Ngày 14/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại phiên họp này, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng cần quy định rõ, chi tiết hơn về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.

Đáng chú ý, Thiếu tướng Lê Tấn Tới thẳng thắn đưa ra nhận định: "Điển hình, sau khi VTV chiếu phim Người Phán Xử thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra rất nhiều.

Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim thì pháp luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử lực lượng công an. Phán xử tất cả. Mà phim đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?"

Liên hệ với NSND Trung Anh – người thủ vai "sát thủ" Lương Bổng trong Người phán xử, nam nghệ sĩ cho hay ông đã đọc rất nhiều thông tin liên quan đến phát ngôn này của Thiếu tướng Lê Tấn Tới:

"Từ hôm qua đến nay, tôi đọc khá nhiều bài báo, thông tin liên quan đến phát ngôn của Thiếu tướng Lê Tấn Tới về phim Người phán xử. Tôi thấy người ta xôn xao về phát ngôn của đồng chí ấy. Nói thật, tôi cảm thấy chán!

Lương Bổng Người Phán Xử: Tôi cảm thấy bị xúc phạm!-1
NSND Trung Anh trong vai Lương Bổng phim Người Phán Xử.

Đồng chí nói như thế là nói theo bản năng, không có căn cứ. Đồng chí cần đưa ra nghiên cứu xã hội học về vấn đề mà đồng chí nói chứ không thể thích thế nào thì nói như thế.

Phát ngôn của đồng chí sẽ ảnh hưởng tới không chỉ một bộ phim mà còn rất nhiều vấn đề xung quanh nữa. Thiếu tướng Lê Tấn Tới làm về luật Điện ảnh, phát ngôn này rất ảnh hưởng tới toàn ngành".

NSND Trung Anh cho hay, ông cảm thấy bị xúc phạm với phát ngôn này của Thiếu tướng Lê Tấn Tới:

"Tôi cảm thấy bị xúc phạm trước phát ngôn này. Bộ phim chẳng có gì xấu! Phim kết thúc với sự ca ngợi đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu. Phim vạch ra cái xấu của xã hội.

Lương Bổng Người Phán Xử: Tôi cảm thấy bị xúc phạm!-2
"Tôi cảm thấy bị xúc phạm trước phát ngôn này".

Không phải cứ để công an "đánh dập đầu" kẻ địch mới là ca ngợi chiến thắng, mới là đề cao lẽ phải.

Ý đồng chí là xã hội Việt Nam làm gì có người nào phán xử thay cho pháp luật. Năm Cam và nhiều tội phạm khác cũng là 1 dạng người phán xử, nhưng ở dạng khác thôi, và rõ ràng giới xã hội đen cũng có luật lệ của riêng họ, tại sao lại bảo là không có?

Đồng chí bảo "sau khi VTV chiếu phim Người phán xử thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm tăng lên", đồng chí căn cứ vào đâu để nói như thế? Tôi thấy đây là ý kiến vô căn cứ và xúc phạm đến không chỉ ê-kíp làm phim hay riêng đoàn phim Người phán xử mà cả nền điện ảnh, cả VFC – đơn vị phát hành phim.

Lương Bổng Người Phán Xử: Tôi cảm thấy bị xúc phạm!-3
"Mọi người cũng biết phim Người Phán Xử cũng đề cao tình cảm gia đình".

Mọi người cũng biết phim Người Phán Xử cũng đề cao tình cảm gia đình. Rất nhiều câu thoại, tình tiết trong phim nhắc tới vấn đề này. Điển hình như câu thoại nổi tiếng của Phan Quân như: "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác, có hay không có, không quan trọng!"

Tôi thấy trên mạng, mọi người cũng phản ứng khá nhiều về vấn đề này".

Theo Pháp Luật & Bạn Đọc