“Đua deadline”
Cứ vào khoảng thời gian cuối năm, các công ty tất bật chạy đua nước rút để kịp tiến độ và đạt chỉ tiêu. Vì thế, công việc căng thẳng hơn bao giờ hết. Một tá nhiệm vụ cần hoàn thành, hàng loạt bảng cáo tổng kết để gửi sếp và lời giải trình thật thuyết phục khi chưa đủ KPI,... liên tục “đua deadline”.
Mỗi ngày, có không ít bạn trẻ phải dốc cạn lực, đẩy hiệu suất lên cao, tăng ca làm việc. Có khi đã rời khỏi công ty mà trong đầu vẫn còn nhiều vướng bận. Năm nào cũng vậy, thì sẽ sớm thôi chẳng còn muốn nhanh đến Tết nữa.
Tiêu tiền ngày Tết
Tết đến trăm thứ phải lo phải sắm: quà gửi cho bố mẹ, em út, vật dụng trang hoàng nhà cửa, các loại bánh mứt, hoa quả, vé xe về quê,… cũng được dịp mà tăng giá làm mình càng xót hơn.
Bởi thế nên nhiều người lòng thấy không vui, thành ra ghét tết. Ăn chẳng bao nhiêu mà sắm thì rất nhiều. Không có không được mà có thì thành thừa.
Rồi thì vẫn còn nhiều khoản linh tinh khác và một cái sẽ Tết chẳng mấy tươi sáng khi đang bị áp lực tài chính đè nặng.
Sự so sánh
Nhiều người dù nhiều lần tự nhủ không nên nhưng luôn khó tránh khỏi việc so sánh bản thân với những người khác cả trong cuộc sống thực và trên mạng xã hội.
Một người bạn khoe trên Facebook tết này có xe mới để đi chơi, chị đồng nghiệp khoe chồng tặng quà tết là chuyến du lịch châu Âu, bạn thời đại học được công ty thưởng tết trăm triệu… cũng khiến ai đó cảm thấy bản thân tồi tệ, không bằng người khác và không thấy vui khi Tết cận kề.
Những câu hỏi khó chịu
Vào mỗi dịp Tết, tới thăm họ hàng, bè bạn, mọi người lại bắt đầu “hỏi thăm” nhau, chuyện này hầu như đã trở thành một thông lệ.
Những vị khách đến nhà chơi Tết chẳng bao giờ quên "tra hỏi" những câu hỏi cực kỳ riêng tư như: “Nay làm lương tháng bao nhiêu?”, “Có bạn trai/bạn gái chưa”, “Bao giờ lấy chồng/lấy vợ”, "Bao giờ có em bé nữa",... vân vân và mây mây.
Không trả lời thì bị coi là khiếm nhã, mà trả lời những câu hỏi tế nhị như vậy cũng chẳng thoải mái gì!
Cứ mỗi dịp Tết đến, người trẻ lại than thở vì chán, càng lớn là càng muốn né tránh những ngày này vì một hoặc nhiều lý do. Nhưng có lẽ, chúng ta đang thực sự quên đi ý nghĩa thực sự của ngày Tết - dịp hiếm hoi trong năm mà bạn mới có thể quây quần với gia đình người thân của mình.
Tuy có quá nhiều điều gây áp lực trong dịp Tết, nhưng năm hết Tết đến là chuyện đương nhiên mà chúng ta không thể tránh khỏi. Thay vì phải gây thêm áp lực cho bản thân, hãy gác lại những lo âu, bỏ qua chuyện cũ để cùng chào đón một năm mới sum họp, hạnh phúc và đầm ấm bên gia đình.
Tết từng là niềm hạnh phúc rộn rã trong những năm tháng tuổi thơ và cũng có thể là khoảng lặng êm đềm lúc trưởng thành, bạn không cần quá hân hoan, chỉ cần từ từ cảm nhận.
Hãy thử mở lòng và chủ động hơn khi gặp lại mọi người, đừng quá đặt nặng những vấn đề tiền bạc, những câu hỏi “kém duyên”. Biết đâu chúng ta lại có những trải nghiệm và kỉ niệm đáng nhớ hơn trong dịp Tết này thì sao.
Theo VTC News