Quả hồng đang vào mùa. Hồng đẹp mắt và ngon mát, ai đã thích là dễ nghiện. Nghiên cứu của y học cổ truyền lẫn y học hiện đại cho thấy, loại quả này có thể làm thuốc chữa nhiều bệnh thường gặp trong cuộc sống.

Dưới đây là tác dụng và những lưu ý khi ăn hồng để không ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Tác dụng của quả hồng

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời ThS.BS. Phạm Đức Thắng - Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, hồng là loại cây ăn trái thuộc họ Thị, tên khoa học là Diospyros kaki, sống ở khu vực khí hậu mát mẻ quanh năm.

Ở nước ta hồng được trồng nhiều ở phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra, ở phía Nam hồng được trồng ở vùng Đà Lạt- Lâm Đồng. Cây hồng có 2 loại chính:

- Giống hồng mòng (Hachiya) quả dáng con cù, khi còn xanh vị chát do chứa nhiều tannin, phải đợi thật chín mềm mới ăn được.

- Giống hồng giòn (Fuyu) có nguồn gốc từ Nhật Bản, quả hình dẹt, hơi vuông, khi chín màu vàng cam, giòn, không chát, có thể ăn được sớm hơn khi còn giòn do lượng tannin trong quả mất rất nhanh.

Lưu ý khi ăn hồng để có lợi cho sức khoẻ-1
Quả hồng tốt cho sức khoẻ nhưng cần ăn đúng cách.

Quả hồng chứa 12 - 16% đường, chủ yếu là đường glucose và fructoze, lượng acid thấp 0,1%. Trong 100g thịt quả có chứa 0,16mg caroten, 16mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin PP, B1, B2 và các hợp chất hữu cơ.

Theo y học cổ truyền, quả hồng vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng chữa tiêu chảy, trĩ, háo khát, ho đàm và các chứng nôn mửa, lo nghĩ, phiền uất... Tai hồng (còn gọi là thị đế) vị đắng chát, tính ấm, không mùi, có tác dụng giáng khí, trị nôn, ợ hơi.

Những lưu ý khi ăn hồng

Tuy tốt cho sức khoẻ nhưng bác sĩ Trần Thị Ngọc Châu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 khuyên bệnh nhân tiểu đường nên thận trọng khi ăn hồng. Trái hồng chứa 10,8% đường, phần lớn là disaccharides đơn giản và monosaccharides (glucose, fructose, sucrose) nên dễ dàng hấp thu vào máu sẽ gây tăng lượng đường trong máu. Nếu ăn hồng, bạn cần cân nhắc đến việc giảm ăn các loại thực phẩm có chứa đường khác trong ngày, để đảm bảo đường huyết của bạn được ổn định.

- Trái hồng không phù hợp cho người bị thiếu máu thiếu sắt, do trái hồng chứa nhiều tanin sẽ kết hợp với sắt tạo thành kết tủa, dẫn đến cản trở sự hấp thu sắt trong thức ăn. Ngoài ra, cũng không nên ăn trái hồng khi đang uống thuốc bổ sung sắt.

- Do hồng chứa nhiều tanin và chất xơ nên những người có bệnh viêm loét dạ dày thường sẽ cảm thấy khó chịu, đầy bụng, khó tiêu sau khi sử dụng. Vì thế, người mắc bệnh viêm loét dạ dày nên hạn chế ăn hồng.

- Không ăn vỏ trái hồng. Trong vỏ trái hồng chứa nhiều tanin, đây là lý do vỏ hồng ăn có vị chát.

- Không ăn hồng lúc bụng đói. Dưới tác động của axit dạ dày, tanin dễ bị kết tủa tạo phức. Hồng giòn tuy có vị ngọt nhưng vẫn còn một lượng tanin trong đó. Bạn nên ăn hồng sau khi ăn cơm, hoặc lúc bụng no.

- Theo Đông y, hồng tươi có tính hơi hàn, có thể làm hạ huyết áp, không nên dùng cho người suy kiệt, huyết áp thấp, mệt mỏi kinh niên, phụ nữ mới sinh.

Trên đây là những lưu ý khi ăn hồng, hãy ăn hồng đúng cách để tốt cho sức khoẻ nhé.

Theo VTC News