Còn nhớ, vài năm trước, "mâm cua dì Ba" trở thành hiện tượng "gây sốt" suốt thời gian dài trên mạng xã hội. Chỉ đơn giản là một chiếc mâm trưng bày cua gạch, cua thịt ở lề đường, thế nhưng bằng sự thật thà của người bán và chất lượng cua ngon đã giúp bà Huỳnh Ngọc Dung (75 tuổi, thường gọi dì Ba) nổi tiếng.

Vào thời điểm đó, mỗi ngày dì Ba luôn được hàng chục Youtuber săn đón, thực khách phải xếp hàng dài đợi mua, 100kg cua hết vèo chỉ trong vòng vài phút.

Đặc biệt, độ nổi tiếng của dì Ba còn khiến các trang báo, người review quốc tế tìm đến. Trong đó, một tờ báo của Trung Quốc đã đặt tựa đề: "Một người phụ nữ 70 tuổi nổi tiếng vì bán được 50 con cua mỗi ngày".

Mâm cua dì Ba từng lên báo quốc tế, bán trăm ký trong vài phút, giờ ra sao?-1
Mâm cua lề đường của dì Ba từng gây bão trên mạng xã hội (Ảnh: Đình Thảo).

Thế nhưng, hiện tượng "mâm cua dì Ba" chỉ kéo dài vài tháng. Ngay sau đó, hàng loạt biến cố xảy ra khi dì Ba liên tục bị nói xấu, chỉ trích bán cua thối, bùng hàng… Đặc biệt, dịch Covid-19 làm công việc làm ăn của dì phải ngừng, mâm cua cũng bỗng rơi vào lãng quên.

Mâm cua dì Ba từng lên báo quốc tế, bán trăm ký trong vài phút, giờ ra sao?-2
Có thời điểm hàng trăm người đã tranh nhau để được mua cua của dì Ba (Ảnh: Đình Thảo).

Một chiều tháng 10, phóng viên quyết định quay lại con hẻm 565 Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM) gặp gỡ dì Ba. Trái ngược với cảnh đông đúc, dì Ba ngồi lặng lẽ ở góc đường. Mặc dù đã có mặt từ 10 giờ, vậy mà hơn 16 giờ trên mâm vẫn còn hơn 1kg cua.

2 năm trước, dì Ba trải qua ca phẫu thuật cắt bướu cổ. Do ảnh hưởng đến dây thanh quản nên đến nay dì không thể nói chuyện tự nhiên. Nhìn thấy phóng viên, dì Ba liền chỉ vào vết sẹo, cố gắng thể hiện rõ khẩu hình miệng nhưng người nghe đoán một cách rất khó khăn.

Thương cảm cho hoàn cảnh ấy, chị Quyên (60 tuổi, cư dân ở hẻm 565 Nguyễn Trãi) mỗi ngày đều ra phụ giúp bà nói chuyện và tính tiền cho khách.

Theo chị Quyên, vào 5 năm trước chính nhờ hiện tượng mạng, dì Ba đã kiếm được số tiền để trả hết nợ nần, sửa được căn nhà và trang trải tiền viện phí. Nhờ vậy, cuộc sống của dì cũng trở nên thoải mái, hạnh phúc hơn.

Mâm cua dì Ba từng lên báo quốc tế, bán trăm ký trong vài phút, giờ ra sao?-3
Giờ mỗi ngày dì Ba đều bán trong tình trạng ế ẩm, phải ngồi suốt nhiều giờ liền (Ảnh: Loan Tô).

Từ sau dịch Covid-19, dì Ba luôn rơi vào tình trạng ế ẩm. Thậm chí, dù ngồi suốt nhiều tiếng đồng hồ nhưng dì Ba vẫn không bán quá chục ký cua, buộc phải mang về để tủ lạnh, hôm sau hâm nóng bán với giá rẻ hơn.

"Nhiều lúc chúng tôi khuyên dì ở nhà nghỉ ngơi, nhưng vì không có đồng ra đồng vào nên dì vẫn tiếp tục ra đây buôn bán", chị Quyên nói.

Theo chị Quyên, cua dì Ba là hàng thiên nhiên ở Cà Mau. Trước đây, giá bán ra là vài trăm nghìn đồng/ký, thế nhưng do giá tăng nên hiện tại dì Ba bán từ 1 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng/ký mới có lời.

"Vì để cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người, mỗi dịp lễ, Rằm, dì ba đều đi chùa, phát gạo giúp đỡ người nghèo. Chỉ mong dì có sức khỏe, khách hàng ủng hộ lai rai để an hưởng tuổi già", chị Quyên nói.

50 năm trước vì để kiếm kế sinh nhai, dì Ba đã quyết định mua cua Cà Mau về hấp và mang đi bán dạo. May mắn được bà con ở hẻm 565 Nguyễn Trãi giúp đỡ, dì Ba bèn đặt mâm cua lề đường buôn bán.

Chính cơ hội xuất hiện trên mạng xã hội đã giúp dì Ba đổi đời trong thời gian ngắn. Mặc dù, hiện tại không còn thời "hoàng kim", dì Ba vẫn hài lòng với cuộc sống.

Mâm cua dì Ba từng lên báo quốc tế, bán trăm ký trong vài phút, giờ ra sao?-4
Dì Ba cho biết vẫn hài lòng với cuộc sống vì đã trả được nợ, trang trải viện phí nhờ lần nổi tiếng của mình (Ảnh: Loan Tô).

Ở tuổi 79, hằng ngày dì vẫn phải tự lực mưu sinh để nuôi sống bản thân. Thỉnh thoảng khách quen vẫn tới ủng hộ, giúp đỡ.

"Dì Ba tốt bụng, bán ở đây mấy chục năm nên dân đều thương. Tuổi dì lớn nên việc nặng, mua đồ ăn, tôi đều phụ giúp, chỉ cần mọi người giúp để bà có thêm ít tiền để trang trải thêm", chị Hà (45 tuổi, một cư dân ở hẻm 656 Nguyễn Trãi) nói thêm.

Theo Dân Trí