm quyền và chức năng để thực hiện việc này.

Bi kịch trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội: Nước mắt và nỗi lòng người mẹ-4
Chị Trang "gõ cửa" các cơ quan chức năng mong được hỗ trợ tìm bố mẹ đẻ (Ảnh: Minh Nhân).

Luật sư Trần Xuân Tiền dẫn Điều 20 Hiến pháp 2013 về việc "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm"; Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định "Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".

Dù kết quả xét nghiệm ADN là một trong những căn cứ để xác định quan hệ cha con, nhưng việc này chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý và tự nguyện của các bên.

"Xác định quan hệ huyết thống không chỉ đơn thuần là vấn đề pháp lý mà còn mang nhiều khía cạnh đạo đức, cần được các cơ quan có thẩm quyền phối hợp giải quyết và xem xét cẩn trọng", ông Tiền nói.

Bi kịch trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội: Nước mắt và nỗi lòng người mẹ-5
Sau 8 năm biết mình là đứa trẻ bị trao nhầm, chị Trang nói mọi chuyện đã vượt quá ngưỡng chịu đựng (Ảnh: Minh Nhân).

Theo luật sư, trường hợp cha, mẹ, con không đồng ý giám định ADN, thì người yêu cầu (chị Trang) có quyền khởi kiện ra tòa án và làm đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Căn cứ vào quyết định này, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền sẽ ra quyết định và tổ chức thi hành quyết định của tòa án. Nếu đương sự không tự nguyện thi hành án thì sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Mỗi người đều có quyền được biết về nguồn gốc của bản thân, gia đình và anh em ruột, giúp chữa lành những tổn thương tâm lý và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Do đó, cần có cách tiếp cận cân bằng giữa các yếu tố pháp luật và đạo đức. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng nhằm giải quyết vấn đề một cách phù hợp và thấu đáo", ông Tiền nói.

Ngày 1/3, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã mời chị Tạ Thị Thu Trang đến làm việc sau đơn kiến nghị "hỗ trợ xét nghiệm ADN, tìm bố mẹ đẻ".

Đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết đơn vị sẽ làm việc với Trung tâm Y tế quận Ba Đình (đơn vị quản lý Nhà hộ sinh Hàng Bún) để rà soát, xác minh các thông tin.

Theo quy định, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội không có chức năng yêu cầu công dân đi xét nghiệm ADN. Đơn vị này đề nghị chị Trang gửi đơn đến các cơ quan chức năng khác có đủ thẩm quyền để được giải đáp các thắc mắc.

"Chúng tôi sẽ đồng hành, nỗ lực và cố gắng hỗ trợ chị Trang, đồng thời tích cực phối hợp các cơ quan chức năng khi có yêu cầu", vị đại diện nói.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/doi-song/bi-kich-trao-nham-con-42-nam-o-ha-noi-nuoc-mat-va-noi-long-nguoi-me-20240301205428271.htm?fbclid=IwAR1xh77UBBpP6uXllBVlQ80rx8tsEJ7DFdmTzi6REsTiEvX-WqYi1wrDDSs

xét nghiệm ADN

Tin tức mới nhất