Ly kỳ vụ bắt cóc nữ đại gia giữa phố để đòi nợ

Do thiếu nợ 4,5 tỉ đồng nên bà Nam bị chủ nợ nhờ giang hồ đòi giùm. Bà Nam đang đi giữa phố thì bị 2 người đàn ông ép lên ô tô chở đến 1 ngôi nhà vắng ở ven hồ Trị An (Đồng Nai) để ép bà trả nợ.

Bắt người đòi nợ

Ngày 8/2, Viện KSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trần Văn Miên (sinh năm 1968, ngụ Nam Định) về các tội bắt, giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản.

Ly kỳ vụ bắt cóc nữ đại gia giữa phố để đòi nợ-1
Bị can Miên tại phiên tòa sơ thẩm lần 1.

Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Phương Nam (sinh năm 1971, ngụ quận 4) và Lê Thị Thảo nhiều lần vay tiền qua lại với nhau. Tính đến năm 2010, bà Nam còn nợ bà Thảo 4,5 tỉ đồng với lãi suất từ 9% - 15%/năm. Thảo nhiều lần đòi nhưng bà Nam không trả.

Thông qua mối quan hệ xã hội, Thảo đã nhờ Miên và Nguyễn Anh Đức đòi tiền bà Nam giúp Thảo. Trưa 12/10/2010, khi bà Nam được anh Lê Hoàng Thanh (nhân viên của bà Nam) chở bằng xe máy lưu thông trên đường thì Miên áp sát yêu cầu bà Nam lên ô tô của Thảo đã đợi sẵn. Bà Nam được đưa vào một nhà nghỉ ở quận 12 sau đó được chuyển đến một căn nhà gỗ gần hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai) giam lỏng.

Tại đây, Thảo nói với bà Nam trả nợ gốc là 4,5 tỉ đồng còn lãi tính 2%/tháng nên bà Nam đồng ý. Sau khi thương lượng, bà Nam đã gọi điện cho nhiều người hỏi vay mượn đưa cho người thân của Thảo số tiền 3,5 tỉ đồng. Thảo nhận được số tiền 3,5 tỉ đồng thì đưa bà Nam đến một nhà nghỉ ở Bình Dương. Sau khi được thả về, bà Nam đã làm đơn tố cáo.

Với hành vi của mình, Miên bị TAND TP HCM tuyên phạt 1 năm tù về tội bắt giữ người trái pháp luật và 12 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Sau đó, Miên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị hại cũng có đơn kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, điều tra xét xử lại từ đầu.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi của bà Lê Thị Thảo.

Người bảo vệ quyền lợi cho bị hại đưa ý kiến cho rằng: theo kết quả điều tra thì bà Lê Thị Thảo có hành vi liên quan nhiều trong việc bắt giữ và cưỡng đoạt tài sản của người bị hại nhưng không bị xử lý; việc điều tra, truy tố và xét xử của cấp sơ thẩm là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, bỏ lọt tội phạm và tách vụ án không đúng, đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Miên thừa nhận hành vi đúng như bản án sơ thẩm nêu. Lời khai của bị cáo Miên phù hợp với lời khai của bị hại Phương Nam. HĐXX cấp phúc thẩm nhận định quá trình điều tra, truy tố và xét xử của cấp sơ thẩm còn nhiều thiếu sót.

Trong suốt quá trình điều tra cũng như tại các phiên tòa, bị cáo Miên đều khai rằng bị cáo thực hiện hành vi là theo yêu cầu của bà Thảo; Miên không quen biết hay có giao dịch gì với bà Nam trước đó.

Bà Thảo cũng có lời khai thừa nhận việc này nhưng cho rằng chỉ nghĩ bà Nam trả nợ thông thường, không biết việc bà Nam bị bắt giữ. HĐXX cấp phúc thẩm nhận định mặc dù bà Thảo không thừa nhận hành vi bắt giữ người, tuy nhiên căn cứ lời khai của bị cáo, bị hại và các chứng cứ liên quan thì có cơ sở xác định bà Thảo tham gia vào việc bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản cùng với bị cáo Miên.

Việc cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát cho rằng chỉ có lời khai của bị cáo Miên và bị hại nên không đủ cơ sở xử lý hình sự đối với bà Thảo nên không khởi tố, truy tố là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Từ những nhận định này, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP HCM, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xử lý theo thẩm quyền.

Tháng 5/2017, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố Trần Văn Miên về 2 tội cưỡng đoạt tài sản và bắt, giữ người trái pháp luật; Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức bị truy tố tội bắt, giữ người trái pháp luật.

Tuy nhiên, ngày 3/8/2017, TAND TP HCM mở phiên tòa sơ thẩm đã tuyên trả hồ sơ để điều tra lại. Sau đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với lý do hành vi bắt, giữ người trái pháp luật của Thảo và Đức không còn nguy hiểm cho xã hội (?!).

Theo Dân Trí


bắt cóc

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao