Nếu từng nghe hầu hết các chỉ dẫn về du lịch Dubai, bạn sẽ nghĩ thành phố nằm trên sa mạc này được hình thành khoảng 1 thập kỷ trước.
Thực tế là Dubai bắt đầu hình thành từ những năm 1800, là nơi đánh bắt cá và ngọc trai. Tuy nhiên, Dubai phát triển thịnh vượng sau khi Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) phát hiện dầu mỏ vào năm 1966. Điều này dẫn đến sự phát triển bùng nổ kéo theo quá trình mọc lên của tòa nhà cao nhất thế giới, trung tâm mua sắm lớn thứ 2 thế giới, khách sạn sang trọng nhất và nhiều tòa nhà chọc trời hơn bất kỳ thành phố nào trừ New York (Mỹ) và Hong Kong (Trung Quốc).
Dubai có nhiều souk (chợ), là các dãy cửa hàng có điều hòa, nằm dưới một mái chung. Những chợ này bán các mặt hàng như: gia vị, nước hoa, quần áo. Trong đó, có khu chợ Gold Souk - chợ vàng nổi tiếng.
Nada Badran - một người dẫn chương trình truyền hình gốc Jordan, sống ở Dubai nhiều năm nói các khu chợ là chìa khóa để hiểu về Dubai.
Giao dịch vàng ở Dubai nhiều vì giá nhân công rẻ và nơi đây không đánh thuế mặt hàng vàng. Khách hàng mua vàng nhiều nhất ở Dubai là khách đến từ Ấn Độ và người dân sống ở đây.
Bạn có thể thấy sự ảnh hưởng của khách hàng chủ yếu đến phong cách của đồ trang sức được trưng bày. Theo Nada Badran, một số sản phẩm công phu, nặng hơn nhằm phục vụ cho khách hàng Ấn Độ.
"Đây là truyền thống mua vàng ở một số nền văn hóa, trong những dịp đặc biệt như đám cưới, sinh con và họ không ngừng mua vì giá cả thay đổi", Muff Bhavin Sagar, chủ sở hữu Chaiilal - một doanh nghiệp kinh doanh vàng do gia đình quản lý đã hơn 50 năm nói với tờ The National.
Đối với người dân Dubai, vàng thường có vai trò như một phần thách cưới mà chồng và gia đình bên chồng trao cho cô dâu và gia đình cô dâu khi cưới. Còn trong văn hóa Ấn Độ, khi con gái lấy chồng cha mẹ sẽ cho con của hồi môn về nhà chồng. Các trang sức bằng vàng dùng trong đám cưới rất công phu và có thể có giá hàng trăm ngàn USD.
Nhẫn khổng lồ
Dubai thường được gọi là "thành phố của vàng". Hồi năm 2014, 40% tức 75 tỷ USD giao dịch vàng toàn cầu đi qua Dubai. Chợ vàng ở Dubai có 380 cửa hàng để phục vụ khách hàng đến từ mọi nơi.
Đặc biệt, chợ bán vàng tại Dubai là nơi trưng bày chiếc nhẫn vàng lớn nhất thế giới Najmat Taiba, có giá khoảng 3 triệu USD (~69,7 tỷ đồng) và thu hút rất nhiều khách selfie khi tới đây.
Chiếc nhẫn này được làm từ 58,7kg vàng 21 carat. Ngoài vàng, nhẫn này còn gắn 5,1kg đá quý bao gồm 615 viên pha lê Swarovski. Để làm nên chiếc nhẫn, các thợ kim hoàn đã tỉ mẩn tới 45 ngày và 10 tiếng. Nhẫn có trọng lượng 63,856kg.
Giá vàng ở đây được xác định bởi 3 yếu tố: trọng lượng hoặc carat vàng, thiết kế và công sức bảo ra. Trong khi giá theo trọng lượng hoặc carat được chính phủ quy định, còn các yếu tố khác có thể thông qua thương lượng giữa người bán và khách.
Theo Dân Việt