Vì sao nhiều gia đình cúng Rằm tháng Chạp rất cẩn thận?

Tháng Chạp là từ để chỉ tháng cuối cùng của năm âm lịch (tháng thứ mười hai).

Ngoài ra, theo quan niệm văn hóa dân gian, tháng Chạp là tháng hay bị xui xẻo, là tháng có thể dễ mất mát tiền của, hay bị tai bay vạ gió. Chính vì vậy, nhiều người hao của vì những lý do không đâu.

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp đơn giản, đúng và đầy đủ nhất-1
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp không cần quá cầu kì nhưng phải thành tâm (Ảnh minh họa)

Tháng Chạp còn được gọi là tháng củ mật.

"Củ mật" là từ Hán Việt, trong đó “củ” có nghĩa xem xét, kiểm soát, như người xưa hay gọi là “củ soát”. Còn “mật” nghĩa là kín, khít, nghĩa là cẩn mật, không để lộ, để thất thoát. “Củ mật”, hiểu đơn giản nghĩa là kiểm soát cẩn thận.

Vì thế cách gọi này là lời nhắc nhở của người xưa rằng trong tháng cuối cùng của năm, cần hết sức thận trọng, cẩn tắc, tránh tối đa các sai sót.

Do đó, xưa nay, nhiều gia đình đã sắp xếp mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp rất cẩn thận với hi vọng tai qua nạn khỏi, hết tai bay vạ gió.

Tùy theo từng tập tục của mỗi địa phương mà lễ cúng rằm tháng Chạp lại có những quy định, thay đổi về thời gian khấn hay đồ lễ cúng khấn.

Cách soạn mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp

Mâm cỗ Rằm tháng Chạp cũng giống như mâm cỗ ngày Rằm các tháng trong năm. Mâm cỗ cúng vào tháng Chạp không cần chuẩn bị cầu kỳ, tốn kém mà chỉ cần thành tâm.

Đối với đồ lễ cúng Rằm tháng Chạp, thông thường chuẩn bị mâm lễ chay như: Nến/đèn dầu - Nước sạch - Trầu cau- Hoa quả - Hoa tươi - Hương.

Đối với một số gia đình muốn chuẩn bị tươm tất hơn thì có thể chuẩn bị thêm lễ mặn: bánh chưng, thịt gà luộc, xôi, nem rán hoặc giò chả...

Tại một số vùng miền, mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp và các ngày lễ Tết còn có bát canh măng nấu cùng xương heo, mọc hoặc canh bóng bì.

Hoa huệ hoặc hoa cúc là 2 loài hoa có ý nghĩa tâm linh, hay được chọn để dân lễ cúng Rằm. Với hoa quả, mọi người có thể chọn những loại quả tươi như: dưa hấu, cam, chuối, bưởi, táo...

Các gia đình thường cúng Rằm tháng Chạp vào ngày 14 - 15/12 âm lịch, nhiều nhất là vào trưa ngày 15. Mọi người có thể làm lễ cúng vào thời gian phù hợp trong 2 ngày 14-15 để không ảnh hưởng đến công việc nhưng không nên cúng quá muộn vào lúc chạng vạng tối, hay cúng quá khuya.

Người làm lễ cúng Rằm tháng Chạp thường là người lớn tuổi nhất trong nhà hoặc là trưởng nam, trưởng nữ, người có uy tín trong gia đình. Trước khi làm lễ, phải tắm gội sạch sẽ, đầu tóc quần áo gọn gàng, thể hiện sự trang nghiêm, trịnh trọng với nghi lễ cúng.

(Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo)

Theo Giao Thông