Lý do nhà khoa học khuyên không nên tin bí quyết của những người sống thọ nhất

Giáo sư Richard Faragher (Đại học Brighton) cho rằng thói quen của những người trăm tuổi có thể không liên quan gì đến tuổi thọ của họ. Một số người có nếp sinh hoạt không lành mạnh vẫn sống lâu nhờ gene và may mắn.

Sự ra đi của người cao tuổi nhất thế giới - bà Maria Branyas Morera đã làm dấy lên mối quan tâm về nguyên nhân khiến bà sống thọ 117 tuổi. Tuổi thọ trung bình của người dân quê bà - Catalonia (Tây Ban Nha) - ít hơn 3 thập kỷ. 

Trang Kỷ lục Guinness Thế giới trích lời bà Maria nói rằng chìa khóa giúp người phụ nữ này sống lâu là sự kết hợp của các thói quen và giá trị bao gồm: “Kỷ luật, tĩnh lặng, kết nối với gia đình và bạn bè, hòa mình với thiên nhiên, ổn định cảm xúc, không lo lắng, không hối tiếc, sống tích cực và tránh xa những người độc hại”. 

Lý do nhà khoa học khuyên không nên tin bí quyết của những người sống thọ nhất-1
Người cao tuổi thường xuyên chia sẻ bí quyết sống thọ với cộng đồng. Ảnh: AI

Tuy nhiên, Giáo sư Richard Faragher của Đại học Brighton (Anh) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những lời khuyên như trên. Ông chia sẻ với Guardian: “Đừng bao giờ nghe theo những lời khuyên về sức khỏe và lối sống từ một người trăm tuổi”.

Ông giải thích rằng khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu tại sao một số người sống lâu như vậy nhưng có hai giả thuyết phổ biến. Cả hai lý do đều không liên quan đến bất kỳ thói quen nào mà những người sống trên trăm tuổi vẫn tuân theo.

Một giả thuyết là may mắn. Chính bà Maria cũng thừa nhận may mắn đóng một vai trò quan trọng. Nhưng những người trăm tuổi khác có khả năng nghĩ rằng chính một loại thực phẩm hoặc thói quen cụ thể đã giúp họ sống lâu như vậy.

Giáo sư Faragher giải thích: “Nếu bạn hút thuốc 60 điếu thuốc/ngày mà vẫn sống sót không đồng nghĩa hút nhiều như vậy là tốt cho bạn”.

Giả thuyết thứ hai nhận định những người này có lợi thế di truyền đặc biệt khiến họ khỏe mạnh hơn. Rosa Moret, con gái của Maria, cho rằng đó có thể là lý do khiến mẹ cô sống lâu như vậy khi chia sẻ với chương trình truyền hình vào năm 2023. “Mẹ tôi chưa bao giờ đến bệnh viện, bà  chưa từng gãy xương nào cả”, Rosa bày tỏ. 

Giáo sư Faragher nhấn mạnh rằng sống thọ có thể là sự kết hợp của cả hai lý do trên. Hơn hết, ông lưu ý: “Một số người trăm tuổi làm nhiều việc không lành mạnh và vẫn sống sót cho thấy họ may mắn hoặc thường được ban tặng gene di truyền tốt”. 

David Sinclair, Giám đốc điều hành của Trung tâm Tuổi thọ Quốc tế, nhấn mạnh rằng các xu hướng lịch sử có thể tiết lộ chính xác hơn những thói quen nào giúp kéo dài tuổi thọ.

Khoảng 100 năm trước, tuổi thọ bắt đầu tăng lên đáng kể, cùng với nguy cơ tử vong ở trẻ em cũng giảm xuống, trùng với thời điểm tiêm chủng và nước sạch được áp dụng.

Tương tự, những cải tiến gần đây về vắc xin phòng bệnh cúm, sự phát triển trong các lĩnh vực y tế khác có thể giúp tăng tuổi thọ. 

Ông Sinclair cũng cho rằng câu chuyện của những người trăm tuổi không phải lúc nào cũng thể hiện những khó khăn mà họ phải đối mặt, chẳng hạn như chứng kiến ​​người thân yêu của họ qua đời và sống một mình trong nhiều năm. Ông cảnh báo: “Thực tế không phải lúc nào cũng tích cực như người ta tưởng”.

Theo VietNamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ly-do-nha-khoa-hoc-khuyen-khong-tin-bi-quyet-cua-nhung-nguoi-song-tho-nhat-2316377.html

sống thọ

Tin tức mới nhất