Thời gian gần đây, sự việc nam rapper Negav đã từng có những bình luận dung tục trên mạng xã hội liên quan đến nhiều nghệ sĩ đã làm dư luận dậy sóng.

Cụ thể, vào sáng 1/10, Negav trở thành tâm điểm MXH với một cáo buộc nghiêm trọng: Negav bị cư dân mạng chỉ điểm là quản trị viên của một hội nhóm chuyên đăng nội dung nhạy cảm, thậm chí quấy rối nhiều đối tượng - có không ít nghệ sĩ nổi tiếng là nạn nhân. Giữa lúc này, netizen “đào” ra bình luận khiếm nhã của Negav ngay trên bài đăng của Sơn Tùng M-TP 5 năm trước.

Trước vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) đã cung cấp cho chúng tôi một số giải đáp về mặt pháp luật của vụ việc.

Luật sư: Những bình luận khiếm nhã của Negav là hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng-1
Luật sư Diệp Năng Bình

Các bình luận của Negav bên dưới bài đăng của Sơn Tùng hoặc trong các bài post có nhắc đến nghệ sĩ khác, có được xem là hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng hay không?

Trên thực tế những hành vi quấy rối tình dục qua mạng xã hội không chỉ giới hạn ở các bình luận không phù hợp, mà còn bao gồm nhiều hành vi khác như chỉnh sửa ảnh của người khác với nội dung không đứng đắn, gửi tin nhắn spam hoặc gửi các hình ảnh, video clip thô tục. Nhiều nạn nhân khi đăng tải những hình ảnh đẹp lên MXH, họ nhận lại những tin nhắn xin làm quen, rủ đi ăn tối, rủ đi du lịch, nhưng thậm chí có cả những đề nghị khiếm nhã.

Nghiêm trọng hơn, nhiều nạn nhân còn nhận lại được những lời bông đùa, trêu chọc, thậm chí tán tỉnh với những câu từ phản cảm, dung tục. Có người còn bình phẩm nhan sắc, ngoại hình của các nạn nhân một cách kệch cỡm.

Do vậy những lời lẽ được thể hiện trong bình luận của Negav dưới bài viết được xem là hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng và là hành vi trái quy định pháp luật.

Thưa luật sư, đâu là ranh giới giữa đùa vui và quấy rối tình dục?

Ranh giới giữa trò đùa vui và quấy rối tình dục có thể khá mỏng manh và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngữ cảnh, mối quan hệ giữa các bên, và cảm nhận của người nhận. Chẳng hạn có thể xác định trò đùa vui và quấy rối tình dục dựa vào các tiêu chí sau:

Tính đồng thuận: Trò đùa vui thường được cả hai bên chấp nhận và không gây khó chịu. Ngược lại, quấy rối tình dục xảy ra khi một bên không đồng ý hoặc cảm thấy bị xúc phạm.

Ngữ cảnh và mối quan hệ: Một trò đùa có thể được chấp nhận trong một nhóm bạn thân nhưng lại không phù hợp trong môi trường làm việc hoặc với người lạ.

Luật sư: Những bình luận khiếm nhã của Negav là hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng-2
Những bình luận trong quá khứ của Negav khiến dư luận dậy sóng

Nội dung và cách thức: Trò đùa vui thường không mang tính chất gợi dục hoặc xúc phạm. Nếu lời nói hoặc hành động có tính chất tình dục và làm người khác cảm thấy không thoải mái, đó có thể là quấy rối.

Phản ứng của người nhận: Nếu người nhận tỏ ra khó chịu, không thoải mái hoặc yêu cầu dừng lại, nhưng hành vi vẫn tiếp tục, đó là dấu hiệu của quấy rối tình dục.

Việc hiểu rõ và tôn trọng ranh giới này rất quan trọng để duy trì môi trường giao tiếp lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau. Nếu gặp phải tình huống không thoải mái, hãy lên tiếng và tìm sự hỗ trợ từ những người xung quanh hoặc các cơ quan chức năng.

Nếu nạn nhân tố cáo, người được cho là có hành vi quấy rối sẽ đối diện với mức phạt nào?

Sau khi cơ quan chức năng có thẩm quyền nhận được tố cáo, tuỳ vào tính chất mức độ hành vi vi phạm đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự hoặc hành chính.

Xử lý hành chính

Người nào có hành vi quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Xử lý hình sự

Ngoài ra, hành vi quấy rối, làm phiền người khác đưa các thông tin không đúng và ảnh hưởng tiêu cực đến người khác đối tượng vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155 BLHS) hoặc vu khống người khác (Điều 156 BLHS).

Đối với tội làm nhục người khác, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với tội vu khống, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm. Bên cạnh đó người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo Người Đưa Tin