Trong phong thủy, ăn uống không chỉ là nhu cầu sinh học mà còn mang ý nghĩa về năng lượng, hài hòa và sức khỏe. Phong thủy coi trọng việc duy trì sự cân bằng và luân chuyển năng lượng, và điều này cũng áp dụng cho thói quen ăn uống, giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần và tạo ra môi trường sống tích cực. Từ đó giúp tạo ra dòng chảy năng lượng tốt, duy trì sự thịnh vượng và hạnh phúc cho cuộc sống hàng ngày để đem đến may mắn.

Thời tiết Lập Đông với đặc điểm lạnh, khô, ngày ngắn đêm dài, khi ăn uống nên biết những điều này.

Căn cứ theo ngũ vị để lựa chọn thức ăn cho phù hợp trong tiết Lập Đông

Ngũ vị là chỉ các vị: chua, đắng, ngọt, cay, mặn, phối hợp cùng với can (xuân), tâm (hạ), tỳ (trưởng hạ), phế (thu), thận (đông). Đông y cho rằng, các vị khác nhau thì tác dụng cũng không giống nhau. Vị chua có tác dụng làm giảm bớt tiểu tiện, giữ mồ hôi, ngăn tiêu chảy. Vào tiết Lập Đông đi tiểu nhiều, ăn đồ chua vừa phải có thể giảm bớt tiểu tiện, ví dụ như ăn cam quýt, ô mai, sơn trà...

Tiết Lập Đông, thận (thủy) làm chủ dễ khắc tâm (hỏa), tức là mùa đông tâm hỏa hư nhiều, vì vậy lúc này cần ăn nhiều vị đắng để bổ tâm. Ngoài ra, những chất dạng kiềm chứa trong các thực phẩm vị đắng có tác dụng tiêu viêm giải nhiệt, thúc đẩy tuần hoàn máu và làm giãn huyết quản.

Vị ngọt có tác dụng bồi bổ làm phòng chống co giật. Mùa đông giá lạnh, nên ăn thêm các thực phẩm có vị ngọt như: các loại đường, mật ong, mứt, nước uống ngọt... để cung cấp nhiệt năng, giúp cơ thể chống chọi lại với giá lạnh. Nhưng cũng không nên ăn quá nhiều vì dễ gây béo phì, làm trở ngại cho sự tiêu hóa của dạ dày và giảm cảm giác thèm ăn, thậm chí còn ảnh hưởng không tốt đến tim và thận.

Lưu ý khi ăn uống trong tiết Lập Đông-1
Ăn uống trong tiết Lập Đông cần đủ vị. Ảnh minh họa

 

Thực phẩm vị cay có tác dụng phát tán, hành khí, hoạt huyết... Phần lớn thực phẩm có vị cay thiên về tính nhiệt như: hành, gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, quế, hồi... khi dùng vào mùa đông có thể trừ hàn và kích thích tăng nhiệt lượng cho cơ thể.

Dinh dưỡng học cổ truyền còn cho rằng vị mặn có tác dụng bổ ích âm huyết, đào thải tán kết, làm mạnh tạng thận. Theo nguyên tắc "thu đông dưỡng âm", mùa đông nên ăn nhiều thực phẩm vị mặn để bổ thận, ví dụ như: rau câu, sứa, rau tảo... Đương nhiên, cũng không thể quá lạm dụng các loại thức ăn mặn vì dễ làm tổn hại đến tạng tâm và cũng không có lợi cho tạng tỳ.

Ăn uống trong tiết Lập Đông nên tùy theo thể chất mỗi người 

Thể chất của mỗi người khác nhau, âm dương suy thịnh, hàn nhiệt hư thực có sự khác biệt khá lớn, vì vậy ăn uống mùa đông phải tùy theo thể chất mỗi người mà điều chỉnh cho phù hợp.

Người âm hư nên ăn nhiều thực phẩm bổ âm như: vừng, cơm nếp, mật ong, chế phẩm sữa, rau xanh, hoa quả, cá các loại...

Người dương hư nên ăn nhiều thực phẩm bổ dương như: rau hẹ, thịt chó, thịt dê... Người khí hư nên ăn nhiều thực phẩm bổ khí như: nhân sâm, hạt sen, củ mài, đại táo.

Người huyết hư nên ăn nhiều thực phẩm bổ huyết như: vải, mộc nhĩ đen, ba ba, gan dê, tiết động vật...

Người dương thịnh nên ăn nhiều hoa quả, rau xanh, mướp đắng, kiêng các loại đồ ăn cay nhiệt như: thịt bò, dê và rượu. Người bị viêm tắc mạch máu nên ăn nhiều đào nhân, cải dầu, đậu đen... Người bị đờm, ăn nhiều củ cải, rau tảo, sứa, hành tây, đậu cô ve, ngân hạnh... Người khí uất nên ít uống rượu, ăn nhiều phật thủ, cam, quýt, kiều mạch, hồi hương...

Không nên ăn thịt rùa, ba ba vì dễ mắc các bệnh lạnh, hàn khí 

Một số người không nên ăn các món trai, hến và các vật có mai... bởi sẽ bị lạnh bụng, gây đau bụng. Ngoài ra, cần hạn chế ăn rau sống đề phòng phát bệnh tích trệ.

Ăn uống thanh đạm là một trong những nguyên tắc của phép dưỡng sinh ẩm thực phương Đông. Chế độ ăn quá nhiều các chất béo động vật, chất đường dễ gây rối loạn lipid máu, làm tăng cholesterol từ đó gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, là nền tảng phát sinh các bệnh lý nguy hiểm như: cao huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, viêm tắc động mạch...

Theo Sức khoẻ đời sống