Báo The New Indian Express ngày 6-6 dẫn lời thẩm phán ML Raghunath kể lại vụ việc hy hữu trên tại một cuộc họp báo ở tòa án TP Mysore, Tây Nam Ấn Độ.

Ông Raghunath gọi vụ việc này là ''vụ án Maggi'', đặt theo tên của một thương hiệu mì ăn liền (còn gọi là mì tôm trong khẩu ngữ Việt Nam) tại Ấn Độ. Danh tính của cặp vợ chồng không được công bố.

Theo ông Raghunath, người chồng nói rằng vợ mình mua các gói mì tôm Maggi để nấu bữa sáng, trưa và tối kể từ khi họ kết hôn. Chịu hết nổi, anh đâm đơn ra tòa. Cuối cùng, hai người đồng ý ''đường ai nấy đi''.

Đạo luật hôn nhân đặc biệt của Ấn Độ năm 1954 quy định muốn ly hôn, vợ chồng phải sống ly thân trong ít nhất 1 năm và cùng đồng ý ly hôn.

Ly hôn vợ vì suốt ngày được cho ăn mì tôm-1

Một nghiên cứu của Tạp chí Quản lý, Công nghệ và Khoa học xã hội quốc tế năm 2018 cho thấy tỉ lệ ly hôn ở Ấn Độ vào khoảng 11%. Cùng nghiên cứu này, Mỹ ghi nhận tỉ lệ ly hôn là 50%.

Tuy nhiên, ông Raghunath cho biết tình trạng ly hôn ở Ấn Độ đã gia tăng mạnh trong những năm qua. Chúng xảy ra phổ biến ở khu vực thành thị hơn là nông thôn.

"Ở khu vực nông thôn, các trưởng làng can thiệp và giải quyết vấn đề. Phụ nữ không có sự độc lập và bị xã hội, tình cảm gia đình trói buộc. Nhưng ở thành thị, phụ nữ được giáo dục và độc lập về tài chính" - ông Raghunath giải thích.

GS Shubhada Maitra, Viện Khoa học Xã hội Tata ở TP Mumbai, nói với báo The Hindustan Times hồi năm 2021: "Sự kỳ vọng gia tăng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy các vụ ly hôn ở Ấn Độ. Phụ nữ ở Ấn Độ ngày càng có định hướng nghề nghiệp hơn song nhiều người đàn ông vẫn mong đợi vợ của họ hoàn thành vai trò truyền thống''.

Theo Người Lao Động