Nguyễn Bích Vân (ngụ Hà Nội) dù mới 23 tuổi nhưng vẫn đến bệnh viện xin trữ lạnh trứng với lý do "dự định kết hôn muộn".

Chẳng là sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, cô đang chuẩn bị các thủ tục để đi du học nước ngoài để phát triển sự nghiệp, còn hôn nhân thì đành gác lại sau. Tuy nhiên, cô cũng lo sợ việc kết hôn muộn sẽ ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ của mình sau này nên quyết định trữ lạnh trứng.

Ngoài trường hợp của Bích Vân, còn rất nhiều phụ nữ trẻ khác cũng quyết định đông lạnh trứng bởi mắc phải những căn bệnh, mà quá trình điều trị có thể làm giảm khả năng sinh sản hay làm suy buồng trứng.

Hình minh họa.

Giải pháp đông lạnh trứng sẽ giúp họ "để dành" cả số lượng và chất lượng trứng cho tương lai làm mẹ, tránh những khả năng xấu có thể xảy ra về sau.

Phương pháp trữ lạnh trứng thường được sử dụng trong thụ tinh nhân tạo. Theo đó, trứng của người phụ nữ được chọn lựa và lấy ra khỏi cơ thể vào thời điểm thích hợp nhất và lưu giữ bằng phương pháp giữ lạnh trong môi trường nitơ lỏng âm 196 độ C.

Thời gian sau, khi người phụ nữ này muốn có con trở lại, các bác sĩ có thể tiến hành thụ tinh nhân tạo cho trứng và cấy trở lại cơ thể người mẹ.

Thêm một điểm cộng của phương pháp này là chất lượng trứng sau thời gian trữ lạnh không thay đổi theo thời gian. Phụ nữ trữ trứng từ lúc 20 tuổi nhưng đến 40 tuổi mới có nhu cầu sinh con thì trứng vẫn giữ nguyên chất lượng như ban đầu.

Không những thế, đây là giải pháp an toàn cho trẻ sơ sinh bởi nếu phụ nữ sinh con muộn sẽ dễ mắc các dị tật cho thai nhi. Trữ trứng sẽ giúp cho chất lượng nòi giống được đảm bảo và không bị thoái hóa theo thời gian - nguyên nhân chính gây nên các vấn đề ở thai nhi.

Theo Sức khỏe gia đinh